Sign In

CỤ THỂ HÓA CHỈ SỐ HẠNH PHÚC TỪ NGHỊ QUYẾT VÀO CUỘC SỐNG Ở YÊN BÁI: Hạnh phúc được “đo lường” bằng chính sự hài lòng của người dân

19:28 30/03/2024

CTTĐT - Nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh Yên Bái lựa chọn cho mình một hướng đi riêng, theo triết lý phát triển nhanh, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”; đồng thời xác định, “nâng cao Chỉ số hạnh phúc cho người dân” là nhiệm vụ trọng tâm, giá trị cốt lõi trong chiến lược phát triển của tỉnh, động lực quan trọng để thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030.

 

 

 

Hạnh phúc là khái niệm hết sức trừu tượng. Chỉ số hạnh phúc trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh Yên Bái nhiệm kỳ 2020 - 2025 là nội dung hoàn toàn mới. Trước một việc mới, việc khó, chưa có tiền lệ, Yên Bái đã làm gì, làm như thế nào để cụ thể hóa và hiện thực hóa Chỉ số hạnh phúc vào thực tiễn địa phương, khẳng định giá trị cốt lõi và đích đến chính là bảo đảm đời sống ấm no, hạnh phúc và sự hài lòng của người dân.

Thực hiện các giải pháp nâng cao Chỉ số hạnh phúc ở Yên Bái thể hiện quyết tâm chính trị cao độ và tư duy đột phá của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và sự đồng thuận, hưởng ứng, tham gia của các tầng lớp nhân dân, đúng với phương châm đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: "Tiền hô hậu ủng", "Nhất hô bá ứng", "Trên dưới đồng lòng", "Dọc ngang thông suốt".

 

Xuất phát từ tình hình thực tiễn của địa phương, để “định lượng” được Chỉ số hạnh phúc, Yên Bái đã tham khảo kinh nghiệm của một tổ chức nghiên cứu kinh tế, xã hội ở Vương quốc Anh. Theo đó, đã nghiên cứu và đưa hạnh phúc từ một khái niệm hết sức trừu tượng, không thể cân đong, đo đếm thành chỉ số có thể “lượng hóa” và được đánh giá trên 3 nhóm tiêu chí chính hết sức cụ thể, rõ ràng: (1) Sự hài lòng về cuộc sống; (2) Đánh giá về tuổi thọ trung bình hiện nay trên địa bàn tỉnh; (3) Sự hài lòng về môi trường sống.

Từ mỗi nhóm tiêu chí chính, được cụ thể hóa thành 12 tiêu chí thành phần36 chỉ tiêu cụ thể thể hiện rất đầy đủ, chi tiết các vấn đề để người dân đưa ra đánh giá của mình, thể hiện sự hài lòng trên tất cả các lĩnh vực trong đời sống.

Soi chiếu vào Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam, có thể nhận thấy rất rõ 3 nhóm tiêu chí chính cũng như các tiêu chí thành phần và chỉ tiêu cụ thể về Chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái đều bám sát Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030. Đó là:

“Không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân” đã được cụ thể hóa trong Tiêu chí 1: Sự hài lòng về cuộc sống.

“... chú trọng nâng cao chất lượng, dịch vụ y tế, chất lượng dân số, gắn dân số với phát triển” đã được cụ thể hóa trong Tiêu chí 2: Đánh giá về tuổi thọ trung bình hiện nay trên địa bàn tỉnh.

          “... quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái...” đã được cụ thể hóa trọng Tiêu chí 3: Sự hài lòng về môi trường sống.

 

 

Cùng với đó, để “đo lường” được Chỉ số hạnh phúc, từ năm 2022, tỉnh Yên Bái đã giao cho Cục Thống kê tỉnh thực hiện nhiệm vụ điều tra, khảo sát, xác định Chỉ số hạnh phúc của người dân hết sức bài bản, khoa học trên phạm vi toàn tỉnh. Phương pháp điều tra, đánh giá Chỉ số hạnh phúc của Yên Bái đã được Tổng Cục thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho ý kiến thống nhất, đồng tình cao để Cục Thống kê tỉnh Yên Bái triển khai thực hiện.

Cách làm này đảm bảo được tính khoa học và chính xác do cơ quan thống kê thực hiện đối với sự hài lòng của người dân về các tiêu chí được xem như là thước đo Chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái.

 

 

Xuyên suốt tư tưởng chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền tỉnh Yên Bái, để nâng cao Chỉ số hạnh phúc cho người dân thì không có nhiệm vụ, giải pháp nào nằm ngoài các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội; giá trị cốt lõi và đích đến không nằm ngoài mục tiêu vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc và sự hài lòng của người dân.

Vì vậy, ngay từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh Yên Bái đã cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh bằng việc ban hành đầy đủ, đồng bộ các nghị quyết, chỉ thị, đề án, kế hoạch, chính sách bảo đảm toàn diện, phủ kín trên tất cả các lĩnh vực (gồm 12 nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, 80 nghị quyết, chỉ thị, quy định, đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hơn 100 nghị quyết, đề án, chính sách của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh).

Trong quá trình xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, đề án, chính sách... tỉnh luôn đặt ra mục tiêu phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, giữa kinh tế và môi trường, giữa vùng thấp và vùng cao, giữa nông thôn và thành thị; giữ gìn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, Yên Bái đặc biệt quan tâm các chính sách phát triển văn hóa xã hội và công tác an sinh xã hội. Đây là những yếu tố hết sức quan trọng để triển khai thực hiện mục tiêu xây dựng Chỉ số hạnh phúc cho người dân Yên Bái.

Đặc biệt, trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, Yên Bái có một cách làm rất riêng, thể hiện sự đổi mới và sáng tạo. Năm 2023, là năm thứ 5 tỉnh Yên Bái thực hiện “giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm” cho các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh theo Chương trình hành động lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Tỉnh ủy, tạo động lực thi đua và sức lan tỏa tích cực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Chương trình hành động hằng năm của Tỉnh ủy Yên Bái đã vượt xa hơn các kế hoạch thông thường, trở thành một phong trào rộng lớn, có quy mô và tầm ảnh hưởng đến toàn Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. “Giao nhiệm vụ - khoán sản phẩm” thông qua Chương trình hành động là một trong những đổi mới mạnh mẽ về tư duy, thể hiện sự sáng tạo, đột phá trong phương thức lãnh đạo, một trong những cách làm hay của Yên Bái trong thời gian qua.

 

 

Với tinh thần “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”, “giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm” đã có sức lan tỏa, thu hút mạnh mẽ, tạo một luồng sinh khí mới để các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải suy nghĩ, trăn trở, tìm tòi, không ngừng đổi mới, năng động, sáng tạo, thay đổi tác phong, lề lối làm việc để triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của năm.

Theo đó, hằng năm (từ năm 2021), Tỉnh ủy Yên Bái đều ban hành Kế hoạch nâng cao Chỉ số hạnh phúc của người dân với các nhiệm vụ hết sức cụ thể, trong đó có những nội dung đã thực hiện theo tinh thần “giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm”, “giao chỉ tiêu, khoán sản phẩm”“đặt hàng”, phân công cụ thể cho từng ngành, từng địa phương, cơ quan, đơn vị của tỉnh, đảm bảo “rõ người, rõ việc, rõ sản phẩm, rõ hiệu quả”.

Trong quá trình triển khai các giải pháp nâng cao Chỉ số hạnh phúc cho người dân, công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng, đã được thực hiện đồng bộ, đổi mới về nội dung, hình thức; có trọng tâm, trọng điểm, phản ánh được sâu sắc và toàn diện ý nghĩa, tính nhân văn, tạo đồng thuận trong việc triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao Chỉ số hạnh phúc cho người dân Yên Bái.

Ở Yên Bái, thi đua nâng cao Chỉ số hạnh phúc trở thành việc làm thường xuyên, là “thương hiệu riêng” của nhiều sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, địa phương; đã và đang lan tỏa mạnh mẽ trong toàn tỉnh, đã khơi dậy và phát huy tinh thần chủ động, tích cực của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương khu dân cư, sự gương mẫu, đi đầu của cán bộ, đảng viên, sự đồng thuận của nhân dân.

Đã xuất hiện rất nhiều mô hình, điển hình tiên tiến, những cách làm hay, thiết thực, hiệu quả, nhiều phong trào, cuộc vận động... trong triển khai các giải pháp nâng cao Chỉ số hạnh phúc cho người dân rất phổ biến trên địa bàn toàn tỉnh, mang lại kết quả rất tích cực (như: xây dựng gia đình hạnh phúc, tổ dân phố hạnh phúc, khu dân cư hạnh phúc, trường học hạnh phúc, cơ quan, đơn vị hạnh phúc, xã, phường, thị trấn hạnh phúc…).

Yên Bái cũng là tỉnh đầu tiên trên cả nước ban hành Bộ tiêu chí tạm thời đánh giá gia đình hạnh phúc, thôn, bản, tổ dân phố hạnh phúc - thể hiện bước đi tiên phong của tỉnh trong công tác tham mưu, thí điểm đánh giá tiêu chí có liên quan đến Chỉ số hạnh phúc, góp phần làm rõ thêm khái niệm, là một cơ sở quan trọng để đánh giá về Xã, phường, thị trấn hạnh phúc cũng như chứng minh tính đúng đắn trong quan điểm mới của Đảng ta về hạnh phúc của Nhân dân trong quá trình xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.

 

NHÓM TÁC GIẢ VĂN PHÒNG UBND TỈNH YÊN BÁI

Kỳ 1: THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHỈ SỐ HẠNH PHÚC Ở YÊN BÁI: “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt”

    Tag:

    File đính kèm