|
|
Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 sáng 28/12, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương biểu dương, đánh giá cao những kết quả Ngành Tổ chức xây dựng Đảng đạt được trong năm qua.
Đồng chí Trương Thị Mai khẳng định, năm 2023, các cấp ủy tổ chức đảng đã có nhiều nỗ lực quyết tâm nêu cao tinh thần trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm có hiệu quả công tác tổ chức xây dựng Đảng, những kết quả nổi bật trong báo cáo đã nêu về công tác tham mưu về kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết, các văn bản quan trọng của Đảng về công tác cán bộ; chính sách cán bộ; các vấn đề liên quan đến biên chế của hệ thống chính trị; tham mưu công tác quy hoạch Ban chấp hành Trung ương Đảng; tiếp tục đổi mới phương pháp lề lối làm việc và những kết quả quan trọng khác. Kết quả đó đã góp phần để đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về công tác tổ chức xây dựng Đảng, góp phần xây dựng ngành, tổ chức xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, góp phần cho phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Đồng chí Trương Thị Mai nhận định, nhìn lại hơn nửa nhiệm kỳ vừa qua, công tác tổ chức xây dựng Đảng đã làm được nhiều việc hoàn thành được một khối lượng công việc lớn đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương giao. Bên cạnh đó, một số hạn chế tồn tại phải tiếp tục quan tâm có giải pháp để khắc phục; “có những tồn tại, hạn chế được đề cập nhiều lần đến nay vẫn đang là vấn đề rất đáng quan tâm như: việc nâng cao chất lượng công tác tham mưu chiến lược, chất lượng của một bộ phận cán bộ chưa đảm bảo; có cán bộ chưa rèn luyện, năng lực hạn chế; một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm né tránh trách nhiệm "dĩ hòa vi quý"... Bên cạnh đó cũng có những cán bộ vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước” – Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chỉ rõ.
Phân tích cụ thể hơn những hạn chế, đồng chí Trương Thị Mai cho rằng, một bộ phận tổ chức cơ sở đảng còn yếu, sức chiến đấu hạn chế, vai trò mờ nhạt, chưa giữ được vai trò nòng cốt chính trị, vai trò lãnh đạo sinh hoạt Đảng; chưa đổi mới công tác quản lý đảng viên trong không gian phát triển có nhiều biến động phức tạp như hiện nay. Việc thay đổi chưa theo kịp được tình hình, nhất là đối với đảng viên đi làm ăn xa, đảng viên ra nước ngoài học tập lao động, công tác; phát triển đảng viên ở khu vực ngoài Nhà nước vẫn còn khó khăn và chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Một số cấp ủy tổ chức đảng, người đứng đầu chấp hành chưa nghiêm, còn vi phạm quy định của Đảng, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vẫn còn hiện tượng người thân, người nhà đưa vào không đảm bảo chất lượng gây bức xúc trong dư luận, trong cán bộ đảng viên…
Nhất trí với 9 nhiệm vụ triển khai trong năm 2004, đồng chí Trương Thị Mai yêu cầu phát huy ưu điểm, kết quả tích cực đã đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập, toàn ngành Tổ chức xây dựng Đảng cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả, đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp; nhiệm vụ, giải pháp đột phá chiến lược về công tác xây dựng Đảng trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó cần tập trung: Tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình công tác năm 2024 bảo đảm tiến độ, chất lượng gắn với công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tổ chức xây dựng Đảng. Trong đó, thực hiện đồng bộ nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Kết luận số 21-KL/TW tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII; nhóm nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 21-NQ/TW và đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng theo Nghị quyết số 28-NQ/TW. Tham mưu nghiên cứu, xây dựng, sơ kết, tổng kết, sửa đổi, bổ sung một số quy định, đề án của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tổ chức bộ máy; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; thực hiện nền nếp việc giao, quản lý biên chế của hệ thống chính trị năm 2024. Quá trình tổ chức phải tiếp tục đổi mới phải sâu sát hơn, chất lượng phải tốt hơn trong việc thực hiện các nhiệm vụ này.
“Tôi điểm qua một số văn bản chính, đề nghị các đồng chí hết sức quan tâm và quan trọng nhất là các văn bản nghị quyết của Đảng phải được quán triệt sâu sắc, phải được cụ thể hóa sát với thực tiễn của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương và tổ chức thực hiện nghiêm mới đạt được kết quả. Đây là trách nhiệm Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao cho người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức đảng để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong công tác tổ chức xây dựng Đảng” – đồng chí Trương Thị Mai lưu ý.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng cho biết, các quy định về công tác cán bộ từ đầu nhiệm kỳ tới nay đã tiếp tục được sửa đổi, hoàn thiện và được Bộ Chính trị, Ban Bí thư dành sự quan tâm. Ngoài ra, sắp tới sẽ tiếp tục còn một số quy định được trình để ban hành. Mỗi một quy định đều yêu cầu rất cao và phải đảm bảo để các quy định này đi vào cuộc sống.
Việc thực hiện Nghị quyết 26 về bố trí bí thư cấp ủy không phải là người địa phương đến nay đã có 22/63 tỉnh đã hoàn thành. Như vậy, cả nước hiện nay có 8,4 % bí thư cấp huyện không phải là người địa phương; 40 bí thư cấp tỉnh không phải là người địa phương; 20 Chủ tịch UBND tỉnh không phải là người địa phương. Từ nay đến cuối nhiệm kỳ, Ban Tổ chức Trung ương sẽ tiếp tục tham mưu trình Bộ Chính trị có phân công để tăng số bí thư không phải là người địa phương.
Về nội dung xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, đảng viên, đồng chí Trương Thị Mai nêu rõ, Nghị quyết số 21 đã nêu đầy đủ các nhiệm vụ rất cụ thể, đồng chí yêu cầu các cấp tiếp tục chú trọng xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng nâng cao năng lực sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng theo hướng thiết thực, sát hợp.
Về công tác phát triển đảng viên, theo đồng chí Trương Thị Mai, mục tiêu phát triển 3 đến 4% phát triển đảng viên mới là yêu cầu tương đối cao, Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức các Hội nghị chuyên đề ở khu vực về phát triển đảng viên trong học sinh, sinh viên trong khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước với sự nỗ lực lớn; đến nay đã có 34 tỉnh đạt được mục tiêu 3 đến 4% phát triển đảng. Với những nơi chưa đạt được cần phải quan tâm, chú trọng hơn, xây dựng mục tiêu sát hợp với thực tiễn của địa phương và phải có sự nỗ lực cao nhất. Tuy nhiên, lưu ý đồng thời bắt buộc phát triển phải gắn với chất lượng, không thể để chạy theo số lượng mà để buông lỏng chất lượng, để phấn đấu đạt được 6 triệu đảng viên là trách nhiệm của toàn Đảng.
Đồng chí cũng lưu ý, năm 2024 phải hoàn thành sắp xếp các đơn vị sự nghiệp; tiếp tục sắp xếp vị trí việc làm. Đây là cơ sở quan trọng để tiếp tục điều chỉnh, đổi mới chính sách tiền lương và thực hiện cải cách tiền lương
Đồng chí Trương Thị Mai cũng yêu cầu tiếp tục tập trung đổi mới phong cách, lối làm việc, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức xây dựng Đảng; những vấn đề cần công khai, minh bạch phải tăng cường mở rộng để đảm bảo phương châm “dựa vào dân để xây dựng Đảng”.
Thường trực Ban Bí thư nêu rõ: "Tăng cường cải cách, không để vì tầng tầng, nấc nấc quy trình, quy định mà cuối cùng ra được cán bộ lại không đủ chất lượng. Tôi đề nghị quan tâm tổ chức đảng phải vững mạnh, cán bộ đảng viên có chất lượng. Quy trình, quy định là quan trọng nhưng phải đảm bảo chất lượng. Quy trình, quy định đó để không lạm quyền, quy định chặt chẽ, nhưng cuối cùng dẫn tới chất lượng".
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh, từ nay tới cuối nhiệm kỳ thời gian còn lại không dài, phải tăng tốc, nỗ lực cao để đạt mục tiêu nNhị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra. Trong đó yêu cầu cao nhất là xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, trong đó có công tác tổ chức xây dựng Đảng. Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương mong các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu toàn tâm, toàn ý, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo để xứng đáng với yêu cầu của Đảng, yêu cầu của nhân dân./.