Sign In

Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương khảo sát và làm việc tại tỉnh Thanh Hóa về sơ kết tình hình thực hiện các Nghị quyết 10,11,12 của Hội nghị Trung ương 5 Khóa XII

19:42 05/06/2024
Chiều ngày 05/6/2024, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Tổ trưởng Tổ Biên tập các Đề án làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về sơ kết tình hình thực hiện các Nghị quyết 10-NQ/TW, 11-NQ/TW, 12-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII.

Tiếp Đoàn công tác, về phía tỉnh Thanh Hóa có đồng chí Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hóa; đồng chí Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa; các đồng chí trong đoàn công tác là thành viên tổ biên tập các đề án đến từ một số cơ quan liên quan; cùng đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh.

Phát biểu đề dẫn nội dung buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Đức Hiển nêu rõ, ngày 03/6/2017 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành 03 Nghị quyết rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội là nghị quyết 10-NQ/TW,11-NQ/TW,12-NQ/TW. Trên cơ sở đó Chính phủ, các tỉnh thành ủy đã ban hành các chương trình hành động, các nghị quyết để triển khai các nghị quyết trên. Hiện các nghị quyết nêu trên đã đến giai đoạn sơ kết và Ban Kinh tế Trung ương đã nhận được đầy đủ báo cáo của các tỉnh, thành ủy, các Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn Quốc hội, trong đó Tỉnh ủy Thanh Hóa đã báo cáo khá đầy đủ các thông tin về tình hình thực hiện các nghị quyết tại địa phương.

Đồng chí Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Thanh Hóa

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh, Thanh Hóa là địa phương đã đạt những kết quả đáng biểu dương trong phát triển kinh tế-xã hội, tăng trưởng GRDP thời gian qua của tỉnh ở mức cao so với bình quân cả nước. Do đó, đồng chí Trưởng Đoàn công tác đề nghị Tỉnh Thanh Hóa và các thành viên đoàn công tác thảo luận thẳng thắn, trực diện, chia sẻ về quá trình thực hiện các nghị quyết, cũng như các kiến nghị, đề xuất tập trung vào một số vấn đề quan tâm như: (i) Các vướng mắc trong quá trình triển khai quy hoạch; phân cấp cho các địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch; triển khai cơ chế đặc thù cho tỉnh Thanh Hóa; (ii) Cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực; (iii) Các cơ chế, chính sách nói chung và của địa phương nói riêng về doanh nghiệp nhà nước; phân cấp, phân quyền trong cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước, nâng cao chất lượng quản trị DNNN…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm báo cáo tóm tắt tình hình triển khai các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 khoá XII

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hóa, đồng chí Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo tóm tắt tình hình triển khai thực hiện các Nghị quyết số 10, 11 và 12-NQ/TW của địa phương. Theo đó, tăng trưởng GRDP năm 2023 ước đạt 7,01% đứng nhóm 3 các tỉnh, thành phố có quy mô GRDP lớn nhất cả nước và xu hướng này có đà tăng trong quý I/2024 đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố. Trong giai đoạn 2017 - 2023, trên địa bàn tỉnh có 21.660 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, bình quân vốn điều lệ đạt 8,94 tỷ đồng/doanh nghiệp. Toàn tỉnh có khoảng 20.500 doanh nghiệp đang hoạt động, gấp 2 lần so với năm 2017. Hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp từng bước được nâng lên, nộp ngân sách nhà nước của khu vực doanh nghiệp trong giai đoạn 2017 - 2022 đạt 49.700 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh đã tập trung thực hiện công bố, công khai các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tài nguyên, khoáng sản, tạo sự bình đẳng cho các thành phần kinh tế được tiếp cận, thực hiện đầu tư, khai thác, kinh doanh theo cơ chế thị trường và quy định của pháp luật. Công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước cơ bản đáp ứng theo lộ trình; việc sắp xếp, tổ chức lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập được chú trọng. Môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện, từ năm 2017 đến nay, tỉnh đã thu hút được 89 dự án FDI, với tổng số vốn đăng ký đầu tư 3.857,1 triệu USD; lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 167 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 14,7 tỷ USD, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ, đứng thứ 8 cả nước về thu hút FDI.

Đại diện Sở Công thương phát biểu ý kiến

Sau khi nghe báo cáo, các đồng chí trong đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương đã đặt ra một số câu hỏi đối với tỉnh Thanh Hóa. Đại diện các sở, ngành của tỉnh Thanh Hóa đã trả lời, trao đổi, chia sẻ về tình hình thực tiễn, những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các Nghị quyết số 10, 11 và 12-NQ/TW, cụ thể như công tác lập và triển khai quy hoạch; cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ doanh nghiệp khoa học công nghệ; triển khai cơ chế đặc thù về thu phí, lệ phí; cơ chế hợp tác công tư; vấn đề thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, nhất là việc sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp; xử lý tài sản là đất đai trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn…

Đồng chí Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hóa phát biểu ý kiến

Đồng thời, Tỉnh cũng kiến nghị, đề xuất một số nội dung để tiếp tục triển khai có hiệu quả các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII trong thời gian tới, đó là: (i) thể chế hóa, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa; (ii) hoàn thiện thể chế đảm bảo đồng bộ, thống nhất giữa Luật doanh nghiệp với một số luật chuyên ngành; (iii) ban hành cơ chế, chính sách đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực mang tính đảm bảo xã hội hoặc trên địa bàn vùng sâu, vùng xa; (iv) hướng dẫn cụ thể việc xác định giá trị doanh nghiệp, xác định giá trị quyền sử dụng đất, giá khởi điểm khi chuyển nhượng vốn trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn DNNN; (v) ban hành quy định về trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án phải tổ chức đấu thầu…

Quang cảnh buổi làm việc

Phát biểu tổng kết, đồng chí Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển đánh giá cao sự chuẩn bị của Tỉnh Thanh Hóa cho buổi làm việc; cảm ơn sự tham gia, phối hợp tích cực của các bộ, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan; ghi nhận việc tổ chức triển khai các nghị quyết một cách chủ động, quyết liệt và những kết quả tích cực của Tỉnh Thanh Hóa trong thực hiện các Nghị quyết 10, 11 và 12-NQ/TW. Đồng chí Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh buổi làm việc đã trao đổi rất nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận tại buổi làm việc tập trung vào những nội dung trọng tâm của 3 nghị quyết để Ban Kinh tế Trung ương tổng hợp, nghiên cứu và chắt lọc như: cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; quan điểm mới về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cơ chế tài chính cho doanh nghiệp nhà nước; cơ chế, chính sách chung cho vấn đề quy hoạch, tính đồng bộ trong việc thực hiện quy hoạch vùng, lĩnh vực; cơ chế đột phá cho hoạt động khoa học công nghệ…

Các thành viên Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương 

Kết thúc buổi làm việc, đồng chí Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hóa thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã bày tỏ sự cảm ơn đối với Đoàn công tác khi lựa chọn Thanh Hóa là địa điểm khảo sát, làm việc để Tỉnh có cơ hội để chia sẻ các kết quả đạt được và khó khăn, vướng mắc, cũng như kinh nghiệm trong triển khai thực hiện các Nghị quyết số 10, 11 và 12-NQ/TW. Đồng chí Phó Bí thư nhấn mạnh tầm quan trọng của các nghị quyết nêu trên đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Đồng chí Phó Bí thư cũng mong muốn được bổ sung thêm một số đề xuất, kiến nghị, vướng mắc của Tỉnh trong quá trình thực hiện các Nghị quyết, qua Tổ biên tập sơ kết Đề án để gửi tới các cấp có thẩm quyền.

Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương khảo sát tại Công ty Delta 

Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương tham quan sản phẩm tại Công ty Delta 

Trước đó, trong buổi sáng cùng ngày, Đoàn công tác đã khảo sát, nắm tình hình thực tế tại Công ty cổ phần dụng cụ thể thao Delta và Công ty cổ phần cấp thoát nước Thanh Hóa.

Tại Công ty cổ phần dụng cụ thể thao Delta, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương đã cùng ban Lãnh đạo Công ty trao đổi các thông tin về quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị cơ chế, chính sách đối với một doanh nghiệp khoa học công nghệ, hoạt động đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu hàng thể thao.

Ông Nguyễn Trọng Thấu, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần dụng cụ thể thao Delta báo cáo đoàn công tác

Đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Tổ trưởng Tổ Biên tập các Đề án đánh giá cao sự phát triển của doanh nghiệp qua hơn 20 năm hoạt động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết lao động trên địa bàn Tỉnh. Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương mong muốn Công ty tiếp tục nỗ lực ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như quan tâm đến vấn đề phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp.

 

Đồng chí Phó Trưởng Ban Nguyễn Đức Hiển phát biểu tại buổi khảo sát Công ty cổ phần cấp thoát nước Thanh Hóa

Ông Nguyễn Ngọc Cần, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần cấp thoát nước Thanh Hóa báo cáo đoàn công tác

Tiếp theo, Đoàn công tác đến thăm, làm việc tại Công ty cổ phần cấp thoát nước Thanh Hóa, là một doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 63,62% vốn điều lệ. Sau khi nghe đồng chí Nguyễn Ngọc Cần, báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh, các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của Công ty, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển ghi nhận các đề xuất từ phía doanh nghiệp, đặc biệt là tỷ lệ sở hữu của nhà nước, mô hình hoạt động, cơ chế chính sách cho doanh nghiệp cấp thoát nước và xây dựng cơ chế liên vùng cho vấn đề cấp nước.

Đoàn công tác đã tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp để có thêm thông tin phục vụ cho đề án./.

Vụ Kinh tế Tổng hợp

Tag:

File đính kèm

Tin đọc nhiều