Sign In

Cổng thông tin điện tử

Đảng Cộng sản Việt Nam

Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển bền vững

16:29 25/04/2024
(ĐCSVN) - Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển toàn diện và bền vững là nhiệm vụ quan trọng cần phải được thực hiện thường xuyên, kiên trì, lâu dài, là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, các cấp ủy, các ngành và của toàn dân.

left center right del
Văn miếu Trấn Biên, nơi tôn vinh giá trị văn hóa-giáo dục vùng đất Biên Hòa-Đồng Nai.

Tỉnh ủy Đồng Nai đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12/12/2023 về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển toàn diện và bền vững.

Quan điểm Nghị quyết xây dựng và phát triển văn hóa, con người ở Đồng Nai trở thành nguồn lực nội sinh để phát triển kinh tế - xã hội, phát huy, hình thành các nhân tố mới, giá trị mới của con người Việt Nam; trong đó, con người vừa là đối tượng phục vụ đồng thời vừa là chủ thể sáng tạo văn hóa với những đặc trưng, thuộc tính, phẩm chất căn cốt nhất, có tính đại diện tiêu biểu của địa phương. Tổng hòa trên tất cả các mặt, lĩnh vực của đời sống, được hun đúc, định hình về: Nhân văn, sáng tạo, khoa học, dân chủ, đa dạng, kết hợp chặt chẽ truyền thống văn hóa Biên Hòa - Đồng Nai với những giá trị, chuẩn mực hiện đại, hướng đến tương lai; hài hòa nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa con người với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tập trung xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, để văn hóa, con người Đồng Nai thực sự là nền tảng tinh thần vững chắc, là mục tiêu, là động lực, sức mạnh nội sinh thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Xây dựng môi trường văn hóa đồng bộ, lành mạnh, tăng cường vai trò của gia đình, cộng đồng trong phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai; ưu tiên xây dựng và phát huy giá trị văn hóa trong chính trị, văn hóa trong kinh tế, văn hóa môi trường, văn hóa công vụ, văn hóa giáo dục, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển toàn diện và bền vững là nhiệm vụ quan trọng cần phải được thực hiện thường xuyên, kiên trì, lâu dài, là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, các cấp ủy, các ngành, của toàn dân.

Thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò to lớn của Nhân dân, nhất là của đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong xây dựng, phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai.

Mục tiêu chung Nghị quyết xây dựng văn hóa con người Đồng Nai phát triển toàn diện với các phẩm chất: Nhân cách, đạo đức, trí tuệ, khát vọng, năng động, văn minh, thân thiện, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật, đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, dâm nghĩ, dám làm, dám dấn thân, dám chịu trách nhiệm; trong 05 mối quan hệ: Với bản thân mình, với gia đình, với cộng đồng -xã hội, với đất nước, với truyền thống và bản sắc của Đồng Nai.

Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể), cùng các giá trị văn hóa khác, tái hiện, tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng cao mang đậm bản sắc Đồng Nai, phù hợp với xu thế thời đại. Tiếp tục giữ vững, phát huy hào khí Đồng Nai và không ngừng lan tỏa tinh thần hào khí Đồng Nai trong mọi phương diện của đời sống.

Triển khai phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và các cuộc vận động có liên quan văn hóa ngày càng sâu rộng và thực chất hơn; hoàn thiện đồng bộ, hiện đại hóa hệ thống thiết chế văn hóa thể thao, xây dựng các chương trình, dự án mới nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động, hưởng thụ, sáng tạo và nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân, nhất là thanh thiếu niên và công nhân lao động.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 phấn đấu 90% hộ gia đình được nâng cao kiến thức về văn hóa, kỹ năng giáo dục đạo đức, lối sống, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của địa phương, hệ giá trị của gia đình, phòng ngừa rủi ro, tệ nạn xã hội, bạo lực trong gia đình; 95% địa phương đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới vào hương ước, quy ước của dòng họ, cộng đồng, khu phố, ấp.

Phấn đấu giữ vững các mục tiêu: 95% trở lên số gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 90% trở lên khu phố, ấp đạt danh hiệu văn hóa, trong đó, mỗi đơn vị hành chính cấp huyện có ít nhất 5% số mô hình điểm khu dân cư văn hóa tiêu biểu; 98% trở lên cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hoá; 75% doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 60% trở lên phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.

95% cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị xây dựng và thực hiện tốt quy định về văn hóa công sở, kỷ luật, kỷ cương; 92% khu phố, ấp thực hiện tốt hương ước, quy ước nếp sống văn minh, phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tuân thủ quy định của pháp luật.

95% đơn vị hành chính cấp huyện có đủ các thiết chế: Nhà văn hóa, Thư viện và 3 công trình thể thao cơ bản (Nhà thi đấu đa năng, sân vận động, bể bơi) đạt chuẩn theo quy định; 95% huyện, thành phố có quảng trường, công viên; trên 50% huyện, thành phố có Nhà văn hóa thanh thiếu niên.

Lập hồ sơ đề nghị ghi danh từ 1-2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 1-2 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia; 20% các di tích quốc gia đặc biệt hoàn thiện công tác tu bổ, tôn tạo theo quy hoạch được phê duyệt; 20% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp.

95% thanh, thiếu nhi trong các trường học trên địa bàn tỉnh hàng năm được trải nghiệm, giáo dục truyền thống, tìm hiểu về giá trị lịch sử, văn hóa tại các thiết chế văn hóa, di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu, di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh.

Lựa chọn, ưu tiên phát triển 3-5 sản phẩm du lịch, dịch vụ văn hóa có lợi thế của tỉnh để xây dựng thương hiệu du lịch của tỉnh; Phấn đấu doanh thu của các dịch vụ văn hóa trên địa bàn tỉnh đóng góp khoảng 1% GRDP.

Từng bước nâng mức đầu tư cho văn hóa đạt 3,5% tổng chi ngân sách Nhà nước.

Phấn đấu trong nhóm 10 địa phương đứng đầu cả nước về chỉ số phát triển con người (HDI).

Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, Nghị quyết đã đề ra 5 giải pháp chủ yếu gồm: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về văn hóa; tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thuận lợi để xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về xây dựng và phát triển văn hóa, con người; Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa; Tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội để xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai.

Toàn văn Nghị quyết xem tại đây

 

Hà My

Tag:

File đính kèm