Sign In

Tổng kết tình hình thực hiện Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp

10:19 21/05/2024
(Vinhlong.gov.vn) – Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thực hiện Luật Giám định tư pháp năm 2012 và Đề án 250 năm 2018 của Chính phủ về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (Đề án 250). Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương - Nguyễn Văn Yên và Thứ trưởng Bộ Tư pháp - Mai Lương Khôi đồng chủ trì hội nghị. Tham dự tại điểm cầu Vĩnh Long có đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp cùng đại diện các đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh

Luật Giám định tư pháp được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp được Quốc hội XV thông qua ngày 10/6/2020, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021.

Qua 12 năm thi hành Luật Giám định tư pháp, các Bộ, ngành đã ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ các văn bản hướng dẫn, hệ thống các quy định về giám định tư pháp tiếp tục được hoàn thiện; hệ thống tổ chức giám định tư pháp, đội ngũ người làm giám định tư pháp tiếp tục được củng cố và phát triển; hoạt động và quản lý nhà nước về giám định tư pháp từng bước đổi mới, nâng cao hiệu quả. Hiện nay, cả nước có 03 tổ chức pháp y ở Trung ương; 55/63 tỉnh, thành phố hoạt động theo mô hình Trung tâm pháp y; 7 tổ chức pháp y tâm thần được thành lập (2 viện và 5 trung tâm tại các khu vực). Toàn quốc có 66 tổ chức giám định kỹ thuật hình sự; 580 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc ở các lĩnh vực: tài chính, ngân hàng, xây dựng, tài nguyên môi trường, thông tin và truyền thông, văn hóa, giao thông vận tải, kế hoạch và đầu tư, nông nghiệp và phát triển nông thôn, bí mật nhà nước, tư pháp, bảo hiểm xã hội… Đội ngũ giám định viên tư pháp ở các lĩnh vực trong toàn quốc trên 7.100 người, giám định tư pháp theo vụ việc có trên 2.600 người. Về hoạt động giám định tư pháp chủ yếu được thực hiện theo trưng cầu của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Từ năm 2018 đến tháng 6/2023, hệ thống tổ chức, người giám định tư pháp ở các lĩnh vực đã thực hiện trên 1.039.600 vụ việc.

Ảnh: Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Long

Nhìn chung, việc tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu giám định được các tổ chức giám định thực hiện nhanh gọn, nhất là đối với lĩnh vực có tổ chức chuyên trách như pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự, hầu hết là đáp ứng kịp thời yêu cầu; việc tiếp nhận và thực hiện giám định trong những lĩnh vực không có tổ chức chuyên trách cũng từng bước được các bộ, cơ quan ngang bộ, sở, ngành chuyên môn, tổ chức được trưng cầu quan tâm tiếp nhận, thực hiện và cũng có nhiều thay đổi, cơ bản đáp ứng yêu cầu của hoạt động tố tụng. Hoạt động giám định được thực hiện theo đúng Luật Giám định tư pháp, đúng quy trình tiếp nhận, thực hiện giám định và kết luận, đảm bảo tính chính xác, khách quan, khoa học. Qua đó nâng cao chất lượng điều tra, xét xử, giải quyết vụ án, góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh với tội phạm, không làm oan người vô tội, đảm bảo an ninh trật tự.

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, quá trình triển khai thi hành Luật giám định tư pháp và Đề án còn một số hạn chế và khó khăn, vướng mắc nhất định trong thực tiễn hoạt động trưng cầu, tiếp nhận và thực hiện giám định tư pháp; khó khăn trong xây dựng, phát triển lực lượng làm công tác giám định; cơ sở vật chất, trang thiết bị ở hầu hết các đơn vị pháp y trong toàn quốc còn hạn chế, chưa tương xứng với quy mô và chức năng nhiệm vụ được giao...

Tại Hội nghị, các đại biểu đại diện một số Bộ, ngành Trung ương và địa phương đã tham luận, làm rõ nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế; kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chính phủ và các cơ quan chức năng đề ra giải pháp thi hành có hiệu quả Luật Giám định tư pháp.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi ghi nhận những ý kiến tham luận của các đại biểu và sẽ tiếp tục rà soát, tổng hợp các ý kiến để hoàn thiện báo cáo tổng kết thực hiện Luật Giám định tư pháp và Đề án. Trên cơ sở đó, tham mưu, đề xuất, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản đảm bảo phù hợp với quy định nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đồng thời, đề nghị các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, tăng cường trách nhiệm, phối hợp của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đối với cơ quan thực hiện giám định tư pháp; tăng cường đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp lý và nghiệp vụ giám định cho đội ngũ người làm giám định, bảo đảm mỗi người giám định đều được trang bị đầy đủ kiến thức pháp lý và kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ giám định…

Ngọc Hân

Tag:

File đính kèm

Tin đọc nhiều