Sign In

Yên Bái phát huy hiệu quả chính sách dân tộc

07:46 07/06/2024
YênBái - Thời gian qua, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các bộ, ngành trung ương, của tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Các chính sách dân tộc trên các lĩnh vực được triển khai đồng bộ, kịp thời, đúng đối tượng theo quy định.

Chính sách hỗ trợ du lịch ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số giúp hồi sinh nghề dệt thổ cẩm ở xã Tân Phượng, huyện Lục Yên.
Chính sách hỗ trợ du lịch ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số giúp hồi sinh nghề dệt thổ cẩm ở xã Tân Phượng, huyện Lục Yên.
   
Việc xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh là bước đột phá quan trọng, nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của nhân dân, góp phần từng bước hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.

Ông Trần Xuân Thủy - Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết: "Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh đã bám sát các nhiệm vụ trọng tâm, đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai quyết liệt, hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc. Tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở cơ sở. Tập trung công tác nắm tình hình nhân dân, tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chế độ chính sách theo quy định, góp phần hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”. 

Hiện nay, tình hình kinh tế, đời sống trên địa bàn vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh duy trì ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm, đồng bào các DTTS tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước và của tỉnh. Các chính sách, chương trình, dự án triển khai trong vùng đồng bào DTTS, trọng tâm là các chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh thực hiện, nhất là phát triển cơ sở hạ tầng, kiến trúc thượng tầng, chuyển đổi số trên các lĩnh vực. 

Nhiều hoạt động chăm lo vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS được quan tâm triển khai. Đặc biệt, tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp cho người dân vùng DTTS có điều kiện tốt nhất đưa các sản phẩm của địa phương đến với khách hàng trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS vẫn còn khó khăn. Khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản so với các vùng miền khác còn khá lớn và chậm được rút ngắn. Đồng bào các DTTS trên địa bàn được tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản ở mức thấp so với bình quân chung cả nước. 

Để triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ động phối hợp các sở, ngành liên quan trình HĐND, UBND tỉnh ban hành 4 nghị quyết, 8 quyết định, nhiều kế hoạch và các văn bản của các sở, ngành hướng dẫn triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ đồng bào DTTS. Năm 2023, đã giải ngân trên 700 tỷ đồng. 

Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt: đã thực hiện hỗ trợ và hoàn thành 788/829 nhà cho hộ nghèo; hoàn thành và đưa vào sử dụng 15/23 công trình nước sinh hoạt tập trung; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi: hỗ trợ xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng 115/168 công trình; phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, có học sinh bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS, hỗ trợ xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng 14/18 công trình. Triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ dinh dưỡng và chăm sóc đối với bà mẹ và trẻ em ở vùng đồng bào DTTS, địa bàn đặc biệt khó khăn.

Bước đầu triển khai các nội dung về chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS, cải thiện dinh dưỡng trong các chương trình mục tiêu quốc gia: tập huấn, cung cấp kiến thức về chăm sóc dinh dưỡng trẻ em và phụ nữ có thai cho cán bộ y tế tuyến cơ sở đội ngũ y tế thôn bản…

Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở vùng đồng bào DTTS tiếp tục được đẩy mạnh; vận động đồng bào DTTS tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để xóa đói giảm nghèo, tích cực tham gia các chương trình, phòng chống các tệ nạn xã hội, ma túy, mại dâm, phòng chống tội phạm, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đoàn kết các dân tộc, giữ gìn cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng trồng tái sinh, vận động nhân dân xây dựng các thiết chế văn hóa thể thao…, góp phần xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa lành mạnh trong xã hội; khơi dậy những truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc.

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Ban Dân tộc tiếp tục thực hiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò của công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trong tình hình mới. Thực hiện tốt công tác nắm tình hình vùng đồng bào DTTS và miền núi; phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ cốt cán cơ sở và người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chính sách dân tộc. 

Chỉ đạo triển khai, thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách của Đảng và Nhà nước, của tỉnh đối với vùng đồng bào DTTS, trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025 gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Ưu tiên tập trung cho các xã đặc biệt khó khăn, các thôn đặc biệt khó khăn; thực hiện nghiêm túc việc công khai các chính sách, chương trình, dự án, vốn đầu tư..., tạo điều kiện để người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Toàn tỉnh hiện có 137/173 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi; trong đó, có 45 xã khu vực III và 55 thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II và khu vực I. Theo kết quả rà soát tháng 12/2023, số hộ nghèo toàn tỉnh là 20.222 hộ, chiếm tỷ lệ 9,16% tổng số hộ toàn tỉnh, trong đó số hộ nghèo dân tộc thiểu số là 17.716 hộ, giảm 6.977 hộ so với năm 2022 chiếm tỷ lệ 87,6% trong tổng số hộ nghèo toàn tỉnh.

Anh Dũng

     

Tag:

File đính kèm