Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Vũ Việt Văn, Nguyễn Văn Khước, Vũ Chí Giang chủ trì phiên họp.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành phát biểu kết luận tại phiên họp. Ảnh: Chu Kiều
Nhận định tình hình khó khăn, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực, giao thí điểm cho 15 giám đốc sở, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành phố 140 nhiệm vụ cụ thể, điểm nghẽn; ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, giao 95 chỉ tiêu và 113 nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, huyện, thành phố.
Trong tháng 12, UBND tỉnh tiếp tục quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh; triển khai thực hiện nhiều nhóm giải pháp đồng bộ, nhanh chóng khắc phục các khó khăn, kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH), từ đó tăng trưởng GRDP của tỉnh phục hồi trở lại.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 7,27% so cùng kỳ, chỉ số tiêu thụ (ngành CBCT) tăng 6,02%, chỉ số tồn kho giảm 4,50% so với tháng 11. Lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,29%; khu vực dịch vụ tăng 8,61. Nếu như GRDP quý I, giảm 0,5%, 6 tháng đầu năm tăng 1,69%, 9 tháng đầu năm tăng 2,1% và ước cả năm tốc độ tăng GRDP của tỉnh tăng 2,37% (đứng thứ 10/11 tỉnh vùng Đồng bằng Sông Hồng và thứ 55/63 cả nước).
Quy mô GRDP tỉnh Vĩnh Phúc năm 2023 đạt hơn 158 nghìn tỷ đồng, tăng 4,94 nghìn tỷ đồng, tăng 3,23% so với năm 2022; đưa giá trị GRDP bình quân đầu người lên 130,5 triệu đồng/người, tăng 2,63 triệu đồng/người, tăng 2,05% so với năm 2022.
Đến ngày 15/12/2023, toàn tỉnh thu hút được 78 dự án FDI (28 dự án cấp mới, 50 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt 604,2 triệu USD, tăng 30,76% so với cùng kỳ; 35 dự án DDI (16 dự án cấp mới, 19 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt hơn 21,7 nghìn tỷ đồng, tăng 75,58%.
Toàn tỉnh có 1.488 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 15 nghìn tỷ đồng, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 357 doanh nghiệp. Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng 3,89% so với tháng 11 và tăng 3,16% so với cùng kỳ.
Đến ngày 27/12, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 31 nghìn tỷ đồng nằm trong 8 địa phương có số thu cao nhất cả nước. Tổng chi ngân sách nhà nước đạt 23.910 tỷ đồng, đạt 127% dự toán, tăng 16% so với cùng kỳ.
Giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đến 30/11 đạt 7.937 tỷ đồng, bằng 103,2% kế hoach vốn Thủ tướng Chính phủ giao, 71,6 % so với tổng vốn kế hoạch T.Ư giao, đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố cả nước.
Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực nội vụ, tư pháp, giáo dục và đào tạo; đảm bảo an sinh xã hội được quan tâm. Tình hình dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng; an ninh trật tự, an ninh nội bộ và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; quốc phòng-an ninh được giữ vững và tăng cường...
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành cho rằng, nhiều chỉ số còn thấp và khó khăn trong tháng 12 và cả năm 2023 sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu các chỉ số cả năm 2024. Trên cơ sở đánh giá, phân tích tình hình và ý kiến tham gia của các đại biểu, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương và tỉnh, quan tâm chỉ đạo, rà soát, đôn đốc, xử lý những tồn tại trong công tác quản lý nhà nước các ngành, lĩnh vực, nhất là các chỉ tiêu đạt thấp để có giải pháp triển khai hiệu quả trong tháng 1/2024 và cả năm.
Phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm, sự phối hợp giữa các sở, ngành khẩn trương tổ chức chỉ đạo thực hiện các nội dung trong chương trình công tác tháng 1/2024 ban hành tại Chương trình công tác số 10/CTr-UBND ngày 12/12/2023 của UBND tỉnh và Nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp thứ 13 đảm bảo kịp thời, hiệu quả.
Đồng chí yêu cầu, triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 23/11/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 15/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Quan tâm chăm lo đời sống gia đình chính sách, người có công, người lao động, người nghèo, khó khăn, người yếu thế, công chức, viên chức đón Tết cổ truyền vui tươi lành mạnh. Thực hiện nghiêm những điều đảng viên không được làm; không biếu quà Tết cấp trên, đặc biệt, không sử dụng tiền ngân sách biếu quà Tết cấp trên và sử dụng phương tiện của Nhà nước vào việc riêng.
Đề nghị MTTQ, Sở LĐTB&XH, LĐLĐ các huyện, thành phố rà soát chăm lo CNLĐ, người nghèo, khó khăn đột xuất được đón Tết đầm ấm vui vẻ, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giữ gìn trật tự an toàn.
Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án số 16 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về sắp xếp tổ chức bộ máy một số đầu mối cấp tỉnh, cấp huyện giai đoạn 2022 - 2025; phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025; Đề án xác định vị trí việc làm.
Tăng cường chỉ đạo rà soát, đôn đốc, xử lý các tồn tại trong công tác quản lý nhà nước về đô thị, đất đai, dự án; rà soát, khắc phục các kết luận thanh tra, kiểm toán; phòng chống cháy nổ, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm trật tự xã hội, an ninh - quốc phòng, an sinh xã hội, an toàn thực phẩm. Đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, giải ngân đầu tư công. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án đầu tư trực tiếp, dự án khu đô thị, nhà ở trên địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị giao chỉ tiêu kế hoạch năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách năm 2024 và giao dự toán thu - chi ngân sách Nhà nước năm 2024 cho các sở, ngành, các huyện, thành phố.
Xuân Hùng (Nguồn: baovinhphuc.com.vn)