Sáng ngày 28/9, tại tỉnh Bắc Ninh, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương (UBTƯ) MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam về tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà; Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn; lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam 63 tỉnh, thành phố…
Trên 75% số khu dân cư tổ chức tốt cả phần lễ và phần hội
Báo cáo kết quả 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định, sau 20 năm tổ chức, Ngày hội đã góp phần quan trọng trong thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ Việt Nam qua từng thời kỳ. Việc tổ chức Ngày hội luôn nhận được sự quan tâm, ghi nhận của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức thành viên và sự cố gắng nỗ lực của đội ngũ cán bộ Mặt trận từ Trung ương đến cơ sở, đó là nguồn cổ vũ, động viên to lớn cả về vật chất và tinh thần cho nhân dân ở mỗi cộng đồng dân cư. Thông qua đó, tiếp tục tăng cường, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.
Nhiều đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, các vị Ủy viên Trung ương, lãnh đạo các ban, bộ, ngành và địa phương đã về chung vui cùng với Nhân dân ở cả phần lễ và phần hội với sự đổi mới cả nội dung và hình thức. Phần lễ được tổ chức trang trọng với sự hiện diện của các tầng lớp nhân dân, các cá nhân tiêu biểu trong cộng đồng dân cư. Trong phần hội, các hoạt động thăm hỏi, tặng quà người có công, trao nhà “Đại đoàn kết”, trao quà động viên hộ gia đình khó khăn, tặng thưởng cho các cháu học sinh có nhiều thành tích trong học tập và sự nhộn nhịp của các trò chơi dân gian được đông đảo mọi tầng lớp Nhân dân đồng tình hưởng ứng. Ngày hội thực sự trở thành nhu cầu tự thân của người dân, là phương thức điển hình để tập hợp, đoàn kết, phát huy sức mạnh của cộng đồng.
Ở Trung ương trong 20 năm qua, đã có 731 lượt các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương tham dự Ngày hội tại hơn 1.650 khu dân cư thuộc 63/63 tỉnh, thành phố. Tại các địa phương, hầu hết các đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể các cấp đã tham dự Ngày hội. Đây là dịp để mỗi đồng chí cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị các cấp từ Trung ương đến cơ sở được gặp gỡ, được tiếp xúc, trao đổi và lắng nghe ý kiến của nhân dân.
Theo số liệu thống kê, từ năm 2016 đến nay, nhiều tỉnh, thành phố và các địa phương, cơ sở đã có sáng kiến lựa chọn chủ đề tổ chức Ngày hội theo từng năm. Theo số liệu tổng hợp, giai đoạn 2003- 2023, trung bình cả nước hàng năm có trên 87% số khu dân cư trên địa bàn cả nước tổ chức Ngày hội (nhiều tỉnh, thành phố trong nhiều năm liền có 100% khu dân cư trong toàn tỉnh/thành phố tổ chức Ngày hội), trong đó có trên 75% số khu dân cư tổ chức tốt cả phần lễ và phần hội; trên 62% số khu dân cư tổ chức được “Bữa cơm Đại đoàn kết”.
|
|
Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà trình bày dự thảo Báo cáo tại Hội nghị |
Sau 20 năm tổ chức, Ngày hội chính là dịp để phát huy tình đoàn kết, nghĩa đồng bào, tinh thần “nhường cơm, sẻ áo”, sẻ chia, giúp đỡ với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Với ý nghĩa nhân văn đó, nhân dân ở cộng đồng dân cư, các tổ chức tôn giáo, đồng bào các dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài đã tích cực hưởng ứng, tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, giúp đỡ người nghèo và thực hiện tốt công tác an sinh xã hội... Những hoạt động này đã trở thành nguồn động lực to lớn, là sức mạnh nội sinh khơi dậy niềm tin của nhân dân và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết ở mỗi khu dân cư trên cả nước.
Theo kết quả tổng hợp của các địa phương Quỹ “Vì người nghèo” và an sinh xã hội 4 cấp từ khi phát động năm 2000 đến nay đã vận động được trên 84.431 tỷ đồng, đã giúp đỡ xây mới và sửa chữa được 1.706.839 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở; trợ giúp trên 12 triệu lượt người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về khám chữa bệnh; giúp đỡ trên 3,3 triệu lượt học sinh, sinh viên về học tập.
Sự hoà quyện của ý Đảng, lòng dân
Phát biểu tại Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai nhấn mạnh, qua 20 năm, việc tổ chức Ngày hội tại các địa bàn dân cư vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất hằng năm (18/11) đã đi vào cuộc sống, được triển khai rộng khắp và là một trong những hoạt động quan trọng của MTTQ Việt Nam. Đây là kết quả nổi bật của quá trình đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận mà trọng tâm là địa bàn dân cư, hướng mạnh về cơ sở, thu hút được sự quan tâm, trách nhiệm của cấp ủy, hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân…
Theo đồng chí Trương Thị Mai, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là một trong những biểu hiện rất sinh động của quá trình phấn đấu, nỗ lực không ngừng của MTTQ Việt Nam từ khi ra đời đến nay, đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày hội là hoạt động thiết thực, có hiệu quả và đã hiệu triệu, thu hút được sự tham gia tự nguyện, rộng rãi, đông đảo nhất của các tầng lớp nhân dân; phát huy được quyền làm chủ của Nhân dân với vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
|
|
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại Hội nghị |
Chia sẻ cảm xúc về những lần tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư, đồng chí Trương Thị Mai cho rằng, đây là quá trình mỗi khu dân cư cùng nỗ lực, cùng phấn đấu vươn lên, thay đổi sinh kế, giảm nghèo bền vững, nâng cao cuộc sống, xây dựng nông thôn mới,… Tất cả quá trình đó kết tinh trong Ngày hội, làm nên tinh thần của Ngày hội mà nhân dân là trung tâm, là chủ thể, đồng thời đây cũng là dịp để tôn vinh, biểu dương tập thể, cá nhân người tốt việc tốt, những điển hình tiên tiến, những nhân tố mới, thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Khẳng định việc Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc là phương thức rất hiệu quả để Mặt trận phát huy được vai trò là cầu nối giữa cấp ủy Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị với các tầng lớp nhân dân, đồng chí Trương Thị Mai cho biết, 20 năm qua, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan Trung ương, địa phương đã về dự Ngày hội cùng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con ở các địa bàn dân cư, chia sẻ, động viên, định hướng cho sự phát triển của cơ sở, sâu sát hơn với thực tiễn cuộc sống, góp phần cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quyết định chủ trương, chính sách; qua đó củng cố mối quan hệ mật thiết, máu thịt giữa Đảng với nhân dân, tăng cường đồng thuận, niềm tin của nhân dân đối với Đảng và hệ thống chính trị.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đánh giá cao, biểu dương những kết quả quan trọng mà MTTQ Việt Nam đã đạt được qua 20 năm thực hiện chủ trương tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng chí khẳng định: Kết quả này càng khẳng định sự đúng đắn của chủ trương này, hòa quyện được ý Đảng, lòng dân, là động lực, là kinh nghiệm quý báu để Mặt trận tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả trong tổ chức Ngày hội thời gian tới. Bởi chỉ khi nào người dân đón nhận, là người chủ thực sự, tích cực tham gia và cảm nhận được Ngày hội chính là cuộc sống của mình thì mới đạt được thành công của tổ chức Ngày hội.
Cũng theo đồng chí Trương Thị Mai, bên cạnh việc tổng kết 20 năm Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, các đại biểu tham dự Hội nghị sẽ góp ý cho Đề cương tổng quát Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029; Báo cáo kết quả khảo sát sửa đổi, bổ sung Điều lệ MTTQ Việt Nam; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi đến Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV; Kế hoạch giám sát và phản biện xã hội năm 2024 của Ủy Trung ương MTTQ Việt Nam và phát động đợt thi đua đặc biệt chào mừng Đại hội.
“Đây đều là những công việc quan trọng của Mặt trận, cần được thảo luận kỹ lưỡng, chu đáo, sao cho tiếp thu được nhiều ý kiến xác đáng để hoàn thiện các văn bản này, nhất là những văn kiện chuẩn bị cho Đại hội. Rất mong các cụ, các vị, các đồng chí dành thời gian, tâm huyết để đóng góp và chắc chắn rằng hoạt động của Mặt trận không thể tách rời với bối cảnh trong và ngoài nước hiện nay”, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị.
|
|
Các đại biểu tham dự Hội nghị |
Nhấn mạnh MTTQ đã trải qua gần hết chặng đường của nhiệm kỳ Đại hội MTTQ Việt Nam khoá IX và đã có nhiều nỗ lực để hoàn thành Nghị quyết của Đại hội, dự kiến tháng 10/2024 sẽ tổ chức Đại hội MTTQ nhiệm kỳ tiếp theo, đồng chí Trương Thị Mai cho biết, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 22-CT/TW về lãnh đạo Đại hội MTTQ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Đồng thời Bộ Chính trị cũng đã đưa Đảng đoàn MTTQ Việt Nam là một trong 3 tổ chức Đảng quan trọng thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị, đó là Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự Đảng Chính phủ. Tháng 9/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 120-QĐ/TW quy định chức năng, nhiệm vụ tổ chức bộ máy của cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam để tiếp tục thể chế chủ trương của Đảng đối với MTTQ Việt Nam và Mặt trận phải tiếp tục tham mưu đưa những chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống, nâng cao vai trò, vị thế của MTTQ Việt Nam…
Do đó, theo đồng chí Trương Thị Mai, các cấp ủy, tổ chức Đảng từ Trung ương đến địa phương tập trung lãnh đạo chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời và rất cần sự đóng góp của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức quần chúng và nhân dân để nỗ lực phấn đấu đạt được kết quả cao nhất trong nửa nhiệm kỳ còn lại của Đại hội Đảng lần thứ XIII./.