Sign In

Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương làm việc với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về tình hình thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW

09:19 07/09/2023
Sáng ngày 07/9/2023, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do đồng chí Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về tình hình thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 03/9/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; đại diện các đơn vị của VCCI.

Thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, phát huy vai trò là tổ chức đại diện người sử dụng lao động, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã chủ động phổ biến, quán triệt, tuyên truyền, triển khai đến các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp, doanh nhân là hội viên của VCCI nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung; lồng ghép hoạt động xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới vào kế hoạch công tác và tổ chức triển khai thực hiện. VCCI đã xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Chỉ thị số 37-CT/TW từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo để nâng cao nhận thức, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, tham gia vào quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật về quan hệ lao động; phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hướng dẫn, hỗ trợ người sử dụng lao động trong thực hành đối thoại, thúc đẩy các hoạt động thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể, ngăn ngừa tranh chấp lao động và đình công, cùng với tổ chức đại diện người lao động xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho duy trì ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động.

Đồng chí Phó Trưởng Ban Đỗ Ngọc An phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Quốc hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng đại diện các đơn vị của VCCI đã thảo luận về kết quả thực hiên Chỉ thị số 37-CT/TW; về vai trò của người sử dụng lao động và mối quan hệ với người lao động; sự thay đổi trong tổ chức sản xuất, tổ chức quản lý phân công lao động; quan hệ lao động, việc làm và tiền lương; thảo luận về các vấn đề trong thực tiễn triển khai Chỉ thị 37. Đại diện các đơn vị của VCCI cũng nêu ý kiến đề xuất để tiếp tục triển khai Chỉ thị 37, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam tham gia hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Đồng chí Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An ghi nhận và đánh giá cao Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong triển khai Chỉ thị số 37-CT/TW. Đồng chí nhấn mạnh một số kết quả nổi bật như: VCCI đã chủ động triển khai Chỉ thị 37 ngay từ đầu và trong suốt quá trình thực hiện. Việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 37 của VCCI nề nếp, có kết quả, có nội dung, chương trình, đề án về tuyên truyền về pháp luật cho người sử dụng lao động; tổ chức các khóa tập huấn, nghiên cứu, tổ chức các hội thảo, qua đó tạo được nhiều kết quả tích cực. Bên cạnh đó VCCI cũng tham gia tham mưu nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đặc biệt trong thơi kỳ dịch covid-19 để các doanh nghiệp dần ổn định sản xuất. VCCI cũng chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan trong hoàn thiện thể chế pháp luật. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, đồng chí Đỗ Ngọc An đề nghị trong thời gian tới VCCI cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan, nghiên cứu sâu hơn, hoàn thiện báo cáo, làm rõ thêm một số vấn đề quan trọng, qua đó tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW hiệu quả. Các ý kiến tại buổi làm việc hôm nay sẽ được tiếp thu trong quá trình xây dựng báo cáo.

Quang cảnh buổi làm việc

Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế

Tag:

File đính kèm