Sign In

Sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 05/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long

09:38 06/05/2024
(Vinhlong.gov.vn) – Các cơ quan, ban, ngành, địa phương và lực lượng Công an các cấp đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù; từ đó, công tác tiếp nhận, quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương luôn được trú trọng quan tâm hơn

Trong thời gian qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh luôn được giữ vững, ổn định. Kinh tế, văn hóa, xã hội từng bước phát triển, đời sống của Nhân dân ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, từng lúc, từng nơi, một số loại tội phạm như: giết người do nguyên nhân xã hội, lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet, cướp, cướp giật tài sản, xâm hại trẻ em còn diễn ra ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh; từ năm 2018 đến năm 2023, trung bình hằng năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 670 vụ phạm pháp hình sự, trong đó: tội phạm trộm cắp tài sản chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm (gần 40%); tội phạm và vi phạm pháp luật về ma túy còn diễn biến phức tạp và xâm nhập vào vùng nông thôn. Số phạm nhân được Cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh đưa đi chấp hành án tại các Trại giam, Trại tạm giam và Nhà tạm giữ hằng năm và số người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương vẫn còn ở mức cao, trung bình mỗi năm khoảng hơn 500 người,... Từ đó, đặt ra nhiệm vụ rất quan trọng cho hệ thống chính trị các cấp trong công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương.

Trước tình hình trên, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh là lực lượng nòng cốt chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp chủ động nắm, phân tích, dự báo đúng tình hình an ninh, trật tự (ANTT) để tham mưu kịp thời cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng thời, chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các cấp huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tiến hành đồng bộ các biện pháp để quản lý, giáo dục, giúp đỡ, tạo công ăn việc làm, hỗ trợ vốn, giải quyết các chính sách có liên quan cho những người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương.

Quán triệt thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 05/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các văn bản và phân công cụ thể trách nhiệm và nhiệm vụ cho các sở, ngành có liên quan; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả.

Ngoài ra, Công an tỉnh, Tỉnh đoàn và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch phối hợp số 13/KH-CAT-ĐTN-HLHPN ngày 30/12/2021 về triển khai giáo dục cải tạo phạm nhân và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng, giai đoạn 2021 - 2026 trên địa bàn tỉnh.

Về tình hình, kết quả thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng, thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg và Nghị định số 49/2020/NĐ-CP, các sở, ban, ngành tỉnh liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện, trọng tâm là những nội dung có liên quan đến nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương cần phải thực hiện để bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù, phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đều thống nhất nhận thức và xác định rõ công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng Công an giữ vai trò là lực lượng nòng cốt trong tham mưu tổ chức thực hiện. Đây là công tác vừa có tính cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài, thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng và Nhà nước đối với những người có quá khứ lầm lỗi, nhưng cũng là biện pháp quan trọng góp phần hạn chế tái phạm, chủ động phòng ngừa, kiềm chế sự gia tăng tội phạm và đảm bảo giữ vững ổn định tình hình ANTT, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Các cấp, các ngành đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị số 33/CT-TTg và Nghị định số 49/2020/NĐ-CP bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, với khoảng 45.538 lượt người tham gia nhằm tạo sức lan tỏa sâu rộng đến từng địa bàn cơ sở để mọi người dân hiểu biết, đồng thuận, tích cực tham gia giúp đỡ, hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống sớm tái hòa nhập cộng đồng.

Trong kỳ, đã tiếp nhận, quản lý 2.493 người chấp hành xong án phạt tù về địa phương. Trong đó, số người tái phạm và vi phạm pháp luật là 277 người. Nguyên nhân tái phạm chủ yếu là do các đối tượng không có việc làm ổn định, các ngành liên quan và gia đình thiếu quan tâm quản lý giáo dục. Tổng số người chấp hành xong án phạt tù đang quản lý là 1.344 người (giảm 1.149 người do xóa án tích).

Ngoài ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương, trong đó lực lượng Công an mà đặc biệt là Công an các xã, phường, thị trấn là nòng cốt, quản lý chặt chẽ đối với những người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, từ đó tạo được chuyển biến tích cực, cụ thể:

Công an tỉnh phối hợp Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật, Thư viện tỉnh Vĩnh Long thường xuyên tổ chức tuyên truyền, triển lãm và giới thiệu sách nhân kỷ niệm các ngày Lễ, Tết, nhằm giúp phạm nhân nâng cao nhận thức về những vi phạm, sai lầm và phấn đấu sửa chữa. Kết quả, đã tổ chức được 03 chương trình văn hóa, văn nghệ và triển lãm giới thiệu sách, có hơn 313 lượt phạm nhân tham gia. Từ năm 2022 đến nay, Cơ quan Thi hành án hình sự - Công an tỉnh tổ chức 02 lớp tập huấn cho 855 lượt người là chỉ huy và cán bộ, công chức thực hiện công tác hoà nhập cộng đồng,...

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức đoàn thể tư vấn, hướng nghiệp và giới thiệu, tạo điều kiện cho học các nghề phù hợp với khả năng, trình độ như: các nghề đan thủ công, nghề xây dựng, nghề mộc, sửa chữa xe gắn máy,… Sau khi ra trường được giới thiệu việc làm, thu nhập ổn định. Kết quả, trong kỳ, đã giới thiệu cho 234 người chấp hành xong án phạt tù tham gia học nghề và giới thiệu 377 người có việc làm ổn định. Đồng thời, vận động các tổ chức, đoàn thể xã hội, doanh nghiệp tạo điều kiện tiếp nhận, bố trí việc làm cho 116 người.

Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long phối hợp với Công an tỉnh, các đơn vị có liên quan và các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, chiến sỹ trong toàn lực lượng và quần chúng Nhân dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật, các văn bản hướng dẫn thực hiện công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng và công tác tái hòa nhập cộng đồng. Kết quả: biên tập, cộng tác 867 tin, hình ảnh trên Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long, Báo Vĩnh Long, Truyền hình Công an nhân dân (ANTV) và trên Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Vĩnh Long: 03 phóng sự “Mở lối cho người hoàn lương”; “Hướng thiện cho người lầm lỡ” và “Lối về cho người lầm lỗi”.

Sở Lao động - Thương binh Xã hội chọn các ngành nghề phù hợp, triển khai và đưa vào kế hoạch đào tạo chung của tỉnh, giao chỉ tiêu trực tiếp cho các cơ sở dạy nghề có chức năng giảng dạy. Kết quả đã tổ chức dạy nghề cho 143 người, gồm các nghề: đan thủ công, nghề xây dựng, nghề mộc, sửa chữa xe gắn máy,… để họ có thể tự tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm cho bản thân nhằm giúp họ giải quyết khó khăn, có việc làm ổn định cuộc sống.

Sở Tư pháp đã triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với triển khai các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác tái hòa nhập cộng đồng cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trên toàn tỉnh. Kết quả, có 15 cuộc, với 1.774 lượt người tham dự, tuyên truyền bằng hình thức thông qua hội nghị, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, bản tin tư pháp, cổng thông tin điện tử. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành và địa phương lồng ghép tuyên truyền được 61 cuộc, có 15.245 lượt người tham dự; tuyên truyền thông qua bản tin tư pháp 47.100 quyển và cấp phát đến tận ấp, khóm; tuyên truyền thông qua Cổng thông tin điện tử thu hút 25.000 lượt truy cập.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền trực tiếp cho nhóm đối tượng là người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương 2.664 trường hợp. Tuyên truyền giáo dục tư vấn: Một số quyền lợi, nghĩa vụ cơ bản của người chấp hành xong án phạt tù; giáo dục về kỹ năng sống; tác hại của ma túy, con đường lây nhiễm và cách phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS; một số nội dung cơ bản của Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thủy, Luật Cư trú; quy định về án tích và xóa án tích; về các quyền và nghĩa vụ của người chấp hành xong án phạt tù để họ nắm rõ và chấp hành tốt chủ trương, chính sách pháp luật tại địa phương, tránh tình trạng tái phạm, vi phạm pháp luật.

Nhìn chung, các cơ quan, ban, ngành, địa phương và lực lượng Công an các cấp đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù; từ đó, công tác tiếp nhận, quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương luôn được trú trọng quan tâm hơn; các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp xác định đây là một trong những công tác trọng tâm về đảm bảo ANTT của địa phương, là trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể Nhân dân; trong đó, lực lượng Công an làm nòng cốt tham mưu cho Ủy ban nhân dân các cấp trong công tác tái hòa nhập cộng đồng đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Thanh Tú – Nguồn Báo cáo số: 122/BC-UBND

 

Tag:

File đính kèm