Sign In

Triển khai Kế hoạch nâng cao năng lực cho các đối tác, hợp tác xã nông nghiệp phát triển liên kết chuỗi giá trị thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa

10:24 21/05/2024
(Vinhlong.gov.vn) – Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giám đốc Sở Tài chính; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố về việc triển khai Kế hoạch nâng cao năng lực cho các đối tác, hợp tác xã nông nghiệp phát triển liên kết chuỗi giá trị thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.

Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Quyết định số 1146/QĐ-BNN-KTHT ngày 22/4/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, theo đúng quy định.

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm nâng cao năng lực cho các đối tác, hợp tác xã nông nghiệp phát triển liên kết chuỗi giá trị thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 1 triệu ha lúa), cụ thể là: Tối thiểu 80% thành viên và 100% cán bộ quản lý, kỹ thuật của các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp tham gia Đề án 1 triệu ha lúa được tập huấn nâng cao năng lực tham gia vào việc đăng ký, theo dõi, đánh giá kết quả giảm phát thải; quy trình kỹ thuật; tổ chức sản xuất lúa theo chuỗi giá trị chất lượng cao, phát thải thấp và các kiến thức liên quan. Cán bộ khuyến nông và khuyến nông cộng đồng triển khai Đề án được tập huấn để hướng dẫn nông dân và tổ chức của nông dân về quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao phát thải thấp; đăng ký, theo dõi, đánh giá kết quả giảm phát thải và các kiến thức liên quan. Cán bộ quản lý nhà nước các cấp, cán bộ của tổ chức chính trị xã hội và đoàn thể liên quan triển khai Đề án của 12 tỉnh, thành phố được tuyên truyền, tập huấn, nâng cao năng lực triển khai Đề án. Cán bộ kỹ thuật, cán bộ nông vụ, phụ trách nguyên liệu của các doanh nghiệp tham gia Đề án được tập huấn, trang bị kiến thức về quy trình kỹ thuật, phát triển chuỗi giá trị chất lượng cao, phát thải thấp và các kiến thức liên quan.

Đối tượng được nâng cao năng lực bao gồm: thành viên, cán bộ quản lý, kỹ thuật của tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp; cán bộ khuyến nông, khuyến nông cộng đồng; cán bộ quản lý nhà nước các cấp, cán bộ của tổ chức chính trị xã hội và đoàn thể liên quan; cán bộ kỹ thuật, cán bộ nông vụ, phụ trách nguyên liệu của các doanh nghiệp tham gia Đề án.

Về nguồn vốn thực hiện, các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố tham gia Đề án căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tham mưu trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí từ các nguồn đầu tư, sự nghiệp và nguồn vốn từ các tổ chức nước ngoài và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để thực hiện nhiệm vụ: Nguồn sự nghiệp từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình khuyến nông, chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; Các chương trình, đề án của Bộ, tỉnh, thành phố; Lồng ghép các nguồn kinh phí các chương trình, dự án phù hợp.

Nguồn từ các dự án tài trợ: Dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ và các tổ chức khác. Nguồn vốn huy động hợp pháp khác: Nguồn vốn của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam ở cấp trung ương và địa phương; Nguồn vốn đối ứng của các doanh nghiệp, hợp tác xã...

Lâm Dung – Nguồn Công văn số 2460/UBND-KTNV, Quyết định số 1146/QĐ-BNN-KTHT

Tag:

File đính kèm

Tin đọc nhiều