Sign In

Giải pháp hoàn thiện cơ chế thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng - nhìn từ Đảng bộ thành phố Đà Nẵng

10:14 30/06/2023
Hội thảo khoa học “Hoàn thiện các cơ chế để thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng trong giai đoạn mới” tại thành phố Đà Nẵng ngày 26/5/2023.

Đảng bộ thành phố Đà Nẵng có 501 tổ chức cơ sở đảng với hơn 60 nghìn đảng viên. Xác định kiểm tra, giám sát việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ là cơ sở bảo đảm sự đoàn kết thống nhất, điều kiện để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh;thời gian qua, cấp ủy và UBKT các cấp thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, nhất là kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, trong đó có nguyên tắc tập trung dân chủ.

Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, cấp ủy các cấp thành phố Đà Nẵng đã tăng cường kiểm tra, giám sát được 723 tổ chức đảng và 2.051 đảng viên trong việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, chấp hành quy chế làm việc, chế độ công tác. Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy giám sát đối với 03 tổ chức đảng và 03 đảng viên về việc xây dựng và thực hiện quy chế làm việc. UBKT các cấp giám sát việc xây dựng và thực hiện quy chế làm việc 117 tổ chức đảng và 85 đảng viên; UBKT Thành ủy giám sát 02 tổ chức đảng và 07 đảng viên. Qua kiểm tra, giám sát, các tổ chức đảng và đảng viên cơ bản thực hiện tốt các nội dung được kiểm tra, giám sát. Để đạt được kết quả trên, Đảng bộ thành phố Đà Nẵng đã thực hiện một số giải pháp nhằm góp phần hoàn thiện cơ chế thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng trong hoạt động kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng trong giai đoạn hiện nay như:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện nghiêm cơ chế quyết định tập thể trong hoạt động kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng, tránh tình trạng dân chủ hình thức, mang tiếng quyết định tập thể nhưng thực chất vẫn do người đứng đầu cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy hoặc người đứng đầu UBKT cấp ủy áp đặt một cách thiếu dân chủ.

Xuất phát từ mô hình tổ chức bộ máy mang tính đặc thù như hiện nay, UBKT có điều kiện thực thi nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng ngay từ cơ quan mình. UBKT và Chủ nhiệm UBKT do Ban Chấp hành Đảng bộ bầu ra trong phiên họp đầu tiên cũng chính là sản phẩm của nguyên tắc tập trung dân chủ của Ban Chấp hành từng Đảng bộ. Và trong phạm vi nội bộ cơ quan, Chủ nhiệm UBKT là người đứng đầu từng UBKT nhưng không có quyền quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình như các trưởng ban tổ chức, nội chính, tuyên giáo, dân vận… cùng cấp. Ở các ban tổ chức, nội chính, tuyên giáo, dân vận… cùng cấp, phó trưởng ban chỉ là người giúp việc cho trưởng ban, trong khi phó chủ nhiệm UBKT chỉ có một phiếu như nhau trong mọi quyết định theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số, và đó cũng chính là sản phẩm của nguyên tắc tập trung dân chủ trong từng UBKT.

Thứ hai, phát huy dân chủ trong Đảng và trong xã hội, đảm bảo tính cân đối giữa dân chủ và tập trung trong quá trình thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng.

Vấn đề đặt ra là nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng không đồng nghĩa với việc mất cân đối giữa dân chủ và tập trung, đặc biệt không bao giờ hiểu theo nghĩa tập trung đơn thuần, chỉ thiên về áp dụng các biện pháp mang tính mệnh lệnh, trừng phạt, răn đe. Nếu như mất cân đối giữa dân chủ và tập trung khi thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng, để xảy ra tình trạng dân chủ hình thức,mang tiếng là quyết định tập thể nhưng thực chất vẫn do người đứng đầu cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy hoặc người đứng đầu UBKT cấp ủy áp đặt một cách thiếu dân chủ. Chính vì vậy, phải hết sức coi trọng thảo luận, thậm chí tranh luận khi đánh giá kết quả kiểm tra, giám sát và nhất là khi xem xét, quyết định kỷ luật hay không kỷ luật, kỷ luật đến mức nào, khâu thẩm tra, xác minh các hành vi vi phạm trước đó đã hoàn toàn đáng tin cậy chưa. Trong thực tế, thi hành kỷ luật đảng, có không ít trường hợp đảng viên khiếu nại kỷ luật đảng và được thay đổi hình thức kỷ luật do sai sót từ khâu thẩm tra, xác minh vi phạm.

Cần phải hết sức coi trọng những ý kiến thuộc về thiểu số trong các thành viên đoàn kiểm tra, giám sát, cũng như trong tổ chức đảng, đảng viên được kiểm tra, giám sát; trong cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, UBKT cấp ủy khi xem xét, quyết định kỷ luật cũng như của bản thân tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm. Nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số chắc chắn sẽ dẫn đến những quyết định trái với những ý kiến thuộc về thiểu số, hay nói đúng hơn là vô hiệu hóa những ý kiến thuộc về thiểu số, nhưng để đảm bảo tính cân đối giữa dân chủ và tập trung khi thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng thì những ý kiến thuộc về thiểu số sau quyết định đa số cần được tôn trọng quyền bảo lưu, bằng cách ghi rõ trong biên bản rằng, sau khi biểu quyết thì ý kiến thuộc thiểu số vẫn được bảo lưu. Hiện nay, việc bảo lưu ý kiến thuộc về thiểu số vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể, dẫn tới phần lớn các ý kiến này hoặc không thể được bảo lưu do không ghi vào biên bản, hoặc chỉ được bảo lưu trong phạm vi tổ chức đảng nơi sinh hoạt, chưa được phản ánh, báo cáo đến cấp trên.

Phải thực sự dân chủ trong thảo luận. Việc thảo luận trong hoạt động kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng đáng lo ngại là tâm lý dễ người, dễ ta dẫn đến thảo luận, thậm chí tranh luận theo hướng hữu khuynh, thấy sai mà không muốn đấu tranh, dẫn đến kết quả biểu quyết đa số hoặc không kỷ luật, hoặc kỷ luật ở mức thấp hơn so với sai phạm. Đáng lo ngại hơn là, tâm lý giậu đổ bìm leo, thừa gió bẻ măng, hùa theo số đông… rất dễ dẫn đến quyết định của đa số nhưng không đồng nhất với sự thật, chỉ phản ánh một nửa sự thật, nhất là trong xem xét, kỷ luật có thể gây oan, sai ở một mức độ nhất định.  

Về phát huy dân chủ trong xã hội, cần hiện thực hóa phương châm “dân kiểm tra” thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri và hoạt động giám sát của HĐND các cấp, nhất là thông qua hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên của từng cấp.    

Thứ ba, nâng cao chất lượng xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng và số ủy viên UBKT kiêm chức ở từng cấp.

Việc thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng trong hoạt động kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng hiệu quả đến đâu tùy thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng trong đó yếu tố cốt lõi nhất vẫn là chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng, bao gồm số đang công tác tại cơ quan UBKT các cấp và số ủy viên UBKT kiêm chức ở từng cấp. Đây phải là những cán bộ thực sự “ba công” - công khai, công tâm, công bằng và quan trọng hơn là thực sự cầu thị, không cho mình là duy nhất đúng. Chỉ với những cán bộ chuyên trách công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng như thế thì mới có thể làm cho việc thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng đạt hiệu quả cao ngay từ cơ quan chuyên trách và ngay từ UBKT, đảm bảo được tính cân đối giữa dân chủ và tập trung. Đầu nhiệm kỳ qua, chủ trương bầu UBKT cấp ủy phải có số dư như bầu cấp ủy theo Quy chế bầu cử trong Đảng là một chủ trương đúng đắn, góp phần mở rộng dân chủ trong Đảng.

Lê Thị Mỹ Hạnh

Uỷ viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm UBKT Thành ủy Đà Nẵng


Tag:

File đính kèm