Sign In

Mỏ Vàng khơi thông nội lực

07:37 27/12/2023
YênBái - Để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), Đảng ủy xã vùng cao Mỏ Vàng, huyện Văn Yên chỉ đạo thôn Khe Lóng 3 làm điểm để xây dựng thôn NTM nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa để đẩy mạnh phong trào ra toàn xã.

Nhân dân thôn Khe Lóng 3 đào đắp nền đường để bê tông hóa đường nông thôn.
Nhân dân thôn Khe Lóng 3 đào đắp nền đường để bê tông hóa đường nông thôn.
   
Ông Đỗ Cao Quyền - Bí thư Đảng ủy xã Mỏ Vàng cho biết: "Xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể gắn với các nội dung của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XIII) và Kết luận số 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị; trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với các nhiệm vụ, kế hoạch được giao, Đảng ủy xã tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với các phong trào thi đua của địa phương, của huyện phát động”. 

Để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng xã đạt chuẩn NTM, Đảng ủy xã chỉ đạo thôn Khe Lóng 3 làm điểm để xây dựng thôn NTM. Qua đó, tạo hiệu ứng lan tỏa để đẩy mạnh phong trào ra toàn xã. 

Ông Vàng A Trư - Bí thư Chi bộ thôn Khe Lóng 3 cho biết: "Theo Kế hoạch của Đảng ủy giao, tháng 6/2023, thôn phải hoàn thành xây dựng thôn NTM. Xác định rõ những nội dung, nhiệm vụđể thực hiện các tiêu chí xây dựng thôn NTM, Chi bộ đã tập trung quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên thông qua các buổi sinh hoạt chi bộ định kỳ hằng tháng và các buổi họp thôn; đồng thời, khảo sát các hộ khó khăn để đề xuất với cấp ủy, chính quyền xã hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi, cây con giống. Cùng đó, Chi bộ giao nhiệm vụ trực tiếp cho các đồng chí đảng viên kinh tế khá trong thôn hỗ trợ, giúp đỡ những hộ nghèo, khó khăn để vươn lên phát triển kinh tế gia đình”. 

Khe Lóng 3 là thôn khó khăn và cả thôn có 103 hộ thì 100% là đồng bào Mông. Song, với mục tiêu hoàn thành và xây dựng thôn đạt chuẩn NTM sẽ tạo tiền đề để đời sống người dân được nâng cao, xã đã chỉ đạo quyết liệt thôn Khe Lóng 3 theo phương thức "cầm tay chỉ việc", phân công cán bộ trực tiếp giúp đồng bào về kiến thức; hỗ trợ sinh kế bằng cây, con giống, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của các đảng viên, già làng; tranh thủ các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, chính sách ưu tiên của các chương trình mục tiêu quốc gia. 

Đồng thời, thôn tập trung tuyên truyền, vận động đồng bào tăng gia sản xuất, phát triển các mô hình kinh tế đồi rừng, chăn nuôi phù hợp với tiềm năng, lợi thế địa phương. Nhờ đó, từ chỗ 100% là hộ nghèo năm 2010, đến nay, tỷ lệ hộ khá, giàu trong thôn chiếm trên 40%; tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt; thôn phát triển được gần chục mô hình kinh tế tổng hợp với mức thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng mỗi năm; tháng 6/2023 thôn Khe Lóng 3 đón bằng công nhận thôn đạt chuẩn NTM. 

Từ thành công này, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân trong xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và đưa những cây, con giống mới năng suất cao vào sản xuất; đầu tư mở rộng diện tích các mô hình trang trại, gia trại; trồng rừng, phát triển các mô hình chăn nuôi theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh tạo sản phẩm hàng hóa cung cấp cho thị trường, nâng tổng đàn gia súc hiện có lên gần 3.500 con, tăng 0,3% so với kế hoạch. 

Cùng đó, xã tạo điều kiện để người dân được tiếp cận với các nguồn vốn phát triển kinh tế, nâng tổng mức dư nợ tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt gần 6,4 tỷ đồng; dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện gần 27 tỷ đồng. 

Đến thăm gia đình ông Đặng Nho Quyên, dân tộc Dao, thôn Thác Tiên, chúng tôi thấy trong ngôi nhà xây khang trang, bề thế của ông có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt đắt tiền. 

Ông Quyên cho biết: "Năm 2000, tôi vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và trên 200 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để mở rộng quy mô trồng, thu mua, sơ chế quế vỏ. Từ mô hình kinh tế này, cuộc sống gia đình tôi khá dần lên với mức thu nhập bình quân mỗi năm hơn 200 triệu đồng. Từ đầu năm 2023 đến nay, gia đình tôi đã đóng góp gần 40 triệu đồng để xây dựng NTM và tôi còn hiến đất ở, vườn tạp để mở rộng lòng, lề đường xây dựng NTM. Bên cạnh đó, tôi còn giúp đỡ một số bà con trong thôn, xã về tiền mặt, cây, con giống để các hộ cùng vươn lên thoát nghèo”. 

Việc lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy xã về phát triển kinh tế, đã tạo điều kiện phát huy được tính tích cực vươn lên của người dân. Nhờ đó, xã đã hình thành được các vùng cây trồng có giá trị kinh tế cao gắn với chuỗi giá trị, như: vùng quế trên 4.800 ha, giá trị thu nhập bình quân mỗi năm đạt 25 tỷ đồng; vùng cây ăn quả có múi gần 1 ha tại các thôn: Giàn Dầu, Trung Tâm, Thác Tiên và Khe Hóp. Toàn xã có 35 cơ sở chăn nuôi tập trung, 6 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, 3 hợp tác xã, 25 tổ hợp tác, 30 hộ kinh doanh dịch vụ, góp phần để Mỏ Vàng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp sang phi nông nghiệp đạt 42,1%, nâng mức bình quân thu nhâp đầu người năm 2023 đạt trên 50 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều cuối năm 2023 giảm còn 12,24%, giúp Mỏ Vàng đến hết năm nay đạt 19/19 tiêu chí NTM. 

Thanh Tân


     

Tag:

File đính kèm