Sign In

Yên Bái xây dựng chính quyền phục vụ nhân dân

07:46 19/08/2024
YênBái - Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tỉnh Yên Bái là một trong những địa phương giành chính quyền sớm trong cả nước. Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công, đã trở thành đóng góp quan trọng nhất của nhân dân các dân tộc Yên Bái trong tiến trình lịch sử hào hùng hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Từ bước ngoặt lớn lao này, chính quyền cách mạng ở Yên Bái bắt đầu một hành trình vì nhân dân phục vụ.

Đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo thành phố Yên Bái gặp gỡ, trao đổi với người dân trong “Ngày cuối tuần cùng dân và doanh nghiệp”.
Đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo thành phố Yên Bái gặp gỡ, trao đổi với người dân trong “Ngày cuối tuần cùng dân và doanh nghiệp”.
"Lịch sử Đảng bộ tỉnh Yên Bái” giai đoạn 1945-1975 đã viết: "Sáng 22-8-1945, Ban Cán sự Đảng tổ chức cuộc mít tinh quần chúng ở vườn hoa tỉnh lỵ có gần một vạn người tham dự. Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Yên Bái làm lễ ra mắt nhân dân; đồng chí Ngô Minh Loan làm Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Phúc làm Phó Chủ tịch. Đồng chí Nguyễn Phúc thay mặt Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh tuyên bố xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến, công bố chính sách của Mặt trận Việt Minh, kêu gọi nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết ủng hộ, giúp đỡ chính quyền cách mạng sẵn sàng đập tan mọi âm mưu của đế quốc và các thế lực phản động, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, quyết tâm bảo vệ thành quả cách mạng, từng bước xây dựng cuộc sống mới”. 

Ngay sau thành công đó, có thể nói rằng chính quyền cách mạng non trẻ Yên Bái đã lập tức phải đương đầu, đối mặt với khó khăn chồng chất khó khăn. Nạn đói tiếp tục đe dọa nghiêm trọng ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh cùng với lũ lụt gây thiệt hại nặng nề về mùa màng, về tài sản ở các vùng ven sông Hồng. Chính quyền cách mạng Yên Bái cùng chung bối cảnh của cả nước lúc bấy giờ khi xác định phải chiến đấu với "3 giặc”: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. 

Đội ngũ cán bộ, đảng viên ở thời điểm đó rất ít lại thiếu kinh nghiệm quản lý xã hội trong khi công việc cách mạng thì hết sức dồn dập, vô cùng bộn bề. Quán triệt Chỉ thị "Kháng chiến, kiến quốc” tháng 11-1945 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Yên Bái đã xác định rõ: "Nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này của tỉnh là bảo vệ và giữ vững chính quyền cách mạng; dẹp trừ bọn Việt Quốc, từng bước cải thiện đời sống của đồng bào các dân tộc. Chính quyền cách mạng là thành quả và kết tinh cao nhất của khởi nghĩa Tháng Tám. Mất chính quyền là mất tất cả. Cho nên bảo vệ chính quyền cách mạng là nhiệm vụ sống còn”. Với tinh thần và quyết tâm ấy, chính quyền cách mạng Yên Bái đã tập trung và nỗ lực từng bước giải quyết mọi vấn đề đặt ra tại thời điểm đó, từng bước vượt qua tình thế muôn phần khó khăn trong những ngày đầu mới thành lập, từng bước vững vàng và từng bước trưởng thành.

Xuyên suốt chặng đường lịch sử 79 năm qua, chính quyền Yên Bái đã khẳng định rõ nét, chứng minh hiệu quả của quá trình thực hiện nhiệm vụ đảm nhận. Sát cánh cùng Đảng bộ tỉnh và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái, chính quyền tỉnh đã nỗ lực đóng góp cho cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác với những dấu mốc đáng nhớ như: Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Đại thắng Mùa xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam và thống nhất đất nước, thực hiện công cuộc đổi mới từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986 đến nay. 

Đặc biệt, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2020, Chính phủ Việt Nam đã khẳng định quyết tâm "Xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân”. Bám sát chủ trương của Chính phủ, chính quyền tỉnh Yên Bái tập trung ban hành các quyết sách và hành động mạnh mẽ. Chính quyền đã luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người dân, doanh nghiệp và tạo môi trường pháp lý công bằng, bình đẳng, thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế phát triển. Chương trình "Cà phê doanh nhân”, Phong trào "Ngày cuối tuần cùng dân và doanh nghiệp” đã góp phần tạo kênh thông tin đa chiều tương tác, lắng nghe, chia sẻ, góp phần tháo gỡ hiệu quả, kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư. 

Đồng thời, các cấp, ngành, địa phương nỗ lực hành động quyết liệt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật bằng nhiều hình thức sáng tạo, linh hoạt cùng với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng chính quyền điện tử đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nâng cao vị thế của Yên Bái trong khu vực và trên toàn quốc. 

Quyết sách đúng, quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, chính quyền tỉnh Yên Bái đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật và kỷ cương, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức và xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đồng thời, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt nhất. Tất cả thể hiện một chính quyền phục vụ, gần dân hơn, đáp ứng nguyện vọng và bảo đảm tối đa quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Kế thừa kết quả xây dựng chính quyền kiến tạo, chính quyền tỉnh Yên Bái tiếp tục tinh thần nỗ lực vì nhân dân phục vụ, vì sự phát triển của quê hương, đất nước. Yên Bái đã tăng cường công tác quản lý nhà nước, cải cách chế độ công vụ, nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và trách nhiệm thi hành của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp. 

Công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh ngày càng chủ động, linh hoạt, trách nhiệm, hiệu quả, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tập trung xử lý những vấn đề tồn đọng cũng như phát sinh mới. Đến giữa nhiệm kỳ 2020 - 2025, cùng với HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành 54 nghị quyết, 32 đề án, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh theo hướng liên thông, đồng bộ, phù hợp với định hướng, mục tiêu, quan điểm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh; đồng thời, cho ý kiến sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng toàn diện, đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp. 

Giai đoạn này, tỉnh đã chỉ đạo cụ thể hóa, triển khai quyết liệt, toàn diện nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS) theo Nghị quyết số 51-NQ/TU của Tỉnh ủy với nhiều giải pháp đồng bộ, sâu rộng; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thực hiện CĐS; ban hành bộ cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động CĐS, đối tượng thực hiện nhiệm vụ CĐS. Đặc biệt, Yên Bái quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo nền tảng thực hiện CĐS trên cả 3 trụ cột: xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. 

Đồng thời, tỉnh ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, triển khai Dự án "Xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị thông minh tỉnh Yên Bái” và đưa vào khai thác, sử dụng có hiệu quả các hạng mục trọng điểm thuộc dự án. Tập trung ứng dụng khoa học, công nghệ, tăng cường hợp tác hiệu quả để triển khai thực hiện nhiệm vụ, Yên Bái được đánh giá là tỉnh có mức cải thiện thứ hạng về chỉ số CĐS cao nhất cả nước. 

Công an xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng VNeID. 

Quyết tâm xây dựng chính quyền kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân là một định hướng đúng đắn, hợp lòng dân, góp phần hiện thực hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Nửa đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn có mức tăng trưởng khá, bình quân đạt trên 7,5%/năm. 

Năm 2023, Yên Bái tiếp tục ghi tên trong nhóm "Trung bình cao” về Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI), đứng ở vị trí 28/63 tỉnh, thành phố, tăng 8 bậc so với năm 2022; Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) tăng 4 bậc, từ vị trí 14 lên vị trí 10; Chỉ số Hài lòng vì sự phục vụ hành chính cấp tỉnh (SIPAS) tăng 2 bậc, từ vị trí 11 lên vị trí 9; Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đạt 65,99 điểm, tăng 2,9 điểm so với năm 2022, xếp thứ 39/63 tỉnh, thành trên cả nước, tăng 12 bậc so với năm 2022; Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành (DDCI) tiếp tục xu hướng cải thiện qua từng năm và tăng 1,21% so với năm 2022. 

Theo kết quả điều tra xã hội học, Chỉ số Hạnh phúc của người dân Yên Bái năm 2023 đạt 65,62%, tăng 12,32% so với đầu nhiệm kỳ. Xây dựng chính quyền kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ không chỉ góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mà còn thúc đẩy "tăng trưởng niềm tin” của nhân dân các dân tộc, doanh nghiệp đối với Đảng bộ, chính quyền tỉnh Yên Bái. 

Niềm tin tạo nên sức mạnh đoàn kết, đoàn kết là yếu tố quan trọng quyết định mọi thành công, đồng lòng chung sức thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển Yên Bái theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc” và trở thành tỉnh khá vào năm 2025, nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ vào năm 2030 theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025. 

Nguyễn Thơm 

    Tag:

    File đính kèm