Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Cùng dự tại điểm cầu Hà Nội có các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương.
Dự tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Phúc có các đồng chí: Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Các đồng chí: Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan; Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành dự hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc. Ảnh: Khánh Linh
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng công bố Nghị quyết số 81 của Quốc hội về QHTTQG thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với những nội dung chính: Quan điểm phát triển, mục tiêu phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Các định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội, phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia, định hướng phát triển không gian biển, định hướng phát triển và phân bố không gian các ngành quan trọng, định hướng phát triển hạ tầng cấp quốc gia...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: QHTTQG có ý nghĩa rất quan trọng và được xây dựng dựa trên định hướng đã được Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII thông qua tại Kết luận số 45, ngày 17/11/2022…
QHTTQG lần đầu tiên được xây dựng ở nước ta, là quy hoạch vừa mang tính tổng thể, vừa mang tính chiến lược, bao trùm mọi lĩnh vực KT-XH và được lập cho 10 năm. Do đó, việc QHTTQG được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 81 là một bước quan trọng và có thể được đúc kết lại trong 12 chữ "Tư duy mới - Tầm nhìn mới - Cơ hội mới - Giá trị mới".
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Việc làm quy hoạch đã khó, nhưng tổ chức thực hiện còn khó hơn nữa. Việc triển khai và thực hiện thắng lợi các mục tiêu, yêu cầu của QHTTQG là nhiệm vụ rất nặng nề, khó khăn, cần quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả của các cấp chính quyền.
Chính phủ mong nhận được sự quan tâm phối hợp chỉ đạo của các cơ quan Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền cũng như sự quan tâm, đồng hành của các đối tác phát triển, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, cộng đồng doanh nghiệp, toàn xã hội và tất cả người dân.
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức bấm nút khai trương Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch.
Ngay sau hội nghị công bố và triển khai QHTTQG thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2050, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị toàn quốc về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thời kỳ 2021-2030.
Theo báo cáo của Chính phủ, triển khai công tác quy hoạch theo nhiệm vụ được phân công, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, địa phương thực hiện ngay 13 nhóm giải pháp để hoàn thiện quy định pháp luật về quy hoạch và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, nâng cao chất lượng quy hoạch.
Đến nay, 1 nhiệm vụ đang được triển khai thường xuyên; 5 nhiệm vụ đã hoàn thành; 3 nhiệm vụ đang triển khai, còn 4 nhiệm vụ chưa triển khai. Hiện tại đã có 58/111 quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã thẩm định xong.
Công tác quy hoạch đã bước đầu đạt những kết quả quan trọng, tuy nhiên, còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục như việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành về công tác quy hoạch để đảm bảo phù hợp với Luật Quy hoạch còn chậm so với yêu cầu đề ra.
Quy trình thẩm định, phê duyệt quy hoạch còn phức tạp, tốn nhiều thời gian. Thời gian cán bộ tham gia ý kiến và thời gian cơ quan lập quy hoạch hoàn thiện quy hoạch còn chậm. Việc rà soát tổng thể quy hoạch tỉnh liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, đòi hỏi phải có sự tham gia của các bộ, ngành nên kéo dài thời gian…
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh nhiệm vụ quy hoạch quốc gia là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, do vậy, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương khắc phục hạn chế, tồn tại trong công tác quy hoạch.
Tập trung quyết liệt thực hiện tốt công tác này, bảo đảm chất lượng theo Nghị quyết số 108 của Chính phủ; tăng cường phối hợp chia sẻ thông tin, thống nhất định hướng quy hoạch, bố trí nguồn lực, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong công tác quy hoạch.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư công; thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ làm công tác quy hoạch; đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng của Hội đồng thẩm định.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh các hoạt động hướng dẫn tổ chức, công dân trong việc sử dụng đất; Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm công tác quy hoạch theo chỉ đạo của Chính phủ; tiếp tục vận hành hiệu quả hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch. Các địa phương cần chủ động xử lý các vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch mạnh mẽ, quyết liệt hơn…
Nguyễn Khánh (Nguồn: baovinhphuc.com.vn)