Sign In

Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa

09:25 17/07/2023
Tham nhũng được xem là “khuyết tật bẩm sinh”, là “sự tha hoá” của quyền lực; là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi. Chủ tịch Hồ Chí Minh xem tham nhũng là hành vi “ăn cắp của công”, là “căn bệnh nguy hiểm” là “giặc nội xâm” gây tổn hại cho xã hội, làm mất niềm tin của Nhân dân, đe dọa đến tồn vong của chế độ. Do vậy, trong suốt quá trình lãnh đạo, Đảng ta xác định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc chiến “chống giặc nội xâm” đầy khó khăn, phức tạp và phải tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, “không nghỉ, không ngừng” ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực. Vấn đề cơ bản trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là phòng ngừa từ xa, từ sớm mà trọng tâm là xây dựng chỉnh đốn Đảng và đặc biệt là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên để trị tận gốc tham nhũng, tiêu cực.

Hiện nay, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta đã đi vào chiều rộng, lẫn chiều sâu “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” và “đã trở thành phong trào, thành xu thế không thể đảo ngược” theo phương châm “phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc”. Từ nhận thức đó, trong thời gian qua Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá đã chỉ đạo cấp ủy, UBKT các cấp quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời, sâu rộng các chỉ thị, nghị quyết, quy định, quyết định của Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; đồng thời ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, UBKT các cấp triển khai thực hiện toàn diện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng của cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp và cán bộ đảng viên trong Đảng bộ, nhằm góp phần đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa.

Thực hiện chủ trương trên, trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đã kiểm tra 2.810 lượt tổ chức đảng và 7.434 lượt đảng viên; trong đó: Cấp tỉnh kiểm tra 40 lượt tổ chức đảng và 13 lượt đảng viên diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quản lý; cấp huyện và tương đương kiểm tra 535 lượt tổ chức đảng và 702 lượt đảng viên; cấp uỷ cơ sở kiểm tra 2.235 lượt tổ chức đảng và 4.548 lượt đảng viên; chi bộ kiểm tra 2.171 lượt đảng viên. Cấp uỷ và UBKT các cấp đã tiến hành giám sát 5.291 lượt tổ chức đảng cấp dưới và 15.021 lượt đảng viên; trong đó: Cấp tỉnh giám sát 101 lượt tổ chức đảng và 75 lượt đảng viên, cấp huyện và tương đương giám sát 905 lượt tổ chức đảng và 125 lượt đảng viên, cấp cơ sở giám sát 4.264 lượt tổ chức đảng và 11.590 lượt đảng viên, chi bộ giám sát 2.071 lượt đảng viên; qua giám sát phát hiện và chuyển kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 21 tổ chức đảng và 95 đảng viên.

Trong thời gian trên, UBKT các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 57 tổ chức đảng và 1.547 đảng viên. Qua kiểm tra kết luận có vi phạm 40 tổ chức đảng và 1.472 đảng viên; vi phạm đến mức phải xem xét xử lý kỷ luật 23 tổ chức đảng và 1.472 đảng viên; đã thi hành kỷ luật 23 tổ chức đảng và 1.472 đảng viên. Nội dung kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng trong thời gian qua đối với tổ chức đảng trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh và công tác xây đựng Đảng; trong đó tập trung vào những lĩnh vực có nhiều sai phạm như: Quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, tài chính ngân sách, công tác cán bộ, thực hiện chính sách an sinh xã hội, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, phòng chống dịch Covid-19… Đối với đảng viên trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; việc chấp hành các quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; việc giữ gìn đạo đức, lối sống, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; việc thực hiện nhiệm vụ cấp uỷ viên và nhiệm vụ đảng viên.

Nhìn chung trong thời gian qua, cấp ủy, tổ chức đảng và UBKT các cấp đã bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng để xây dựng chương trình, kế hoạch và đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát; chủ động triển khai thực hiện toàn diện các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định của Điều lệ Đảng. Nội dung công tác kiểm tra, giám sát vừa đảm bảo tính toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm. Kết quả công tác kiểm tra, giám sát đã có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, nhắc nhở, uốn nắn, phòng ngừa, ngăn chặn quan liêu, tham nhũng, tiêu cực và các sai phạm khác từ sớm, từ xa. Từ đó góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong cán bộ, đảng viên; giữ vững kỷ cương và tăng cường kỷ luật của Đảng.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của cấp uỷ, tổ chức đảng và UBKT các cấp còn những hạn chế, khuyết điểm: Vẫn còn số ít cấp ủy, tổ chức đảng chưa coi trọng việc tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các quy định, hướng dẫn của Trung ương và của cấp ủy cấp trên về công tác kiểm tra, giám sát. Một số cuộc kiểm tra, giám sát chất lượng và hiệu quả chưa cao, tác dụng ngăn ngừa khuyết điểm, vi phạm còn hạn chế, nhất là cấp cơ sở; việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện kết luận sau kiểm tra, giám sát của một số địa phương, đơn vị còn chưa quyết liệt, triệt để. Một số UBKT cấp dưới, chưa chủ động thực hiện nhiệm vụ kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Việc áp dụng hình thức kỷ luật của cấp uỷ, tổ chức đảng, UBKT theo thẩm quyền đối với số ít trường hợp đảng viên vi phạm chưa tương xứng với nội dung, tính chất, tác hại và nguyên nhân vi phạm nên tính giáo dục, răn đe vi phạm còn hạn chế; việc giải quyết tố cáo ở một số nơi chưa triệt để, có biểu hiện né tránh, kéo dài; một số trường hợp tố cáo với dụng ý xấu, vẫn chưa có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời.

Những hạn chế, khuyết điểm trên là do nhiều nguyên nhân, cả khách quan chủ quan, nhưng chủ yếu là do một số nguyên nhân: Do một số quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước vẫn còn những sơ hở, dễ bị lợi dụng; một số cấp ủy, tổ chức đảng nhận thức chưa đúng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát; năng lực, trình độ của một số ít cán bộ kiểm tra còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; việc phối hợp giữa UBKT với các đơn vị có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát có lúc, có nơi thiếu chặt chẽ.

Trong tình hình hiện nay, đối tượng, nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng ngày càng mở rộng, phong phú; nhiều vấn đề mới, phức tạp đã và đang phát sinh từ thực tiễn được đặt ra. Vì vậy, để tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng, góp phần tích cực trong phòng ngừa, ngăn chặn quan liêu, tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa; trong thời gian tới đòi hỏi cấp uỷ và UBKT các cấp Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá cần đẩy mạnh một số giải pháp chủ yếu sau đây:

  Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp uỷ, tổ chức đảng và UBKT, trước hết là người đứng đầu cấp uỷ các cấp về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Tạo sự chuyển biến thực sự trong nhận thức và hành động, từ đó chủ động đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát góp phần phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa.

Thứ hai, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng; trong đó phải lấy “xây” làm gốc để phòng tham nhũng từ xa; phải lấy việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng trong từng thời kỳ làm mục tiêu, phương hướng, nội dung hoạt động cho các cuộc kiểm tra, giám sát, mà đặc biệt là nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.

Thứ ba, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, UBKT cấp trên đối với cấp uỷ, tổ chức đảng UBKT cấp dưới trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong đảng; chủ  động, kiểm tra, phát hiện và xem xét, xử lý kỷ luật kịp thời các hành vi vi phạm; không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, sai phạm của cá nhân thành sai phạm của tập thể.

Thứ tư, quan tâm, kiện toàn và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức bộ máy cơ quan UBKT các cấp; xây dựng, lựa chọn đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp có trình độ, năng lực, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, phương pháp công tác khoa học; công tâm, khách quan, thận trọng và ứng xử có văn hóa trong xử lý công việc đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Thứ năm, tập trung kiểm tra, giám sát, những lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tiêu cực, như: Quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, tài chính ngân sách, công tác cán bộ, thực hiện chính sách an sinh xã hội... Tích cực phát hiện, kiểm tra và xử lý nghiêm minh hành vi tham nhũng, tiêu cực, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” để “không dám” tham nhũng; giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên.

Thứ sáu, phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong công tác kiểm tra, giám sát; hướng tới xây dựng một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể” tham nhũng, tiêu cực; xây dựng văn hoá liêm chính để “không muốn” tham nhũng, tiêu cực và một cơ chế đảm bảo để “không cần” tham nhũng, tiêu cực. Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, khơi dậy và phát huy sức mạnh của Nhân dân, tạo điều kiện cho Nhân dân thực hiện tốt quyền trong việc tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh./.

        Bùi Khắc Hằng  

Phó Trưởng Phòng Nghiệp vụ I, Cơ quan UBKT  Tỉnh ủy Thanh Hoá


Tag:

File đính kèm