Sign In

Kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long

16:46 02/05/2024
(Vinhlong.gov.vn) - Trong những năm qua, UBND tỉnh đã tổ chức triển khai kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các văn bản khác của Trung ương về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo Ban An toàn giao thông tỉnh hàng năm tổ chức, thực hiện tốt chủ đề Năm An toàn giao thông.

Việc triển khai, quán triệt các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản chỉ đạo về bảo đảm TTATGT của các sở, ban, ngành có liên quan, các tổ chức đoàn thể và UBND các cấp trên địa bàn tỉnh được tổ chức thực hiện nghiêm túc, đạt hiệu quả. Ý thức tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT của đảng viên, cán bộ, công chức và người dân được nâng lên và từng bước hình thánh thói quen xây dựng văn hóa giao thông khi tham gia giao thông; tình hình tai nạn giao thông được kiềm chế, kéo giảm theo từng năm.

Các hoạt động tuyên truyền pháp luật về TTATGT, từng bước được nâng cao về chất lượng và được duy trì thường xuyên liên tục, thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, Đài Phát thanh và Truyền hình, báo giấy, báo điện tử, tạo điều kiện mọi người dân dễ cập nhật thông tin biết, hiểu và chấp hành tốt quy định pháp luật về TTATGT. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đảm bảo TTATGT, luôn gương mẫu, tích cực tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện tốt các giải pháp đảm bảo TTATGT.

Qua đó, tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long cơ bản được kiểm soát tốt, tai nạn giao thông được kéo giảm theo từng năm, tình hình ùn tắc giao thông gần như không xảy ra, trừ các dịp nghỉ lễ, hoặc có xảy ra sự cố tai nạn giao thông thì tình trạng ùn tắc có xảy ra cục bộ; ý thức người tham gia giao thông từng bước được nâng cao, văn hóa giao thông dần được hình thành,... góp phần ổn định tình hình trật tự trên địa bàn.

Tuy nhiên, trong thời gian qua tình hình thanh thiếu niên tụ tập trên các tuyến đường điều khiển xe tốc độ cao, rú ga, nẹt pô, lạng lách, đánh võng, tụ tập, cổ vũ đua xe trái phép trên địa bàn vẫn còn xảy ra, gây mất TTATGT, trật tự công cộng, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân; trực tiếp gây nguy hiểm cho đối tượng, người tham gia giao thông và cả lực lượng thi hành công vụ.

Về tình hình tai nạn giao thông: Về đường bộ, từ ngày 01/7/2009 đến hết ngày 31/12/2023 đã xảy ra 3.175 vụ  chết 1.589 người; bị thương 3.010 người.

Về đường thủy nội địa: Từ ngày 01/01/2015 đến hết ngày 31/12/2023 xảy ra 18 vụ, chết 14 người, bị thương 01 người.

Đối với tác động, ảnh hưởng của việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm TTATGT đến công tác quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương: Trong giai đoạn từ 2009 - 2023 việc triển khai thực hiện chính sách pháp luật của nhà nước về đảm bảo TTATGT đường bộ, đường thủy nội địa, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, công tác bảo đảm TTATGT đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tai nạn giao thông tiếp tục được kiềm chế và giảm qua từng năm; phương tiện giao thông được quản lý chặt chẽ, kinh doanh vận tải hành khách từng bước được đổi mới đáp ứng được nhu cầu đi lại của Nhân dân, ý thức pháp luật của người tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng lên; công tác quy hoạch, xây dựng, chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư đúng mức; kết cấu hạ tầng giao thông được tăng cường, đáp ứng từng bước yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm TTATGT đường bộ (từ ngày 01/7/2009 đến hết ngày 31/12/2023): Công tác đảm bảo TTATGT luôn được lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm và tổ chức triển khai kịp thời chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về công tác bảo đảm TTATGT; Công tác bảo đảm TTATGT được lãnh đạo sự quan tâm và vào cuộc triển khai thực hiện chỉ đạo quyết liệt, lãnh đạo các sở, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương nhất là vai trò của Ban An toàn giao thông các cấp.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT được thực hiện thường xuyên liên tục, luôn đổi mới hình thức tuyên truyền phù hợp với tình hình mới, nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT của mọi người dân, khi tham gia giao thông. Sự chủ động, tích cực của các cơ quan thường trực về đảm bảo TTATGT như: Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải tỉnh và các đơn vị có liên quan.

Việc tiếp thu nghiêm túc, kịp thời ý kiến góp ý của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp và Nhân dân trong công tác đảm bảo TTATGT, nhất là phản ánh, kiến nghị về tổ chức giao thông, thi công hạ tầng đường bộ, công tác quản lý nhà nước về TTATGT đã góp phần khắc phục kịp thời những hạn chế thiếu sót trong công tác bảo đảm TTATGT, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm tiếp tục được tăng cường. Ngoài lực lượng Cảnh sat giao thông, Thanh tra giao thông còn tăng cường các lực lượng cảnh sát khác như cảnh sát trật tự, cơ động, Công an xã, phường tham gia tuần tra và giải tỏa, lòng lề đường, vỉa hè, chống ùn tắc giao thông, lập lại hành lang an toàn giao thông.

Về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT đường bộ: Xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm thay đổi nhận thức và ý thức chấp hành các quy định về TTATGT của người tham gia giao thông. Trong những năm qua, UBND tỉnh chỉ đạo Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp với các thành viên Ban An toàn giao thông, các tổ chức đoàn thể và địa phương thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền về TTATGT đường bộ như: Tuyên truyền trên sóng phát thanh đã phát sóng 4.200 tin và 1.400 bài; trên sóng truyền hình đã phát sóng được 14.550 tin và 1.250 bài, phóng sự tuyên truyền có nội dung liên quan đến chính sách, pháp luật về trật tự, an toàn giao thông thông qua các chương trình thời sự trong ngày.

Tổ chức tuyên truyền trực tiếp 4.606 cuộc, có hơn 1,6 triệu lượt người tham dự, tuyên truyền lưu động qua loa phóng thanh 8.502 cuộc. Ngoài ra, công tác tuyên truyền tổ chức thông qua các hình thức khác như đăng 529 ảnh trên tờ tin, lắp đặt 165 bảng tuyên truyền, 215 pano, 385 băng rol, 4.099 áp phích; phát 167.594  bản cam kết thực hiện nếp sống văn minh đô thị, cam kết thực hiện 04 không, cam kết thực hiện tiêu chí văn hóa giao thông; tổ chức 198 buổi văn nghệ; hằng năm phát trên 30.000 tờ rơi, tờ bướm tuyên truyền quy định pháp luật về giao thông đường bộ, hướng dẫn kỹ năng an toàn cho học sinh đến trường và các nội dung tuyên truyền về chủ trương, của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đảm bảo TTATGT.

Kết quả đăng ký, cấp, thu hồi biển số phương tiện giao thông đường bộ; cấp, thu hồi giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông đường bộ; quy định cụ thể điều kiện, phạm vi hoạt động của xe thô sơ tại địa phương; Đăng ký xe ô tô là 37.985 xe, cấp thu hồi biển số là 9.788 xe. Đăng ký xe mô tô, gắn máy là 570.864 xe, cấp thu  hồi biển số là 148.641 xe.

Về quản lý đào tạo, sát hạch lái xe; cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ: Trong công tác quản lý hoạt động đào tạo, sát hạch, Sở Giao thông vận tải thường xuyên thanh tra, kiểm tra và giám sát các cơ sở đào tạo, các trung tâm sát hạch trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe nhằm ngăn ngừa những vi phạm và đưa ra những khuyết điểm cần phải chấn chỉnh trong quá trình đào tạo; vì vậy, chất lượng đào tạo lái xe các đơn vị cơ sở đào tạo được nâng cao và thực hiện nghiêm túc theo các quy định của pháp luật. Kết quả đã cấp mới 61.314 giấy phép lái xe mô tô, cấp mới là 18.688 giấy phép lái xe ô tô.

Trong công tác cấp đổi giấy phép lái xe, Sở Giao thông vận tải tăng cường cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất để giải quyết nhu cầu của các cá nhân theo đúng quy định; phối hợp với Bưu điện triển khai thực hiện tốt công tác đổi giấy phép lái xe tại các Bưu cục ở các huyện, thị xã; rút ngắn thời gian đổi giấy phép từ 05 ngày xuống còn 03 ngày. Đồng thời, thực hiện đổi giấy phép lái xe qua mạng theo cấp độ 3, đã góp phần giảm sự quá tải tại Bộ phận tiếp nhận và hoàn trả kết quả của Sở và giảm sự đi lại và chi phí của người dân. Kết quả thực hiện đã cấp đổi 62.578 giấy phép lái xe các loại, thu hồi 50 giấy phép lái xe.

Về quản lý về TTATGT đường bộ trong hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải: Trên địa bàn tỉnh có 09 bến. Trong đó 01 bến xe tỉnh; 08 bến xe huyện, thị, xã thành phố. Sở Giao thông vận tải đã tăng cường quản lý hoạt động vận tải, siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải và TTATGT.

Công tác quản lý vận tải cơ bản đáp ứng và phục vụ tốt nhu cầu đi lại của Nhân dân, năng lực vận chuyển và chất lượng dịch vụ được nâng cao, bảo đảm an toàn và giao thông thông suốt trong các dịp nghỉ lễ, tết không xảy ra hiện tượng người dân không có phương tiện đi lại; các phản ánh về tình trạng nhồi nhét hành khách, chở quá tải, thu giá vé cao giảm nhiều so với các năm trước đây; tình hình an ninh, trật tự tại các bến trên các tuyến vận tải, trên các phương tiện vận tải hành khách được duy trì tốt; công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại bến xe, cảng, đơn vị vận tải tiếp tục được duy trì và đạt hiệu quả cao.

Về công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về TTATGT được các lực lượng chức năng như Cảnh sát giao thông cùng các lực lượng cảnh sát khác và Thanh tra giao thông vận tải, tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường bộ, các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông và Thông tư của Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải quy định về hoạt động của Thanh tra chuyên ngành. Các lực lượng Cảnh sát giao thông cùng các lực lượng cảnh sát khác thuộc Công an tỉnh, thường xuyên mở các đợt cao điểm và xử lý vi phạm theo chuyên đề, trong đó tập trung vào các dịp nghỉ Lễ, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, tập trung xử lý vi phạm các lỗi là nguyên nhân trực tiếp xảy ra TNGT, đối với đối tượng là người điều khiển phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa bằng xe ô tô; người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, chú trọng các tuyến đường, địa bàn phức tạp về TTATGT.

Từ năm 2009 đến hết năm 2023: Các lực lượng Cảnh sát giao thông và các lực lượng Cảnh sát thuộc Công an tỉnh, tiến hành 145.015 cuộc tuần tra, kiểm soát, đã phát hiện và lập biên bản 424.339 trường hợp vi phạm, xử phạt 446.815 trường hợp với tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước hơn 370,7 tỷ đồng, tước 55.366 giấy phép lái xe các hạng và tạm giữ 108.418 phương tiện các loại.

Thanh tra Sở Giao thông vận tải tiến hành 12.914 cuộc thanh tra, kiểm tra, phát hiện và lập biên bản 9574 trường hợp vi phạm đã xử lý vi phạm 9.408 trường hợp, xử phạt hơn 28,6 tỷ đồng, tước 2.686 giấy phép lái xe và 162 phù hiệu .

Về điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, xử lý “điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông” đường bộ; khắc phục ùn tắc giao thông đường bộ: Trong kỳ báo cáo đã xảy ra 3.175 vụ tai nạn giao thông đường bộ, trong đó đã điều tra, khởi tố 602 vụ với 599 bị can.

UBND tỉnh giao cho Sở Giao thông vận tải cơ quan Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng hàng năm thường xuyên rà soát điểm đen TNGT, điểm tiềm ẩn TNGT kết quả trong kỳ báo cáo qua các đợt rà soát phát hiện 86 điểm mất an toàn giao thông trên các tuyến QL và Đường tỉnh qua địa bàn tỉnh Vĩnh Long và 02 QL 53 và QL 54 hiện nay đang bị quá tải trong đó QL 54 có nhiều đoạn đường xuống cấp nặng mất ATGT, đối với những vị trí mất ATGT trên tuyến Quốc lộ đã kiến nghị về Cục Đường bộ Việt Nam có kế hoạch khắc phục, tính đến 31/12/2023 trên địa bàn tỉnh còn 01 vị trí điểm đen TNGT tại vòng xoay Tân Ngãi tuyến QL 1, tuy nhiên vị trí này đã áp dụng các biện pháp khắc phục điểm đen như sơn gờ giảm tốc, lắp đặt biển cảnh báo đoạn đường thường xuyên xảy ra TNGT, lắp đặt biển khu vực đông dân cư, Cảnh sát giao thông tỉnh tăng cường tuần tra, kiểm soát khu vực này.

Chỉ đạo Sở Giao thông vận tải thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị quản lý đường chủ động bảo trì, sửa chữa kịp thời hư hỏng trên tất cả các tuyến Đường tỉnh, đảm bảo giao thông thông suốt, thuận lợi cho vận chuyển hành khách, hàng hóa và đi lại của người dân, cụ thể thường xuyên duy tu bảo dưỡng cầu đường; rà soát điều chỉnh, bổ sung biển báo, sơn kẻ vạch đường, tín hiệu giao thông, phát hoang cây xanh che khuất tầm nhìn.

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long 03 vị trí thường xuyên bị ùn tắc giao thông cục bộ vào các dịp nghỉ Lễ, Tết hoặc các ngày nghỉ cuối tuần như cầu Mỹ Thuận tiếp giáp với tỉnh Tiền Giang, khu vực phà Đình Khao trên tuyến Quốc lộ 57, khu vực khu Công Nghiệp Hòa Phú huyện Long Hồ trên QL1, ngoài ra khi triều cường dân cao phát sinh một số vị trí trên tuyến QL1, QL53 và QL54.

Vào các dịp nghỉ Lễ, Tết dương lịch, Tết Nguyên đán Ban An toàn giao thông tỉnh xây dựng kế hoạch liên ngành bảo đảm TTATGT và phòng chống ùn tắc giao thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, trong đó các lực lượng phối hợp, tập trung các khu vực dễ xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, đồng thời bố trí xe cứu hộ chuyên dùng sẵn sàng cứu hộ phương tiện. Lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý 5.086 trương hợp phương tiện dừng xe, đỗ xe, để xe trái quy định, góp phần.

Đối với công tác cứu nạn, cứu hộ giao thông luôn được các đơn vị chức năng quan tâm, sẵn sàng bố trí lực lượng, phương tiện phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức cứu nạn, cứu hộ người, phương tiện giao thông đường bộ khi xảy ra TNGT, hoặc triều cường dâng cao. Trong những năm qua các lực lượng chức năng đã chủ động bố trí lực lượng điều tiết giao thông và hỗ trợ người dân qua lại những đoạn đường bị triều cường dâng cao trên các tuyến Quốc lộ và các tuyến đường nội ô, đã thực hiện 2785 cuộc, sử dụng phương tiện chuyên dùng hỗ trợ hơn 32.597 lượt người và phương tiện di chuyển.

Về kết quả bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa giai đoạn từ năm 2015 đến hết năm 2023: Từ năm 2015 đến nay, công tác bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa luôn được sự quan tâm của Đảng, Nhà Nước và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Luật, Chỉ thị, Nghị quyết, Nghị định trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, đây là cơ sở pháp lý quan trọng tác động tích cực trong công tác bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa, góp phần nâng cao nhận thức, chấp hành pháp luật của Nhân dân.

Thực hiện Cuộc vận động xây dựng phòng trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” giai đoạn 2016- 2020. Tỉnh Vĩnh Long đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện cuộc vận động gồm 14 thành viên do phó Giám đốc Công an tỉnh làm Trưởng Ban, đã tích cực vận động các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và Nhân dân cùng tham gia. Kết quả đã xây dựng, công nhận duy trì 09 mô hình đạt hiệu quả với 202 người tham gia tổ chức được 469 cuộc tuần tra, xử lý vgi phạm hành chính 399 trường hợp vi phạm; nhắc nhở, giáo dục 142 trường hợp; tại các khu vực thực hiện mô hình, TNGT giảm cả 03 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.

Công tác xây dựng và quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông được tăng cường về chất lượng và an toàn giao thông; công tác tuyên truyền về bảo đảm TTATGT được đổi mới cả về nội dung, hình thức; công tác thanh tra, kiểm tra được đẩy mạnh.

Về công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật luôn được UBND tỉnh đặc biệt quan tâm thường xuyên chỉ đạo Ban An toàn giao thông tỉnh, sở, ngành có liên quan, các tổ chức đoàn thể và UBND các địa phương trên địa bàn tỉnh, tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục Luật Giao thông đường thủy nội địa và các văn bản chuyên ngành cụ thể tổ chức triển khai trên 60 buổi tuyên truyền pháp luật về đường thủy nội địa có trên 6.500 lượt người tham gia; 454 chủ cơ sở sửa chữa đóng mới, hoán cải phương tiện thủy nội địa và 310 lượt chủ bến khách ngang sông mở bến thủy nội địa trái phép; phát trên 10.000 tờ rơi, lắp đặt hơn 30 panô tuyên truyền về an toàn giao thông đường thủy nội địa; phối hợp báo Vĩnh Long, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng hơn 115 chuyên mục, phóng sự về an toàn giao thông đường thủy nội địa.

Về cấp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa: từ năm 2015 đến nay đã thực hiện cấp mới 2.160 lượt đăng ký phương tiện; trong đó, có 699 phương tiện đăng ký lần đầu, 245 phương tiện đăng ký do thay đổi tính năng kỹ thuật, 422 phương tiện đăng ký do thay đổi sở hữu, 699 phương tiện đăng ký do thay đổi sở hữu và thay đổi cơ quan đăng ký, cấp lại 95 giấy chứng nhận đăng ký, xóa đăng ký 914 phương tiện thuỷ nội địa. Cấp Giấy chứng nhận đăng kiểm phương tiện thủy nội địa: 11.465 lượt phương tiện.

Theo thống kê, toàn tỉnh có 1.715 km đường thủy nội địa, trong đó sông do Trung ương (Cục Đường thủy nội địa) quản lý 215 km, bao gồm sông Tiền 90 km, sông Hậu 75 km, sông Măng Thít 50 km, loại sông cấp I, II. Số còn lại do địa phương quản lý 1.500 km, bao gồm sông cấp 1 có 03 km, sông cấp 2 có 18 km, sông cấp 3 có 09 km, sông cấp 4 có 100 km, sông cấp 5 có 141 km, sông cấp 6 có 229 km và trên cấp 6 có 1.000 km.

Về quản lý cảng, bến thủy nội địa, toàn tỉnh có 03 cảng thủy nội địa như Cảng Vĩnh Long vị trí trên sông Tiền, cảng Bình Minh vị trí trên sông Hậu và cảng An Phước vị trí trên đầu tuyến sông Măng Thít. Theo số liệu báo cáo thống kê, lưu lượng hàng hóa thông qua 03 cảng này bình quân 700.000 tấn/năm. Về bến thủy nội địa, có 461 bến, trong đó bến hàng hóa 400 bến chủ yếu của các doanh nghiệp mua bán vật liệu xây dựng, nhà máy xay xát; bến hành khách là 61 bến chủ yếu bến khách ngang sông.

Trong thời gian qua các lực lượng chức năng đã phối hợp tổ chức 42 cuộc kiểm tra liên ngành về TTATGT đường thủy nội địa, phát hiện xử lý trên 55 trường hợp vi phạm TTATGT trong hoạt động vận tải.

Về tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường thủy nội địa: Lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh tổ chức tuần tra, kiểm soát 18.554 cuộc, phát hiện 38.188 trường hợp vi phạm, xử lý 37.868 trường hợp, nộp ngân sách Nhà nước với số tiền trên 25,8 tỷ đồng, tước quyền sử dụng giấy chứng khả năng chuyên môn thuyền trưởng 52 trường hợp.

Thanh tra Sở Giao thông vận tải tổ chức 2.034 cuộc thanh tra, kiểm tra, phát hiện và lập biên bản vi phạm 576 trường hợp, đã xử phạt 571 trường hợp, nộp ngân sách Nhà nước với số tiền trên 665,8 triệu đồng.

Tai nạn giao thông: đã xảy ra 18 vụ, chết 14 người, bị thương.… các vụ TNGT xảy ra được tiếp nhận điều tra, giải quyết kịp thời khách quan và đúng quy định.

Xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT đường thủy nội địa: Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đến thời điểm báo cáo không có điểm đen TNGT đường thủy nội địa. Các lượng lực chức năng đã tham gia khảo sát các công trình vượt sông, có ảnh hưởng đến mất an toàn giao thông đường thủy như khảo sát 61 công trình cầu vuợt sông; 52 đường dây điện; 19 đường dây viễn thông; 16 đường dây truyền tải điện vượt sông; qua khảo sát kiến nghị các đơn vị quản lý lắp đặt 122 biển báo hiệu.

Tổ chức cứu nạn, cứu hộ giao thông đường thủy nội địa: UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng thực hiện cứu nạn, cứu hộ người và phương tiện khi xảy ra sự cố tai nạn trên các tuyến đường thủy nội địa….

Thanh Tú – Nguồn Báo cáo số: 164/BC-UBND

Tag:

File đính kèm