Chuyện Bí thư về với dân
Có thể ở đâu đó, đây vẫn là chuyện hiếm, nhưng với Yên Bái, câu chuyện này đã là hình ảnh thường nhật vào "Ngày cuối tuần cùng dân”. Khi ấy, người cán bộ đầu tỉnh cũng tất cả cán bộ cùng đi không còn "áo trắng, cổ cồn" mà săm sắn với con dao, cái cuốc, chân đeo ủng ống thấp ống cao cùng bà con tham gia đổ bê tông, làm đường giao thông nông thôn, trồng khoai sọ nương ("cọ cay”), tre măng Bát độ hay hai bàn tay chai sạn cùng dân xúc đất, đào móng xây nhà văn hóa thôn, làm nhà dột nát cho hộ nghèo….
Tháng 3 năm ngoái (2023), thay vì quần áo chỉn chu, ngày cuối tuần giữa tháng 3, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy lại vận quần áo lao động, đầu đội mũ cối, vai vác cuốc đi nương
trồng khoai sọ nương cùng đồng bào Mông thôn Mù Thấp, xã Bản Mù, huyện vùng cao Trạm Tấu. Đây là loại cây trồng đã đưa cuộc sống của đồng bào vùng cao khởi sắc.
Trời lất phất mưa bay, sương vẫn còn giăng mờ trên đỉnh núi, song trên nương khoai, không khí lao động lại diễn ra hết sức hăng say, phấn khởi, hòa chung trong tiếng cuốc, tiếng cười, tiếng gọi nhau í ới để bỏ phân, bỏ "cọ cay” giống vào hố đã đào.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy trồng cây khoai sọ cùng đồng bào Mông xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, tháng 3/2023
Vừa lao động, vừa trò chuyện cùng bà con, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy rất phấn khởi khi biết, trong những năm qua, nhờ sự chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền, các ngành chức năng trong huyện nên diện tích trồng khoai sọ ở Trạm Tấu ngày một tăng nhanh: năm 2021 đã trồng được 212 ha, tăng 132 ha so với năm 2020; năm 2022 trồng được 401 ha. Năm 2023, huyện phấn đấu trồng 600 ha.
Trạm Tấu đã từng bước hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm khoai sọ nương, phát triển một số vùng sản xuất tập trung, bền vững với diện tích lớn ở các xã Bản Mù, Bản Công, Xà Hồ... Khoai sọ Trạm Tấu đã được xác lập quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ, vì vậy với trên 600 ha thời điểm đó dự kiến cuối năm cho thu hoạch khoảng 4,500 tấn với giá từ 15.000 – 20.000 đồng/kg sẽ đem về thu nhập cho người dân trên 70 tỷ đồng.
Nghe cán bộ cơ sở và dân chia sẻ, nụ cười rạng rỡ hiện lên trên khuôn mặt người đứng đầu tỉnh và các thành viên đoàn công tác. Càng phấn khởi hơn khi đồng bào Mông ở Trạm Tấu đã từng bước thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Từ loại cây vốn chỉ trồng lấy củ "ăn cho vui" trước kia nay khoai sọ nương đã trở thành hàng hóa đặc sản địa phương, mang lại nguồn thu nhập ổn định, giúp nhiều hộ đồng bào Mông vùng cao Trạm Tấu thoát nghèo và có cuộc sống tốt hơn. Bà con chủ động đăng ký mở rộng diện tích, chủ động mua giống, phân bón để trồng khoai sọ mà không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, sản phẩm khoai sọ nương Trạm Tấu đã được tiêu thụ trên các sản giao dịch điện tử, thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận. Huyện Trạm Tấu đang tiếp tục rà soát, mở rộng diện tích trồng khoai sọ nương tại các xã: Bản Mù, Bản Công, Xà Hồ, Trạm Tấu, Túc Đán, phấn đấu đến năm 2025 đạt trên 1.000 ha/năm; xây dựng chuỗi tiêu thụ và xây dựng sản phẩm khoai sọ nương được xếp hạng OCOP 4 - 5 sao...
Về Yên Bái, mọi người vẫn được nghe câu chuyện cán bộ quần xắn móng lợn, lưng đẫm mồ hôi tham gia cùng bà con trồng cây, xây nhà và còn nhiều, nhiều lắm câu chuyện cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu tỉnh về với dân mà chúng tôi không thể kể hết, chỉ xin trích lời của Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện phong trào "Ngày cuối tuần cùng dân” của địa phương: "Việc về với dân thông qua những việc làm thiết thực không chỉ giúp nhân dân tích cực sản xuất, vươn lên xóa đói, giảm nghèo mà còn tạo nên mối liên hệ gần gũi, gắn bó giữa cán bộ với nhân dân; góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp, nguồn lực nội sinh to lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững trên địa bàn, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị hàng năm của địa phương”. Và không ai khác, người luôn truyền động lực, cảm hứng để "Ngày cuối tuần cùng dân" khởi nguồn từ Mù Cang Chải nay đã trở thành phong trào "toàn Đảng, toàn dân" chính là người con quê lúa Thái Bình- Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy.
Lo cho dân – lan tỏa từ người đứng đầu
Mù Cang Chải của ngày 5/8/2023 - một ngày khủng khiếp và kinh hoàng vì cơn thịnh nộ của thiên tai. Trận mưa lũ lịch sử gây lũ ống, lũ quét tràn qua ba xã Lao Chải, Khao Mang và Hồ Bốn làm 57 ngôi nhà sập trôi hoàn toàn, 128 ngôi nhà bị hư hỏng nặng, 65 nhà phải di dời khẩn cấp; 2 trường học và 1 trạm y tế bị hư hỏng nặng; quốc lộ 32 bị đứt gãy hàng trăm mét cùng hàng trăm km đường liên thôn, liên bản sụt ta luy đổ xuống hàng ngàn khối đất đá, cuốn sâu tất cả vào lòng. Xã Hồ Bốn bỗng chốc bị mất hết đường đi lối về, cô lập giữa ba bề bốn bên là lũ và bùn đất, núi sạt, không điện, mất nhà…
Chuyện "cái lũ" không ai quên nhưng cũng không ai muốn nhớ, nhưng chuyện cán bộ trên tỉnh, trên huyện về giúp dân thì ai cũng nhớ. Hình ảnh người đứng đầu tỉnh vượt suối, băng rừng tìm đất tái định cư cho dân; hình ảnh những người lính Cụ Hồ, thanh niên tình nguyện và các lực lượng khác lưng áo ướt đẫm mồ hôi lo cho dân sẽ còn đọng mãi.
Đặc biệt, chỉ trong vòng 1 tháng, 4 lần đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy băng rừng, lội suối, vượt dốc… đến những vùng tâm lũ trực tiếp xem xét, chỉ đạo tìm đất tái định cư, thăm hỏi, động viên, chia sẻ với người dân bị thiệt hại và các lực lượng làm nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai, đã để lại ấn tượng và tình cảm tốt đẹp trong lòng người dân.
Là người đứng đầu phải lo cho dân lúc khó khăn nhất, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác của tỉnh đã cuốc bộ nhiều giờ đồng hồ qua các địa hình hiểm trở, xói lở do mưa lũ khảo sát thực địa tình hình thiệt hại và thăm hỏi, động viên người dân, lực lượng vũ trang đang làm nhiệm vụ khắc phục thiên tai tại địa bàn 3 xã tâm lũ, đặc biệt tại xã Hồ Bốn- nơi bị cô lập và thiệt hại nặng nề nhất; trực tiếp chỉ đạo và đi tìm đất bố trí tái định cư giúp người dân có nhà bị lũ cuốn trôi sớm có nơi ở mới.
Gia đình anh Giàng A Thông ở bản Đề Sủa, xã Lao Chải bị lũ cuốn trôi toàn bộ nhà cửa và hơn 100 bao thóc, ngô, đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Đồng chí Bí Thư Tỉnh ủy trực tiếp đến thăm hỏi, động viên anh: "Rất chia sẻ với gia đình đã thiệt hại rất lớn, nhưng mình là người biết làm kinh tế, mình còn trẻ, còn khỏe, Bí thư tin là nhà mình sẽ sớm vực dậy được". Anh Thông ngân ngấn nước mắt nắm chặt tay Bí thư: "Cảm ơn Đảng, Nhà nước và bác Bí thư Tỉnh ủy đã trực tiếp đến thăm hỏi, chia sẻ là nguồn động viên đối với gia đình. Cháu sẽ nỗ lực cố gắng vượt qua khó khăn này. Cũng may là còn người, còn còn của, còn sức khỏe, gia đình cháu sẽ cố gắng làm ăn vươn lên sớm ổn định đời sống”.
Ngay khi thiên tai xảy ra, tỉnh Yên Bái đã quyết định hỗ trợ 18 triệu đồng/người đối với hộ gia đình có người chết; 40 triệu đồng/gia đình có nhà bị lũ cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn; 30 triệu đồng/gia đình đối với trường hợp phải di dời khẩn cấp đến nơi ở mới an toàn; 20 triệu đồng/gia đình có nhà bị hư hỏng nặng và cung cấp những vật dụng thiết yếu cho các hộ dân bị thiệt hại để ổn định cuộc sống; hỗ trợ các gia đình có nhà sập, trôi hoàn toàn 15kg gạo/khẩu/tháng và trong thời gian 3 tháng để tạm thời ổn định cuộc sống.
Khi đó, ngay tại hiện trường tâm lũ, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy chia sẻ: "Là người lãnh đạo tỉnh, qua đi kiểm tra trực tiếp tại cơ sở, tôi cảm thấy rất yên tâm. Đó là sự vào cuộc nhanh chóng của cấp ủy, chính quyền các cấp rất sát sao đã đến tận từng hộ dân để nắm bắt tình hình thiệt hại và tinh thần trách nhiệm của các lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn; nổi bật là lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ ở cơ sở và sự nỗ lực, cố gắng của người dân. Với sự thấu hiểu, chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm và sự vào cuộc tích cực, khoa học, tôi tin rằng hậu quả thiên tai sẽ được khắc phục trong thời gian sớm nhất. Và sớm giúp được người dân vùng lũ ổn định cuộc sống ngày nào thì chúng tôi cảm thấy yên tâm ngày đó”.
Và như lời Bí thư, chỉ tròn 1 tháng sau khi cơn lũ dữ, vùng đất lũ Mù Cang Chải đã hồi sinh mạnh mẽ. Sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của người đứng đầu tỉnh, sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền và các ngành, tinh thần đoàn kết của người dân địa phương và sự chung tay giúp đỡ của cả nước, đã giúp người dân vùng lũ ổn định lại cuộc sống. Đặc biệt, sáng ngày 5/9/2023, thực hiện lời hứa quay lại lần thứ 5 sau lũ, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy đã có mặt chung vui cùng thầy trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở (DTBT TH &THCS) Hồ Bốn và Trường Mầm non Hoa Huệ, xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải tại Lễ khai giảng năm học mới 2023 - 2024 trên nền sân trường, nơi mà mới chỉ cách đó vừa tròn 1 tháng là vùng "tâm lũ" bị vùi lấp cả mét trong bùn đất và hỏng hầu hết bàn ghế, trang bị, đồ dùng học tập, sinh hoạt.
Và cũng chỉ trước đó 6 năm, năm 2017, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy khi ấy với cương vị là Chủ tịch UBND tỉnh đã căng mình cùng nhân dân các huyện Mù Cang Chải, Văn Chấn, Trạm Tấu và thị xã Nghĩa Lộ khắc phục hậu quả khủng khiếp của cơn lũ quét ngày 3/8 tại thị trấn Mù Cang Chải và đợt lũ tháng 10 làm cô lập huyện vùng cao Trạm Tấu trong 3 ngày. "Việc quan trọng là cần tiếp tục rà soát và tập trung tìm quỹ đất, hỗ trợ các hộ gia đình mất nhà, nhà bị ảnh hưởng; nhanh chóng khắc phục các tuyến đường giao thông bị phá hủy nhiều, huy động lực lượng tại chỗ để nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai”.
Nói không hề quá rằng, trong những ngày ấy, đoàn cán bộ của Tỉnh ủy mà trực tiếp là đồng chí Đỗ Đức Duy đã "xả thân" trong công cuộc khắc phục thiên tai để sớm ổn định cuộc sống, sinh hoạt, học tập cho dân dẫu biết có thể nguy hiểm đang rình rập cận kề. Chuyện người cán bộ đầu tỉnh xăm xăm đầu đoàn chống gậy vượt suối, băng rừng đến với bà con, tìm đất, làm nhà để bà con có nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ…, có những khúc đường chân vừa bước qua là đất đá đổ ập xuống... luôn để lại những hình đẹp, ấn tượng trong lòng nhân dân.
Vì một Yên Bái"Xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”
Dưới sự lãnh đạo của Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cùng tập thể Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Yên Bái là tỉnh đầu tiên trên cả nước đưa chỉ số hạnh phúc vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và lãnh đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả mục tiêu đưa Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
Tính đến hết tháng 7/2024, dự ước có 18/19 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết. Trong đó, kinh tế duy trì tăng trưởng khá và ổn định; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Tốc độ tăng GRDP bình quân 4 năm 2021- 2024 ước đạt 7,37%/năm, xếp thứ 4/14 tỉnh trong vùng.
Yên Bái tiếp tục quan tâm phát triển đồng bộ, toàn diện lĩnh vực văn hóa - xã hội, thiết thực nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của nhân dân. Toàn tỉnh đã có 77,4% số trường đạt chuẩn quốc gia và là tỉnh thứ 24 trong cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; tỉnh thứ 18 trong cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2; chất lượng giáo dục mũi nhọn đứng thứ 5/14 tỉnh trong vùng. Toàn tỉnh cũng đã có 126/173 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế (đạt 72,8%); tuổi thọ trung bình của người dân Yên Bái đạt 73,9 tuổi với số năm sống khỏe bình quân là 66,2 năm.
Tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân trên 3%/năm; đến hết năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều toàn tỉnh còn 13,08%, đứng thứ 11/14 tỉnh trong vùng (trong đó: tỷ lệ hộ nghèo là 9,16%, đứng thứ 10/14 tỉnh trong vùng; tỷ lệ hộ cận nghèo là 3,92%, đứng thứ 13/14 tỉnh trong vùng). Yên Bái đặc biệt chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và chỉ số hạnh phúc của nhân dân :Đến cuối năm 2023, chỉ số hạnh phúc của người dân đạt 65,62%, tăng 12,32% so với đầu nhiệm kỳ (bình quân mỗi năm tăng 3%); dự kiến hết năm 2024, đạt trên 68%.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy tham gia kéo co cùng người dân thôn Bản Lùng, xã Phong Dụ Thượng huyện Văn Yên trong Ngày hội Đại đoàn kết
Để đạt được kết quả trên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Yên Bái tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược. Trong đó, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách với trên 200 nghị quyết, chỉ thị, đề án, chính sách của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, bao trùm trên các lĩnh vực; chủ động xây dựng quy hoạch tỉnh, các quy hoạch chuyên ngành; nỗ lực cải cách hành chính; tập trung phát triển nguồn nhân lực, chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn.
Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67,7%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 36,7%. Bình quân mỗi năm tỉnh đào tạo nghề cho khoảng 20.000 lao động, giải quyết việc làm cho trên 22.000 lao động; chuyển dịch gần 8.000 lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp.
Tỉnh tập trung ưu tiên nguồn vốn Nhà nước cho đầu tư các công trình, dự án trọng điểm, chủ yếu là lĩnh vực giao thông (chiếm khoảng 44,8% tổng nguồn vốn), nhất là các tuyến giao thông kết nối ngang, kết nối các địa phương trong tỉnh với cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai, tài nguyên rừng, khí hậu, thổ nhưỡng để tập trung phát triển khu vực nông, lâm nghiệp, ngay từ đầu nhiệm kỳ (tháng 12/2020), Yên Bái đã ban hành Nghị quyết của Tỉnh ủy về cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng, đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững.
Đồng thời, ban hành bộ chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, tập trung hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực theo chuỗi giá trị, phát triển sản phẩm hữu cơ, sản phẩm OCOP gắn với chế biến sâu phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Nhờ vậy, tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản luôn thuộc nhóm dẫn đầu của vùng và cả nước, bình quân 4 năm 2021- 2024 ước đạt 5,56%, xếp thứ 2/14 tỉnh trong vùng.
Chuyển đổi số là một trong những mục tiêu thúc đẩy trong nhiệm kỳ với việc Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX ban hành Nghị quyết số 51-NQ/TU ngày 22/7/2021 về chuyển đ ổ i số tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 để tích cực chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Mặc dù là tỉnh có nhiều khó khăn, nhưng với cách làm sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn, Yên Bái đã đạt được một số kết quả quan trọng (chỉ số DTI xếp thứ 40/63 năm 2020, 27/63 năm 2021, 15/63 năm 2022). Qua đó, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cung cấp dịch vụ công cho doanh nghiệp, người dân; thúc đẩy phát triển ngành thương mại điện tử, dịch vụ du lịch, các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế...
"Yên Bái chưa bao giờ có được cơ đồ tốt đẹp như hôm nay”, thành quả ấy đến từ đoàn kết, chung sức, chung lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trong hành trình ấy để hướng đến đích mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, xây dựng Yên Bái trở thành tỉnh phát triển theo hướng "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
Hình ảnh về người Bí thư Tỉnh ủy trăn trở để Yên Bái phát triển, lăn lộn, chia sẻ cùng bà con trong những đợt thiên tai hay nắm chặt, trò chuyện thân tình với các bậc cao niên và nở một nụ cười hạnh phúc khi khoác chiếc áo của đồng bào để cùng nhân dân múa sạp, tay nắm tay đoàn kết trong điệu xòe hoa… sẽ còn đọng lại mãi.
"Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”, lời thơ ấy trong bài thơ "Tiếng hát con tàu” của nhà thơ Chế Lan Viên đã nói lên cảm xúc, nỗi niềm, sự gắn bó thân tình và trách nhiệm của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy ở nơi "đất lạ" hóa quê hương.
Mạnh Cường