Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược.
Cụ thể, thực hiện hiệu quả các đề án, chính sách nhằm huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; quyết liệt cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, thiết thực nâng cao mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp
Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các nghị quyết, đề án, cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh đã ban hành. Thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới các đề án, chính sách bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn và nguồn lực của địa phương.
Khẩn trương ban hành và tổ chức thực hiện nghiêm túc, bài bản, hiệu quả Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn tỉnh theo Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2030 và Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 30/7/2023 của Chính phủ đúng tiến độ, thời gian theo yêu cầu và bảo đảm các đơn vị sau sáp nhập hoạt động ổn định, hiệu quả.
Quyết liệt cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng. Tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao trách nhiệm trong xử lý công việc của các cơ quan, đơn vị, địa phương theo tinh thần chỉ đạo của Công điện số 968/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Phấn đấu chỉ số cải cách hành chính (Par Index) cải thiện từ 02-03 bậc so với năm 2022, chỉ số hài lòng của doanh nghiệp, người dân về sự phục vụ của các cơ quan hành chính SIPAS nằm trong nhóm 10 tỉnh dẫn đầu cả nước; cải thiện mạnh mẽ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, phấn đấu nằm trong top 30 tỉnh, thành phố; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) thuộc vào nhóm trung bình cao của cả nước.
Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin; đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trên cả ba trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Khuyến khích, hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng vào các ngành ưu tiên của tỉnh như: Nông, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo... Ban hành Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh các giải pháp nâng cao thứ hạng chỉ số chuyển đổi số (DTI) tỉnh Yên Bái.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số; tạo việc làm gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động. Xây dựng đội ngũ cán bộ các ngành, các cấp, nhất là người đứng đầu và đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ
Thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 21-NQ/TU ngày 20/01/2021 của Tỉnh ủy; Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh và các đề án, chính sách của Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025. Tăng cường đào tạo, thu hút nguồn nhân lực có kỹ năng nghề nghiệp, có trình độ về công tác tại tỉnh. Đổi mới phương thức và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, tạo nguồn nhân lực chất lượng cho phát triển kinh tế - xã hội ở các địa bàn khó khăn của tỉnh. Tiếp tục phát triển giáo dục nghề nghiệp và nhân lực có kỹ năng nghề, bảo đảm đủ về số lượng, chất lượng, hợp lý về cơ cấu, phù hợp với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng suất lao động, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Triển khai Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021-2030, Đề án số 11-ĐA/TU ngày 08/8/2018 của Tỉnh ủy nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Thực hiện tuyển dụng cán bộ đảm bảo đúng quy trình, quy định; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch gắn với bố trí, sử dụng cán bộ đảm bảo tính khả thi và yêu cầu chuẩn hóa cán bộ. Xây dựng kế hoạch lựa chọn cán bộ, công chức thuộc các sở, ban, ngành cấp tỉnh, cấp huyện để điều động, luân chuyển về cơ sở và ngược lại, nhằm tăng cường đội ngũ cán bộ chất lượng cho cấp huyện, cấp xã và đào tạo cán bộ cho cơ sở. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị “chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo, liêm chính”, thực sự là công bộc của nhân dân.
Huy động tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng đô thị
Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, lấy đầu tư công để dẫn dắt, kích thích đầu tư tư; mở rộng các hình thức hợp tác công tư theo quy định của pháp luật. Huy động tối đa các nguồn lực, nhất là nguồn lực của các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư, kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng thương mại, dịch vụ, du lịch... Làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, đồng thời tập trung tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công và giải ngân các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh, của huyện, tạo sức lan tỏa và động lực phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình chuyển tiếp, nhất là các công trình trọng điểm của tỉnh, sớm đưa vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư, tạo thêm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; kiên quyết xử lý các chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu triển khai các dự án, công trình không bảo đảm chất lượng, tiến độ, chậm giải ngân.
Tiếp tục huy động tối đa mọi nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông trọng điểm có tính liên kết giữa các vùng trong tỉnh, giữa tỉnh Yên Bái và các tỉnh trong khu vực, kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; ưu tiên thu hút đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp, từng bước hoàn thiện các khu, cụm công nghiệp hiện hữu; đa dạng hóa các hình thức huy động và sử dụng nguồn lực, nhất là các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước để đầu tư phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp mới theo quy hoạch.
Thực hiện hiệu quả Đề án phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025; tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực đóng góp nguồn lực, hiến đất làm đường giao thông nông thôn, phấn đấu năm 2024 kiên cố hóa, bê tông hóa được trên 400 km đường giao thông nông thôn.
Thanh Thủy