Trong suốt chiều dài phát triển của lịch sử nhân loại đã có rất nhiều học thuyết về giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng nhân loại. Tuy nhiên, xét cả về mặt lý luận và thực tiễn, từ khi chủ nghĩa Mác-Lênin ra đời và trở thành học thuyết cho đến nay, chưa có bất kỳ một học thuyết nào vượt qua được tầm vóc vĩ đại trong việc giúp cho nhân loại xóa bỏ được tình trạng dân tộc này áp bức dân tộc khác, giải phóng con người thoát khỏi tình trạng nô dịch, đưa con người trở về đúng vị trí đích thực là làm chủ tự nhiên, làm chủ xã hội và làm chủ bản thân mình. Những quan điểm, khẳng định của học thuyết Mác-Lênin về chủ nghĩa xã hội đến nay vẫn còn nguyên giá trị:
Thứ nhất, về tính tất yếu ra đời của xã hội xã hội chủ nghĩa
Sự phát triển xã hội loài người là quá trình lịch sử - tự nhiên, từ thấp đến cao, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện. Sự ra đời xã hội mới bắt nguồn từ tất yếu kinh tế và được thai nghén từ trong lòng xã hội cũ. Đây là căn cứ để hai ông nghiên cứu về hình thái kinh tế-xã hội tư bản chủ nghĩa và chỉ ra tính tất yếu diệt vong của chủ nghĩa tư bản và tính tất yếu ra đời của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Liên quan đến vấn đề này, Mác và Ăng ghen đã có những luận điểm khá đầy đủ và hệ thống về hình thái kinh tế-xã hội cộng sản chủ nghĩa trong tác phẩm "Tuyên ngôn của Đảng cộng sản" (1848) và tác phẩm "Phê phán cương lĩnh Gô- ta" (1875).
Tiếp tục phát triển quan điểm của Mác và Ăng ghen về sự ra đời của xã hội xã hội chủ nghĩa. V.Lênin đã viết nhiều tác phẩm, tiêu biểu nhất là "Nhà nước và cách mạng" (1917). Nhân loại nhất định sẽ đi lên chủ nghĩa xã hội, V. Lênin viết: "Một kỷ nguyên mới đã mở ra trong lịch sử thế giới, nhân loại đang vứt bỏ hình thái cuối cùng của chế độ nô lệ, đó là chế độ tư bản - chế độ nô lệ làm thuê. Thoát khỏi được chế độ đó nhân loại sẽ bắt đầu bước vào chế độ tự do chân chính. Từ đó, người chỉ ra rằng tất cả các dân tộc đều đi lên chủ nghĩa xã hội, đó là điều không tránh khỏi"(1) . Mặc dù, hiện nay, chủ nghĩa tư bản đã có nhiều biểu hiện mới, nhưng bản chất của chủ nghĩa tư bản không thay đổi, những mâu thuẫn cơ bản vốn có trong lòng chủ nghĩa tư bản vẫn tiếp tục diễn ra với những biểu hiện khác nhau, với tính chất ngày càng gay gắt, sâu sắc hơn và nhân loại tất yếu sẽ phát triển đi lên chủ nghĩa xã hội.
Thứ hai, một số đặc trưng cơ bản của xã hội xã hội chủ nghĩa
Căn cứ lý luận và tổng kết thực tiễn, chủ nghĩa Mác-Lênin đã nêu một số đặc trưng cơ bản của xã hội xã hội chủ nghĩa đến nay vẫn giữ nguyên giá trị, đó là: Mục tiêu cao nhất của chủ nghĩa xã hội là giải phóng con người, tạo mọi điều kiện để con người phát triển toàn diện. Đây là mục tiêu và là đặc trưng cao nhất thể hiện bản chất nhân văn, nhân đạo cao cả của Chủ nghĩa xã hội; có lực lượng sản xuất phát triển, chế độ công hữu từng bước được xác lập, tổ chức quản lý hiệu quả, năng suất lao động cao, phân phối theo lao động; chế độ dân chủ tiến bộ, Nhà nước dân chủ mang bản chất giai cấp công nhân, với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân lao động; xã hội công bằng, bảo đảm bình đẳng giữa các dân tộc.
Kế thừa quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về chủ nghĩa xã hội một cách sâu sắc và khoa học, nhưng lại giản dị, có sức cảm hóa rất lớn đối với nhân dân. Với câu hỏi chủ nghĩa xã hội là gì, Người trả lời rất sáng tỏ: "Xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội"(2). Luận đề tổng quát đó được Người cụ thể hóa thêm: "Chủ nghĩa xã hội nghĩa là tất cả mọi người các dân tộc ngày càng ấm no, con cháu chúng ta ngày càng sung sướng"(3), "Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân giàu nước mạnh"(4).
Đối với Việt Nam, chủ nghĩa xã hội là con đường phát triển tất yếu do Đảng ta lãnh đạo “nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc”(5). Những thành tựu to lớn của cách mạng Việt Nam đã chứng minh giá trị và sức sống mãnh liệt của tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Ngay từ khi đổi mới, Đảng ta đã xác định đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu xã hội chủ nghĩa, mà làm cho mục tiêu ấy được thực hiện có hiệu quả bằng những quan niệm đúng đắn về chủ nghĩa xã hội, những hình thức, bước đi và biện pháp thích hợp. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 (sửa đổi, bổ sung 2011) đã thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, đặt ra cho Đảng ta yêu cầu phải phát huy cao độ sức sáng tạo lý luận để tìm tòi mô hình chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Tiếp tục khẳng định sức sống mãnh liệt của chủ nghĩa Mác-Lênin về chủ nghĩa xã hội và sự vận dụng vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam có bài viết quan trọng: "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam". Trong bài viết, Tổng Bí thư đề cập một số khía cạnh từ góc nhìn thực tiễn của Việt Nam và tập trung vào trả lời mấy câu hỏi: Chủ nghĩa xã hội là gì? Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa? Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam? Thực tiễn công cuộc đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua có ý nghĩa gì và đặt ra vấn đề gì?...
Tuy nhiên, chủ nghĩa xã hội là gì và đi lên chủ nghĩa xã hội bằng cách nào? Đó là điều mà Đảng ta luôn luôn trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi, lựa chọn để từng bước hoàn thiện đường lối, quan điểm, tổ chức thực hiện, làm sao để vừa theo đúng quy luật chung, vừa phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Hơn 90 năm được tôi luyện, thử thách trong thực tiễn cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam có bản lĩnh chính trị, có trí tuệ, có khả năng lãnh đạo thành công công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, kiên trì đường lối đổi mới, giữ vững nguyên tắc “đổi mới nhưng không đổi màu”.
Trải qua gần 40 năm đổi mới, Đảng lãnh đạo nhân dân ta đã đạt được thành tựu rất to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Đại hội XIII của Đảng đánh giá khái quát: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay... Tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại”(6). Thực tiễn đó đã và đang chứng minh sức sống, giá trị bền vững những nguyên lý, những quan điểm về chủ nghĩa xã hội của chủ nghĩa Mác-Lênin.
Phan Quang Mạnh
(Trường Chính trị tỉnh)
Tài liệu tham khảo:
(1) (V.I Lênin toàn tập, NXB Tiến bộ M, 1981, tập 30, tr 160)
(2), (3) Hồ Chí Minh: Sđd, t 10, tr 591, 317
(4) Hồ Chí Minh: Sđd, t 8, tr 226
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd , t. 12, tr 415
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, HN, 2021, tr.25-tr.26
(8) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022