Sign In

Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp

10:21 21/05/2024
(Vinhlong.gov.vn) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì hội nghị chuyên đề "Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp". Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tham dự tại điểm cầu Vĩnh Long có đại diện Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh

Nông nghiệp Việt Nam được ghi nhận có sự tiến bộ vượt bậc. Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu hàng đầu các mặt hàng nông sản, lương thực và nằm trong nhóm 5 nước xuất khẩu lớn của thế giới. Trong gần 40 năm, trong đó có 30 đổi mới (1986 - 2024), nông nghiệp Việt Nam đạt được mức tăng trưởng nhanh và ổn định trong một thời gian dài, cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực. Giá trị sản xuất nông nghiệp của Việt Nam tăng trưởng trung bình với tốc độ 4,06%/ năm giai đoạn (1986 - 2016).

Trong thời gian vừa qua, Quốc hội và Chính phủ đã nỗ lực hoàn thiện nhiều chính sách, pháp luật thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin phát triển Chính phủ điện tử và chuyển đổi số, để những chính sách, pháp luật được thực thi hiệu quả, sớm đi vào thực tiễn, Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã mạnh dạn đổi mới tư duy, cách thức tổ chức thực hiện, bám sát các Nghị quyết, Chỉ thị, kết luận của Trung ương Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để triển khai quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả để thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, Chuyển đổi số thông qua đẩy nhanh số hóa dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào các hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành, sản xuất, kinh doanh,.. của Bộ, ngành.

Bộ đã tập trung xây dựng, trình ban hành và tổ chức triển khai có hiệu quả nhiều đề án, chương trình, cơ chế, chính sách quan trọng cho phát triển ngành trong đó mỗi nhiệm vụ đều chú trọng gắn chặt việc ứng dụng các công nghệ số mới trong quá trình triển khai thực hiện. Ngành Nông nghiệp đã chủ động triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số, nhất là ứng dụng công nghệ số vào thực tiễn như trí tuệ nhân tạo, quản trị dữ liệu, IoT, tự động hóa, truy xuất nguồn gốc nông sản... vào hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản giúp tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

hàng chục vạn nông dân trên cả nước đã và đang ứng dụng có hiệu quả công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp. Với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và sự mạnh dạn, quyết đoán của những “nông dân 4.0”, việc thực hiện chuyển đổi số bước đầu đã được áp dụng trong ngành nông nghiệp ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, mang lại những kết quả hết sức khả quan. Nhiều chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (nước, phân bón…) để dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.

Thống kê từ các địa phương cho thấy, đến tháng 12/2023 đã có hơn 2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh, thành được đào tạo kỹ năng số, gần 50.000 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử; 250 HTX triển khai ứng dụng phần mềm quả lý sản xuất, truy suất nguồn gốc, 50 HTX đã sử dụng tem truy xuất nguồn gốc, 246 HTX nông nghiệp sử dụng phần mềm nhật ký điện tử, trên 600 HTX nông nghiệp tham gia sàn giao dịch sanocop.vn kết nối tiêu thụ xuất khẩu tới các thị trường Nhật Bản, Anh, Pháp, Hà Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc,…và hàng nghìn giao dịch điện tử đã được thực hiện cho thấy hiệu quả bước đầu của công cuộc chuyển đổi số nông nghiệp.

Ngành Nông nghiệp xác định số hóa, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là việc làm không mới, chuyển từ phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên, thị trường tiêu thụ sang sản xuất dựa trên dữ liệu và dự báo về điều kiện tự nhiên, nhu cầu, xu hướng và thị hiếu của thị trường tiêu thụ. Do đó, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành để đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp tạo ra giá trị gia tăng cho các chuỗi ngành hàng nông sản

Tuy nhiên, công cuộc số hóa trong lĩnh vực nông nghiệp từ trung ương đến địa phương cũng đang đối mặt với không ít rào cản và thách thức như nhận thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ số còn hạn chế; sự kết nối, chia sẻ, liên kết giữa các bên liên quan như cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp, doanh nghiệp công nghệ, HTX, nông dân còn chưa chặt chẽ, hệ thống hạ tầng công nghệ chưa đồng đều giữa các khu vực và vùng địa lý, thể chế đầu tư cho chuyển đổi số còn chưa đồng bộ... Vì vậy, Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận thấy rất rõ tính cấp thiết phải có những giải pháp toàn diện nhằm tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, ứng dụng số hóa nhanh và hiệu quả hơn nữa trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tại hội nghị, các đại biểu, chuyên gia đã tập trung đánh giá thực trạng, các điểm nghẽn về tình hình số hóa, ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời cũng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình thực tiễn và đề xuất giải pháp về số hóa nông nghiệp nhằm chuyển nhanh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Ảnh: Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Long

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực của ngành Nông nghiệp trong thực hiện chuyển đổi số thời gian qua. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị thời gian tới, để thúc đẩy mạnh mẽ công tác số hóa ngành Nông nghiệp, toàn ngành cần tập trung cải cách hành chính để ngày càng đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện chuyển đổi số; tích cực hợp nhất, đồng bộ hệ thống thông tin dữ liệu giữa các bộ, ngành; tập trung đầu tư hạ tầng số và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho việc thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Nông nghiệp; Phó Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các doanh nghiệp công nghệ cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn, đồng hành và đóng vai trò đầu mối và chủ trì kết nối người dân và doanh nghiệp cùng tham gia chuyển đổi số…

Ngọc Hân

Tag:

File đính kèm

Tin đọc nhiều