Sign In

Cổng thông tin điện tử

Đảng Cộng sản Việt Nam

Học thuyết Mác - nền tảng lý luận của con đường phát triển Việt Nam

Kỷ niệm 206 năm Ngày sinh Các Mác (5/5/1818 - 5/5/2024)

09:00 05/05/2024
​(ĐCSVN) - Các Mác mãi mãi đi vào lịch sử nhân loại với công lao sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản khoa học có tác động to lớn và sâu rộng đối với nhân loại tiến bộ. Học thuyết ông sáng tạo ra trở thành nền tảng lý luận của con đường phát triển Việt Nam.

Các Mác (Karl Heinrich Marx) sinh ngày 5/5/1818 ở thành phố Trier, nước Đức. Ngay từ nhỏ, ông đã thể hiện là người có tư chất thông minh, học giỏi, có năng lực về toán học. Khi học ở trường Đại học Tổng hợp Berlin, ngoài luật học, sử học và ngoại ngữ, ông đi sâu nghiên cứu triết học.

23 tuổi, Các Mác nhận bằng tiến sĩ Triết học sau đó làm việc tại Báo Sông Ranh và hoạt động dân chủ cách mạng. Từ hoạt động thực tiễn và nghiên cứu lý luận, ông đã thay đổi quan điểm, rời bỏ chủ nghĩa duy tâm chuyển sang chủ nghĩa duy vật; chuyển từ lập trường cách mạng dân chủ sang lập trường cộng sản.

leftcenterrightdel
 Các Mác và Ăng-ghen - hai người đồng chí suốt đời trung thành với nhau vì sự nghiệp cách mạng vô sản. Tranh tư liệu

Năm 1843 khi ở Pháp, Các Mác đã cùng với Acnôn Rugơ xuất bản cuốn “Niên giám Pháp - Đức” phê phán trật tự xã hội tư bản và vận động quần chúng đứng lên, đặc biệt là giai cấp vô sản. Các Mác đã phát hiện vai trò đặc biệt của giai cấp vô sản đồng thời hiểu sâu hơn cơ cấu nội tại của sự phát triển chủ nghĩa tư bản và những mâu thuẫn của nó.

Năm 1844, Các Mác viết Bản thảo kinh tế - triết học, thực chất là phôi thai của những tư tưởng hết sức quan trọng mà sau này ông phát triển một cách khoa học trong Bộ Tư bản. Thời gian này, Mác gặp được Phriđơrich Ăngghen ở Pháp, hai ông trở thành đồng chí và bạn, suốt đời trung thành với nhau vì sự nghiệp cách mạng vô sản.

Năm 1845-1848, ở Bỉ, Các Mác và Ăngghen viết chung cuốn “Gia đình thần thánh”, Hệ tư tưởng Đức (1845 - 1846)”, “Sự khốn cùng của triết học” (1847); “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” (1848). Các cuốn sách phê phán mạnh mẽ chủ nghĩa duy tâm, chủ nghĩa duy vật không nhất quán, chống lại triết học tiểu tư sản; đồng thời trình bày lý luận về chủ nghĩa cộng sản khoa học, nêu ra vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong lịch sử, trình bày những cơ sở của chủ nghĩa duy vật lịch sử và chính trị kinh tế học vô sản.

Đặc biệt, tác phẩm "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” của hai ông trở thành một văn kiện mang tính chất cương lĩnh của chủ nghĩa Mác và đảng vô sản, soi sáng cho giai cấp công nhân toàn thế giới con đường đấu tranh để thoát khỏi chế độ nô lệ tư bản chủ nghĩa và đưa cách mạng vô sản đi đến thắng lợi. Lần đầu tiên Mác đã luận giải một cách thuyết phục sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân và vai trò to lớn của giai cấp vô sản. Đó là lực lượng có khả năng cải tạo tận gốc các quan hệ xã hội, thủ tiêu tình trạng người bóc lột người và xây dựng chế độ xã hội mới - xã hội cộng sản chủ nghĩa. Mục đích của chế độ xã hội này là giải phóng toàn xã hội, giải phóng loài người khỏi mọi áp bức, bất công. Chính điều này đã làm nên tính nhân văn của chủ nghĩa Mác mà không học thuyết nào có được.

Năm 1864, Mác sáng lập ra Quốc tế thứ Nhất ở London và lãnh đạo tư tưởng nhằm chấm dứt tình trạng phân tán trong phong trào công nhân. Ông đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, bọn vô chính phủ, định ra sách lược cách mạng. Năm 1867, Các Mác đã cho xuất bản bộ Tư bản (tập 1) - tác phẩm khoa học chủ yếu của Các Mác, (tập II và III ông đã không kịp hoàn tất, Ăngghen đảm nhiệm việc xuất bản hai tập này). Bộ sách là tác phẩm về kinh tế chính trị quan trọng, phân tích về chủ nghĩa tư bản, về phương thức sản xuất và quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Mác đã tìm ra quy luật vận động của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa thông qua học thuyết giá trị thặng dư, đồng thời chỉ rõ mâu thuẫn cơ bản của xã hội tư bản là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất ngày càng xã hội hóa cao với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân và những người lao động làm thuê với giai cấp tư sản. Theo V.I.Lênin, đây là "hòn đá tảng của học thuyết kinh tế của Mác", là "nội dung căn bản của chủ nghĩa Mác".

leftcenterrightdel
Cuốn sách luận giải một cách thuyết phục sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân và vai trò to lớn của giai cấp vô sản

Ông còn viết nhiều tác phẩm khác rất có giá trị, cung cấp thế giới quan khoa học và phương pháp luận cách mạng cho con người trong nhận thức và cải tạo thế giới.

Bằng trí tuệ thiên tài, Các Mác đã giải đáp kịp thời, chính xác và sáng tạo những vấn đề lớn lao, cơ bản nhất và bức thiết nhất mà thời đại lúc bấy giờ đang đặt ra. Ông đã kết tinh những thành tựu trí tuệ của loài người, kế thừa có tính phê phán những tinh hoa trong lý luận triết học cổ điển Đức, kinh tế chính trị học Anh và chủ nghĩa xã hội Pháp, Các Mác cùng với Ăngghen và những người đồng chí đã nghiên cứu toàn diện, có hệ thống toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội, tự nhiên và đã sáng lập nên triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, kinh tế chính trị học mác xít và chủ nghĩa xã hội khoa học. Đó thực sự là bó đuốc soi đường cho mọi hoạt động cách mạng của những người cộng sản, giai cấp công nhân.

Ngày 14/3/1883, Các Mác qua đời ở Pháp và được an táng tại nghĩa trang Highgate, phía Bắc nước Anh. Trong 65 năm cuộc đời, Các Mác đã cống hiến trọn đời vì lý tưởng giải phóng giai cấp, giải phóng loài người; trở thành nhà tư tưởng thiên tài, nhà cách mạng vĩ đại, lãnh tụ kiệt xuất của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.

Từ học thuyết khoa học, cách mạng của Các Mác và Ăngghen, sau này, Lênin -  người thầy vĩ đại của giai cấp công nhân - đã kế tục trung thành, bổ sung, phát triển toàn diện học thuyết Mác, nâng nó lên tầm cao mới, làm cho chủ nghĩa Mác thật sự trở thành hệ tư tưởng thống trị trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin trở nên hoàn bị nhất, sâu sắc và triệt để nhất, mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc bị áp bức, trong đó có Việt Nam.

Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, Ðảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với mục tiêu “không có gì quý hơn độc lập tự do”, đã lãnh đạo toàn dân tộc làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vĩ đại, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu; và đặc biệt là thực hiện thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trong 49 năm thống nhất đất nước, 38 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới, tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới có sự thay đổi không ngừng, Ðảng ta luôn nhất quán, kiên định lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động; vận dụng linh hoạt, sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng, chủ động nghiên cứu và tiếp thu có chọn lọc các lý thuyết phát triển, các trào lưu lý luận và các thành tựu khoa học xã hội thế giới. Đảng ta tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện nhưng xác định rõ trọng tâm, trọng điểm và cách làm, bước đi phù hợp; vừa tiến hành đổi mới kinh tế, đổi mới chính trị, vừa tiến hành đổi mới trên tất cả các lĩnh vực khác. Trong quá trình đổi mới, Đảng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận lại mình, dũng cảm chỉ ra những sai lầm, khuyết điểm, rút ra bài học kinh nghiệm, kịp thời sửa chữa để có những quyết sách đúng đắn; sáng suốt nhận diện được rõ cơ hội và thách thức, lãnh đạo nhân dân tranh thủ cơ hội, vượt qua thách thức, xây dựng đất nước phát triển về kinh tế, ổn định về chính trị, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

leftcenterrightdel
Đảng ta đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng 

Để thích ứng với sự phát triển của khoa học, công nghệ, Đảng ta ban hành nhiều chủ trương, chính sách mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ; phá bỏ cơ chế quản lý quan liêu, bao cấp, chuyển sang nền kinh tế nhiều thành phần, đa dạng hình thức sở hữu, bao gồm cả kinh tế Nhà nước, kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài... Vì vậy, lực lượng sản xuất ở Việt Nam phát triển không ngừng, quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt.

Sau gần 40 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước đói nghèo, lạc hậu, cùng kiệt khi mới giành chính quyền năm 1945, Việt Nam trở thành nước có nền kinh tế phát triển nhanh, trung bình hằng năm khoảng 6-7%;  GDP tăng trưởng ngoạn mục, năm 2023 đạt 409,8 tỷ USD, tăng gấp 44,4 lần so với năm 1975. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã tăng mạnh. Năm 2020, Việt Nam được xếp hạng thứ 74 trong số 190 nền kinh tế và năm 2023 vươn lên vị trí thứ 65. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, từ 58,1% năm 1990 xuống 2,31% năm 2022. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 4.527 USD, gấp 18,6 lần so với năm 1975. Công tác y tế, giáo dục, an sinh xã hội được chú trọng chăm lo. Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế năng động và là một phần không thể thiếu của nền kinh tế toàn cầu. Điều đó càng khẳng định nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là đúng: “Những thành tựu đổi mới tại Việt Nam đã chứng minh rằng, phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nước tư bản chủ nghĩa có cùng mức phát triển kinh tế".

Con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta tuy gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng rõ ràng đã đạt những thành tựu đáng tự hào, là tất yếu trong quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam. Nhiệm vụ của Đảng ta, của mỗi cán bộ, đảng viên, Nhân dân ta là tiếp tục đoàn kết, thống nhất, vận dụng linh hoạt, thực hiện hiệu quả các nguyên tắc xây dựng đảng trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội; đấu tranh, phản bác lại các luận điệu sai trái, bôi nhọ; có giải pháp trước những chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc thành quả của cách mạng mà chúng ta đã dày công vun đắp, tiếp tục đưa nước ta tiến nhanh, tiến vững chắc trên con đường chủ nghĩa xã hội./.

Nguyễn Thương

Tag:

File đính kèm