Sign In

Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc thảo luận tại tổ về 2 dự án luật sửa đổi

00:00 24/05/2024

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 24/5, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận tại Tổ đại biểu số 5 cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh: Kiên Giang, Lào Cai và Quảng Nam. Các đồng chí: Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng; Dương Văn An, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đồng chủ trì phiên thảo luận.
 

Luật Cảnh vệ năm 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018, qua 5 năm triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả tích cực vẫn còn một số vướng mắc, bất cập. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn qua 05 năm thi hành, giải quyết các bất cập, vướng mắc của pháp luật về cảnh vệ, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật về cảnh vệ phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Công an đã tiến hành xây dựng dự án luật bảo đảm quy trình và đã được các bộ, ban, ngành, Chính phủ đồng thuận cao. Đến nay, dự án luật đã được Bộ Tư pháp thẩm định, Chính phủ nhất trí trình Quốc hội. Dự án luật gồm 2 điều. Điều 1 sửa đổi, bổ sung 15/33 điều của Luật Cảnh vệ; Điều 2 là hiệu lực thi hành.

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ qua 5 năm tổ chức triển khai thực hiện, các bộ, ngành, UBND và Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, góp phần quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai, thực hiện Luật đã phát sinh một số bất cập, hạn chế, vướng mắc. Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) đúng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự thảo luật gồm 8 chương, 74 điều.

Cho ý kiến tại phiên thảo luận, các đại biểu: Lê Tất Hiếu và Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) và cho rằng: Việc sửa đổi sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ hiện hành.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận về khái niệm vũ khí quân dụng; vũ khí thô sơ; nguyên tắc quản lý, sử dụng; quản lý hoạt động kinh doanh, xuất, nhập khẩu các công cụ hỗ trợ có tính sát thương cao; cho, tặng, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ; các trường hợp, thủ tục thu hồi, giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ, trách nhiệm quản lý Nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; quản lý vũ khí thuộc lĩnh vực quốc phòng…

Thảo luận tại tổ về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, các đại biểu: Trần Văn Tiến và Thái Quỳnh Mai Dung, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cảnh vệ nhằm, khắc phục những hạn chế của Luật Cảnh vệ năm 2017, đồng thời, bổ sung một số nội dung mới khắc phục những bất cập phát sinh trong thực tiễn.

Các đại biểu cũng dành thời gian thảo luận về đối tượng cảnh vệ, biện pháp cảnh vệ, quyền hạn của lực lượng, chế độ, chính sách công tác cảnh vệ; bổ sung quy định áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với trường hợp không thuộc đối tượng quy định của Luật Cảnh vệ; quy định thống nhất về giấy bảo vệ đặc biệt…

 
Bích Phượng
 
 

Tag:

File đính kèm