Sign In

Cán bộ phụ nữ Yên Bái nêu cao trách nhiệm trong hoạt động phản biện xã hội

13:46 04/06/2024
YênBái - Thực hiện kế hoạch hoạt động phản biện xã hội (PBXH) của năm 2024, mới đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội nghị phản biện, tham gia ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 của HĐND tỉnh Yên Bái ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 (viết tắt là NQ10).

Cán bộ Hội LHPN tỉnh tham gia ý kiến tại Hội nghị phản biện, tham gia ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 10 của HĐND tỉnh.
Cán bộ Hội LHPN tỉnh tham gia ý kiến tại Hội nghị phản biện, tham gia ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 10 của HĐND tỉnh.
NQ10 của HĐND tỉnh tính đến hết 31/12/2023 đã hỗ trợ được 236 hồ sơ của các tổ chức, cá nhân đề nghị thụ hưởng các chính sách với tổng kinh phí trên 5,7 tỷ đồng. Kết thúc năm 2023 - năm thứ 3 thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các định hướng cụ thể khác về phát triển du lịch của tỉnh; đồng thời, cũng là năm thứ 3 triển khai NQ10 của HĐND tỉnh với 11 chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh, đã có 6/11 chính sách được triển khai, còn 5/11 chính sách trong quá trình triển khai còn gặp vướng mắc, khó khăn. 

Từ các chính sách chưa triển khai được, đã bộc lộ một số bất cập, chưa hợp lý cần sửa đổi để các đối tượng có nhu cầu hưởng hỗ trợ có thể tiếp cận được. Nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực tiễn triển khai NQ10, tiếp tục đưa chính sách đi vào cuộc sống thiết thực, hiệu quả, đáp ứng được mục đích, quan điểm về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, việc ban hành nghị quyết mới trên cơ sở sửa đổi, bãi bỏ một số chính sách còn vướng mắc trong quá trình triển khai thực tế của NQ10, bổ sung chính sách mới theo hướng mở rộng đối tượng, điều kiện được hưởng, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiếp cận với các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch là phù hợp với yêu cầu thực tiễn, hết sức cần thiết. 

Chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa XIX sắp diễn ra trong thời gian tới, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành có liên quan xây dựng các dự thảo các văn bản, tờ trình, nghị quyết liên quan đến nhiều lĩnh vực xã hội để xin được thông qua tại kỳ họp HĐND tỉnh. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của NQ10 của HĐND tỉnh cũng chính là một trong những nội dung mà UBND tỉnh rất quan tâm.

Bà Hoàng Phương Thúy - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh cho biết: "Hội LHPN tỉnh tổ chức Hội nghị phản biện, tham gia ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của NQ10 của HĐND tỉnh nhằm phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, hội viên phụ nghiên cứu thảo luận, tham gia ý kiến chất lượng vào Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của NQ10. Qua đây, cũng là dịp thể hiện vai trò, trách nhiệm của Hội LHPN trong công tác PBXH”.

Trên tinh thần trách nhiệm cao, đã có nhiều ý kiến chất lượng của cán bộ phụ nữ đóng góp, tham gia vào Dự thảo Nghị quyết. Các ý kiến tập trung vào các nội dung như: chính sách phát triển nguồn nhân lực; chính sách hỗ trợ phát triển tài nguyên du lịch; điều kiện hỗ trợ; nội dung và mức hỗ trợ; chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất và hạ tầng du lịch; chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực du lịch và hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch… 

Bà Lê Thị Thu Hoài - Trưởng ban Tuyên giáo - Chính sách Hội LHPN tỉnh cho biết: "Ban Tuyên giáo - Chính sách đã nghiên cứu và có một số ý kiến tham gia; trong đó, đối với Mục 2: "Chính sách phát triển nguồn nhân lực”, Điều 9, tại điểm a, khoản 2, đề nghị bổ sung thêm nội dung tổ chức tập huấn ứng dụng số trong quảng bá sản phẩm du lịch. Lý do là, hiện nay hầu hết các điểm, cơ sở du lịch đều sử dụng các phần mềm, mạng xã hội để quảng bá dịch vụ du lịch; tuy nhiên, không phải cơ sở nào cũng có thể tự xây dựng được những hình ảnh, thông tin cho mình hoặc những thông tin, hình ảnh được làm chưa thu hút người xem, hoặc cũng có thể nếu không được hướng dẫn, định hướng thì dẫn đến những vi phạm về mặt thuần phong, mỹ tục; thậm chí, vi phạm các quy định về pháp luật”. 

"Việc tổ chức phản biện xã hội bảo đảm các nguyên tắc, quy định của pháp luật và các quy định khác có liên quan; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ trong hệ thống hội liên hiệp phụ nữ các cấp với các ban, ngành có liên quan, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước và của Hội”  - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Hoàng Phương Thúy khẳng định.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Hoàng Phương Thúy chia sẻ thêm: "Qua các ý kiến cho thấy, chị em đã tập trung nghiên cứu sâu dự thảo Nghị quyết Sửa đổi, bổ sung một số điều của NQ10, bám sát với thực tế để đóng góp ý kiến chất lượng vào dự thảo Nghị quyết, với mong muốn đóng góp một phần trí tuệ để nghị quyết mới sau ban hành sớm đi vào cuộc sống. Ngay sau Hội nghị, Hội LHPN tỉnh đã tổng hợp các ý kiến tham gia phản biện, góp ý, phân theo các nhóm vấn đề và đã hoàn thiện văn bản tham gia ý kiến gửi cho cơ quan tham mưu tổng hợp trình HĐND tỉnh”.

Theo kế hoạch, dự kiến từ nay tới cuối năm, Hội LHPN tỉnh sẽ còn tổ chức 1 hội nghị PBXH, lấy ý kiến phản biện của cán bộ, hội viên phụ nữ vào dự thảo văn bản của các ban, sở, ngành khi có dự thảo văn bản. 

Thu Hạnh

     

Tag:

File đính kèm