Các đồng chí: Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Bá Huy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Hà Quang Tiến, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy; Bùi Huy Vĩnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Lương Đức Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy dự tại điểm cầu Vĩnh Phúc.
Bám sát và thực hiện nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, năm 2023, các Tỉnh ủy, Thành ủy đã quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, cơ bản hoàn thành các nhóm chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị của năm, tạo đà quan trọng để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, thành phố.
Trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, các Tỉnh ủy, Thành ủy tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng toàn diện, sâu sát và linh hoạt. Thực hiện nghiêm các quy định, kết luận của Trung ương về tổ chức bộ máy, quản lý biên chế. Triển khai và hoàn thành kế hoạch công tác kiểm tra, giám sát các cấp phù hợp với thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ chính trị; khắc phục tình trạng chồng chéo trong kiểm tra, giám sát của Đảng và thanh tra, kiểm tra, giám sát của Nhà nước.
Vượt qua những khó khăn, thách thức, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) các địa phương đạt mức đáng khích lệ, hầu hết có xu hướng quý sau cao hơn quý trước, tháng sau tích cực hơn tháng trước. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Dịch vụ, thương mại tăng trưởng ổn định, duy trì và giữ vững đà phát triển…
Tuy nhiên, khác với năm 2022, thu ngân sách trên địa bàn của hầu hết các tỉnh, thành phố đều gặp khó khăn, đa số hụt thu khoảng 10-20% so với dự toán Trung ương và hụt thu cao hơn so với dự toán địa phương. Giá trị kim ngạch xuất khẩu ở các địa phương có quy mô công nghiệp lớn đều giảm sâu.
Tình hình an ninh biên giới, an ninh nông thôn, tội phạm, tệ nạn xã hội, tranh chấp khiếu kiện trong nhân dân có lúc, có nơi còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định chính trị - xã hội.
Tại hội nghị, các địa phương thẳng thắn nhìn nhận tồn tại, hạn chế, đưa ra nhiều kiến nghị liên quan đến lĩnh vực xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phát triển KT-XH. Trong đó, có 33 Tỉnh ủy, Thành ủy kiến nghị việc tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, du lịch. Áp dụng pháp luật trong giải quyết tranh chấp, khiến kiện về đất đai, nhà ở, xây dựng, khoáng sản cũng như cơ chế đặc thù đối với các dự án giao thông, năng lượng, cảng hàng không…
Kết luận hội nghị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai khẳng định: Năm 2024 là năm đặc biệt quan trọng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt kết quả cao nhất Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, thành phố và triển khai công tác lãnh đạo, chỉ đạo đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Các địa phương cần xác định ưu tiên thúc đẩy phát triển KT-XH; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024. Quan tâm, rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, các Tỉnh ủy, Thành ủy xác định nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục triển khai đồng bộ, nghiêm túc Kết luận số 21 của Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và bảo đảm chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới, thành lập tổ chức Đảng trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước.
Lê Minh (Nguồn: baovinhphuc.com.vn)