Trách nhiệm giải trình là một trong các cơ chế được xác lập nhằm bảo đảm nguyên tắc kiểm soát quyền lực nhà nước, là nhân tố cốt lõi trong xây dựng nền tư pháp chuyên ghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Với tích chất và đặc thù hoạt động khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin cho mọi tầng lớp công chúng, báo chí, truyền thông là công cụ có vai trò đặc biệt to lớn đối với việc bảo đảm thực hiện trách nhiệm giải trình trong hoạt động tư pháp một cách thực chất và hiệu quả.
1. Sứ mệnh của truyền thông, báo chí cách mạng Việt Nam với trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước
Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình được coi là một trong những công cụ để kiểm soát quyền lực của Nhà nước. Trong đó, trách nhiệm giải trình của các cơ quan công quyền xuất phát từ nguyên lý chủ quyền, quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, các nhánh quyền lực nhà nước không những phải có trách nhiệm giải trình với nhau mà còn phải có trách nhiệm giải trình với xã hội. Trách nhiệm giải trình là một phần của quản trị nhà nước đồng thời là yếu tố khẳng định tính hợp pháp, chính danh cũng như độ tin cậy của Nhà nước trong mắt người dân.
Tuy nhiên, công khai, minh bạch và cùng với đó là trách nhiệm giải trình luôn là một thách thức, rào cản lớn trong
nỗ lực kiểm soát quyền lực nhà nước, hướng tới xác lập một nền quản trị công dân chủ, liêm chính, công bằng và hiệu quả. Theo Madison James(1): “Trong việc tạo dựng một chính phủ, khó khăn lớn nằm ở chỗ trước hết chính phủ phải kiểm soát được những người phải quản lý và tiếp theo, bảo đảm chính phủ phải được kiểm soát”(2). Cũng chính bởi lẽ vậy, tính thực chất, đồng bộ của việc thực hiện trách nhiệm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình được nhìn nhận là thước đo cho sự tiến bộ của một Nhà nước.
Với tích chất và đặc thù hoạt động của báo chí, truyền thông gồm khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin, trong bất kỳ xã hội nào, nhất là trong các xã hội dân chủ, báo chí, truyền thông luôn được xác định là một sức mạnh to lớn để chuyển tải thông điệp quyền lực của khu vực công(3), đồng thời là công cụ thể hiện tiếng nói, quyền tự do ngôn luận, phản biện xã hội của các tầng lớp nhân dân(4).
Nhận thức tầm quan trọng to lớn của báo chí, truyền thông, ngay từ những năm tháng tìm đường cứu nước đầu thế kỷ 20, Nguyễn Ái Quốc/Hồ Chí Minh cùng với các đồng chí của Người đã sớm tìm đến báo chí và sử dụng báo chí làm công cụ truyền bá tư tưởng, chủ trương giải phóng dân tộc, kiến tạo nhà nước của dân, do dân và vì dân(5). Đặc biệt, ngay sau khi nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời năm 1945, cùng với việc tiếp tục thành lập hành loạt cơ quan báo chí của Đảng và Nhà nước(6), bên cạnh nhiệm vụ tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về các vấn đề đối nội, đối ngoại, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí cách mạng (cùng với nhiều hoạt động thông tin, truyền truyền khác như biểu ngữ, tờ rơi, cán bộ tuyên huấn,...) đã dành sự quan tâm đối với nội dung xây dựng chính quyền non trẻ. trong đó, các nguyên tắc, yêu cầu về việc xây dựng chính quyền nhân dân liêm chính, công khai, luôn lắng nghe và thực hiện trách nhiệm giải trình với nhân dân đã chính thức được đề cập.
|
Tạp chí Nội chính, Ban Nội chính Trung ương tham dự Hôi báo xuân (ảnh Đặng Phước) |
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”(7), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân... Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”, “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời, đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”(8). Có thể khẳng định, với luận điểm như vừa nêu trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho báo chí, tuyên truyền của Việt Nam với sứ mệnh thông tin, tuyên truyền về trách nhiệm giải trình hoạt động trước của chính quyền nhân dân!
Trải qua 97 năm của nền báo chí cách mạng Việt Nam, đặc biệt là từ khi thành lập Nhà nước dân chủ nhân dân năm 1945 trở lại đây, tuy có sự khác nhau về hình thức, mức độ nội dung hay tần suất thông tin, tuyên truyền song về cơ bản cho thấy: Các vấn đề cốt lõi trong xây dựng chính quyền như tính chính danh, sự liêm chính của nền công vụ, trong đó bao gồm nội dung về thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước luôn được thể hiện nhất quán, xuyên suốt trong các loại hình của báo chí, truyền thông của nước ta.
2. Vai trò, đặc điểm và mối quan hệ của truyền thông, báo chí với trách nhiệm giải trình trong hoạt tư pháp
Sự tham gia của truyền thông, báo chí đối với trách nhiệm giải trình thường gặp phải các trở lực từ sự phản ứng về đặc quyền được bảo vệ (protected privileges) của các cơ quan công quyền. Các trở lực này luôn phủ bóng lên quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thể hiện rõ trong các thể chế phong kiến, hiện vẫn tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ trong các quốc gia độc tài hoặc có trình độ dân chủ kém phát triển (và ngay cả ở những quốc gia mà cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước đang còn chưa thực sự hoàn thiện). Trong các quốc gia dân chủ, cùng với việc cải cách, hoàn thiện bộ máy nhà nước hướng tới sự liêm chính, công khai, minh bạch, tôn trọng và bảo đảm ngày càng thực chất quyền con người chính là nền tảng chính trị - pháp lý quan trọng cho một nền báo chí, truyền thông tồn tại, hoạt động và phát triển.
Để thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước, bên cạnh các phương thức theo quy định của pháp luật (như giải trình nội bộ hệ thống cơ quan nhà nước, giải trình trước nhân dân), thì việc thực hiện trách nhiệm giải trình nội dung hoạt động thông qua các phương tiện thông tin đại chúng có một vị trí đặc biệt quan trọng, sức mạnh to lớn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, để bảo đảm được sự tiếp cận của báo chí, truyền thông với các cơ quan nhà nước nhằm thông tin rộng rãi về hoạt động công vụ, nhất là việc thực hiện trách nhiệm giải trình trong lĩnh vực có tính bảo mật thông tin cao hoặc với đặc trưng khép kín như lĩnh vực hoạt động tư pháp thì đó luôn là một thách thức(9).
Thứ nhất, xuất phát từ đặc điểm của việc thực hiện trách nhiệm giải trình trong hoạt động tư pháp.
Hiện nay, đang có nhiều cách tiếp cận cũng như các hiểu khác nhau về khái niệm “hoạt động tư pháp” (và “cơ quan tư pháp”)(10). theo Nghị quyết số 27-NQ/tW, ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành trung ương “về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới”, có xác định: “Xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, liêm chính, phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân”, trong đó, đã chỉ rõ nội hàm về nhiệm vụ “xây dựng nền tư pháp” gắn với chức năng hoạt động của các chủ thể: tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra (và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra), cơ quan thi hành án, luật sư, công chứng, hòa giải, trọng tài, thừa phát lại, trợ giúp pháp lý. trong bài viết này, việc phân tích, đánh giá vai trò, hình thức, phương thức và thực trạng của truyền thông, báo chí về trách nhiệm giải trình trong hoạt động tư pháp được tiếp cận nghiên cứu theo tinh thần của Nghị quyết Hội nghị trung ương 6 khóa XIII như đã nêu trên (trong đó chú trọng đến các cơ quan tòa án và Viện kiểm sát).
Cơ chế trách nhiệm giải trình (cùng với trách nhiệm công khai, minh bạch hoạt động) trong hoạt động tư pháp được xác lập nhằm bảo đảm kiểm soát quyền lực, phòng ngừa sự lạm quyền trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Tuy nhiên, với đặc thù hoạt động tư pháp, tố tụng, như của tòa án và Viện kiểm sát, xuất phát từ sự chế ước của nguyên tắc độc lập tư pháp(11), vô hình chung đã hình thành các rào cản dẫn đến sự khép kín hoạt động trước công chúng, truyền thông. F.K.Zemans đã có bình luận về vấn đề này: “Thành lũy bảo vệ các thẩm phán chính là sự độc lập, bản thân sự độc lập đã biểu hiện giá trị của nó, sự độc lập đó sẽ bị tổn hại bởi cơ chế trách nhiệm giải trình”(12). Và đương nhiên, hệ lụy của “thành lũy” đó chính là sự hạn chế quyền và cơ hội tiếp cận của truyền thông, báo chí. Cũng chính vì vậy, việc bảo đảm thực thi trách nhiệm giải trình của các cơ quan tư pháp (tòa án, Viện kiểm sát nói riêng) và cùng với đó là quyền được tiếp cận, tham gia, kiểm tra, giám sát và đồng hành của xã hội, của báo chí, truyền thông đối với hoạt động thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ quan tư pháp luôn là thách thức trong mục tiêu kiểm soát quyền lực công, hướng tới xây dựng nền tư pháp liêm chính, công khai, minh bạch.
Thứ hai, xuất phát từ đặc trưng, yêu cầu của hoạt động truyền thông, báo chí về trách nhiệm giải trình trong hoạt
động tư pháp.
Sứ mệnh nghề nghiệp của truyền thông, báo chí chính là phản ánh công khai, cung cấp thông tin cho công chúng. Nói cách khác, giá trị cốt lõi của truyền thông, báo chí chính là tính “mở” của thông tin. Quyền tiếp cận thông tin và độ mở thông tin báo chí (trong phạm vi quy định của pháp luật, đạo đức xã hội) là chỉ dấu phản ánh sự phát triển, tự do của một nền báo chí, truyền thông. tuy nhiên, thực tế cũng đang nảy sinh những xung đột không mong muốn giữa việc thực hiện quyền tự do báo chí, giữa hoạt động khai thác, cung cấp thông tin đến cộng đồng với thái độ khép kín, sự e dè của cơ quan tư pháp, tố tụng. Thực tiễn, hoạt động của báo chí, truyền thông trong lĩnh vực điều tra, truy tố, xét xử ở Việt Nam thời gian qua cho thấy không ít các hệ lụy phát sinh như vừa nêu.
Thứ ba, xác lập mối quan hệ tương hỗ giữa truyền thông, báo chí với trách nhiệm giải trình trong hoạt động tư pháp.
Từ các vấn đề có tính lý thuyết và thực tiễn về khả năng phát sinh xung đột giữa hoạt động tư pháp, tố tụng và hoạt động truyền thông, báo chí như đã đề cập trên, về phương diện kiến tạo thể chế để vừa bảo đảm các yêu cầu đặc thù của các hoạt động tư pháp, tố tụng, đồng thời, xác lập môi trường tự do cho hoạt động của truyền thông, báo chí, các quốc gia luôn đề cao về sự cần thiết phải ban hành các quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ pháp luật và đạo đức mà các chủ thể có liên quan phải tôn trọng và tuân thủ. trong đó, từ phương diện hoạt động của truyền thông, báo chí, các nguyên tắc và yêu cầu cơ bản là: (1) truyền thông, báo chí là phương tiện để các cơ quan có thẩm quyền thực hiện trách nhiệm giải trình hoạt động tư pháp; (2) truyền thông, báo chí là phương tiện để người dân thảo luận, bày tỏ chính kiến của mình đối với các hoạt động tư pháp; (3) truyền thông, báo chí là công cụ bảo đảm thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội đối với trách nhiệm giải trình các hoạt động tư pháp.
Như vậy, tuy là các lĩnh vực hoạt động khác nhau, song xuất phát từ mục tiêu chung đó là hướng tới việc xây dựng một xã hội tự do, dân chủ, quyền lực nhà nước phải được kiểm soát, hoạt động của các cơ quan trong hệ thống bộ máy nhà nước tuân thủ nguyên tắc liêm chính, công khai, minh bạch thì giữa hoạt động báo chí, truyền thông với việc thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước nói chung, các cơ quan tư pháp trong hoạt động tư pháp là có mối quan hệ tương hỗ, tác động qua lại lẫn nhau.
3. Nguyên tắc, yêu cầu của truyền thông, báo chí với trách nhiệm giải trình trong hoạt động tư pháp
3.1. Nguyên tắc của truyền thông, báo chí với trách nhiệm giải trình trong hoạt động tư pháp - tuân thủ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hoạt động của truyền thông, báo chí nói chung và truyền thông, báo chí với trách nhiệm giải trình hoạt động tư pháp nói riêng.
- Phản ánh một cách đầy đủ, chân thực, khách quan việc thực hiện trách nhiệm giải trình trong hoạt tư pháp.
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về các vi phạm pháp luật trong hoạt động truyền thông, báo chí về thực hiện trách nhiệm giải trình trong hoạt tư pháp.
- Tuân thủ sự liêm chính và quy tắc đạo đức nghề nghiệp người làm báo, truyền thông.
3.2. Yêu cầu của truyền thông, báo chí với trách nhiệm giải trình trong hoạt động tư pháp
- Bảo đảm các nội dung thông tin, tuyên truyền tuân thủ đúng theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về việc thực hiện trách nhiệm giải trình trong hoạt động tư pháp và trách nhiệm trong hoạt động nghề nghiệp của báo chí, truyền thông.
- Huy động đông đảo, đa dạng các loại hình báo chí, truyền thông tham gia vào hoạt động thông tin, truyền thông
về trách nhiệm giải trình trong hoạt động tư pháp.
- Đội ngũ cán bộ, nhà báo, người làm công tác truyền thông phải luôn có ý thức và trách nhiệm trau dồi nhận thức chính trị, kiến thức chuyên môn về yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, về lĩnh vực thực hiện trách nhiệm giải trình nói chung, trách nhiệm giải trình trong hoạt động tư pháp nói riêng.
- Bồi dưỡng, trau dồi đạo đức nghề nghiệp báo chí, truyền thông, đặc biệt là đạo đức liêm chính đáp ứng yêu cầu đặt ra trong hoạt động khai thác, phản ánh thông tin về trách nhiệm giải trình của các cơ quan trong hệ thống tư pháp và hoạt động tư pháp.
- Các cơ quan tư pháp, báo chí, truyền thông và các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội phải tạo điều kiện cho các nhà báo hoạt động nghề nghiệp cũng như bảo vệ các nhà báo trong quá trình tác nghiệp thông tin, tuyên truyền việc thực hiện trách nhiệm giải trình trong hoạt động tư pháp phù hợp với quy định của pháp luật.
- Cơ quan báo chí và nhà báo phải cải chính, xin lỗi và chịu trách nhiệm pháp lý trong trường hợp thông tin sai sự thật, không khách quan, toàn diện về các nội dung liên quan đến trách nhiệm giải trình trong hoạt động tư pháp.
- Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan báo chí, truyền thông với các cơ quan tư pháp nhằm tổ chức, thực hiện hiệu quả, nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền về trách nhiệm giải trình trong hoạt động tư pháp.
4. Nội dung và hình thức truyền thông, báo chí với trách nhiệm giải trình trong hoạt động tư pháp
4.1. Nội dung truyền thông, báo chí với trách nhiệm giải trình trong hoạt động tư pháp Nội dung truyền thông, báo chí với trách nhiệm giải trình trong hoạt tư pháp gắn liền với phạm vi các vấn đề thuộc trách nhiệm giải trình của các cơ quan tư pháp trong hoạt động tư pháp theo quy định của pháp luật.
Căn cứ vào vào tính chất của trách nhiệm giải trình trong hoạt động tư pháp, nhóm các vấn đề thuộc đối tượng khai thác của truyền thông, báo chí bao gồm: Thông tin về trách nhiệm giải trình chính trị (giải trình trước đảng chính trị, trước các cơ quan nhà nước khác đối với việc thực thi quyền lực của mình); thông tin về trách nhiệm giải trình pháp lý (trách nhiệm giải trình đối với những vi phạm trong quá trình thực hiện hoạt động tư pháp, tố tụng); thông tin về trách nhiệm giải trình nội bộ (giải trình trong nội bộ hệ thống cơ quan tư pháp); thông tin về trách nhiệm giải trình nghề nghiệp (giải trình có tính chất mặc định trong quá trình thực hiện hoạt động nghề nghiệp trong mối quan hệ tương tác nghề nghiệp, ví dụ tranh luận với các thành phần tham gia tố tụng); thông tin về trách nhiệm giải trình xã hội (theo nguyên tắc mọi phiên tòa đều phải diễn ra công khai, trừ các trường hợp do pháp luật quy định, thông qua các hoạt động tố tụng của đại diện cơ quan công tố, thẩm phán,… sẽ được công chúng theo dõi trực tiếp hoặc thông qua các phương tiện truyền thông, từ đó, có thể đánh giá về sự liêm chính, tính đúng đắn trong các quyết định của cơ quan tư pháp, tố tụng).
Căn cứ vào chủ thể giải trình trong hoạt động tư pháp, bao gồm: Trách nhiệm giải trình cá nhân (thẩm phán, công tố viên) và Trách nhiệm giải trình của cơ quan tư pháp (tòa án, Viện kiểm sát). Căn cứ vào phạm vi chủ thể tiếp nhận thông tin giải trình, bao gồm: Trách nhiệm giải trình trước các cơ quan trong hệ thống bộ máy nhà nước và hệ thống cơ quan tư pháp và Trách nhiệm giải trình trước các chủ thể trong xã hội.
Căn cứ vào tính chất của các quyết định do cơ quan tư pháp ban hành, thông tin về trách nhiệm giải trình bao gồm: (1) Cơ sở pháp lý của việc ban hành quyết định, thực hiện hành vi; (2) Thẩm quyền ban hành quyết định, thực hiện hành vi; (3) Trình tự, thủ tục ban hành quyết định, thực hiện hành vi; (4) Nội dung của quyết định, hành vi (Điều 3, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN).
Bên cạnh việc thông tin, tuyên truyền về các lĩnh vực thuộc phạm vi trách nhiệm giải trình trong hoạt động tư pháp theo quy định của pháp luật (giải trình công vụ), truyền thông, báo chí còn hướng tới việc đăng tải thông tin liên quan đến hoạt động gắn liền với chức năng, nhiệm vụ hoạt động của các cơ quan tư pháp (chuyên môn, nghiệp vụ,…).
Ví dụ: Các sự kiện, bài học từ thực tiễn hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp ở trung ương hay địa phương; các công trình nghiên cứu khoa học về tư pháp, tố tụng; thông tin về kinh nghiệm thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ quan tư pháp trong hoạt động tư pháp ở các quốc gia trên thế giới, v.v... Chính với các thông tin được chia sẻ rộng rãi, toàn diện về hoạt động tư pháp, tố tụng, của các cơ quan tư pháp như đã nêu góp phần quan trọng đối với việc tăng cường sự hiểu biết của các tầng lớp nhân dân về lĩnh vực hoạt động tư pháp, cũng từ đó giúp nâng cao chất lượng thực hiện trách nhiệm giải trình trong hoạt động tư pháp nói chung.
4.2. Hình thức truyền thông, báo chí với trách nhiệm giải trình trong hoạt tư pháp Hoạt động truyền thông, báo chí được thực hiện thông qua các hình thức do pháp luật quy định hoặc thừa nhận.
Trong bài viết này sẽ đề cập tới hai hình thức chủ yếu, đó là: Các loại hình báo chí theo quy định của Luật Báo chí và truyền thông xã hội.
4.2.1. Các loại hình báo chí theo quy định của Luật Báo chí năm 2016, báo chí là sản phẩm thông tin về các sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội thể hiện bằng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được sáng tạo, xuất bản định kỳ và phát hành, truyền dẫn tới đông đảo công chúng thông qua các loại hình báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử. Có các loại hình báo chí như sau: Báo in, Báo nói, Báo hình, Báo điện tử, tác phẩm báo chí, Sản phẩm báo chí, Bản tin thông tấn, Chương trình phát thanh, Chương trình truyền hình, Kênh phát thanh, Kênh truyền hình, Phụ trương, trang chủ, Chuyên trang của báo điện tử, tạp chí điện tử, tạp chí khoa học, Sản phẩm thông tin có tính chất báo chí,
Bản tin, Đặc san, trang thông tin điện tử tổng hợp.
Căn cứ vào đặc điểm của mỗi loại hình báo chí mà có sự khác nhau về tính chất, phạm vi, phương thức cũng như hiệu quả thông tin, tuyên truyền về trách nhiệm giải trình trong hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp. Đơn cử, với các loại hình báo chí như Báo hình sẽ góp phần cung cấp nhanh, sinh động (tính trực quan) về hoạt động giải trình của các cơ quan tư pháp trong hoạt động tư pháp (ví dụ Giải trình của Chánh án tòa án nhân dân tối cao tại kỳ họp của Quốc hội được phát sóng trực tiếp trên VTV1 sẽ có hiệu ứng thông tin ngay lập tức). Với Báo in lại có hiệu quả trong việc chuyển tải một cách đầy đủ, chi tiết các nội dung trong báo cáo trách nhiệm giải trình của các cơ quan tư pháp, giúp các chủ thể có liên quan hoặc quan tâm có cơ sở để theo dõi, tra cứu, đánh giá, góp ý, phản biện. Với các Tạp chí khoa học, Tạp chí điện tử lại có thế mạnh trong việc đăng tải các trao đổi có tính chất học thuật, nghiên cứu chuyên sâu góp phần không chỉ cung cấp thông tin mà còn đưa ra các kết quả nghiên cứu khoa học, khuyến nghị khoa học, nhất là đối với lĩnh vực xây dựng và hoàn thiện thể chế về thực hiện trách nhiệm giải trình trong hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp. Với Bản tin, Trang thông tin điện tử tổng hợp tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí trực thuộc các cơ quan tư pháp đăng tải các thông tin để công khai, giải trình hoạt động của cơ quan làm cơ sở cho các cơ quan, tổ chức hữu quan, công chúng tiếp cận.
4.2.2. Truyền thông xã hội truyền thông (Media) được hiểu theo nghĩa phổ biến nhất là quá trình chia sẻ, trao đổi và tương tác thông tin giữa các thành viên trong xã hội. Dưới góc độ phương tiện chia sẻ, giao tiếp thông tin, truyền thông bao gồm: truyền thông đại chúng; truyền thông kỹ thuật số; Phương tiện truyền thông điện tử; truyền thông đa phương tiện; truyền thông xã hội.
Truyền thông xã hội (Social Media)(13) là công cụ truyền thông được thiết kế dựa trên nền tảng internet nhằm khai thác, chia sẻ thông tin cho cộng đồng thành viên. Với sự phát triển hết sức mạnh mẽ của truyền thông xã hội như hiện nay(14) đang cho thấy tính ưu việt của nó khi đáp ứng nhu cầu về thông tin nhanh chóng, trực tiếp, công khai, sinh động, đa dạng và nhất là cơ hội được tự do bày tỏ ý chí, quan điểm, mong muốn của từng chủ thể tham gia. Cũng chính bởi lẽ đó, không chỉ có các cá nhân, các tổ chức thương mại, hội đoàn mà kể cả các cơ quan công quyền, các chính khách (trên thế giới và ngay ở Việt Nam) đều tham gia rộng rãi vào truyền thông xã hội. Thông tin về hoạt động và thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ quan công quyền nói chung, các cơ quan tư pháp nói riêng cũng không nằm ngoài xu thế chung nói trên.
Tuy nhiên, thực tế cũng đang cho thấy là, việc đăng tải thông tin trên truyền thông xã hội, bên cạnh các giá trị tích cực đồng thời luôn ẩn chứa các yếu tố rủi ro, khó kiểm soát. Mặc dù Nhà nước đã có các quy định pháp luật nhằm xác lập môi trường an ninh thông tin trên truyền thông xã hội(15), song trong quá trình thông tin việc xảy ra các sai phạm là điều khó tránh khỏi. Các sai phạm này càng đặc biệt có tác động tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng khi các thông tin được đăng tải trên truyền thông xã hội không chính xác, toàn diện, đầy đủ, nguồn tin không chính thống (ví dụ hiện tượng thông tin về hoạt động truy tố, xét xử trong các vụ án về kinh tế, tham nhũng xuất hiện trong thời gian vừa qua).
5. Phương thức truyền thông, báo chí với trách nhiệm giải trình trong hoạt tư pháp
Có các phương thức tổ chức truyền thông, báo chí về trách nhiệm giải trình trong hoạt tư pháp chủ yếu sau:
5.1. Các cơ quan tư pháp trực tiếp thực hiện yêu cầu công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình thông qua các loại hình, phương tiện báo chí, truyền thông của ngành, cơ quan tư pháp như: Báo (báo in, báo điện tử), trang thông tin điện tử; tạp chí nghiên cứu khoa học, Bản tin,… và một số hình thức khác như họp báo, thông cáo báo chí,(16)... Qua nghiên cứu thực tế cho thấy, các cơ quan, tổ chức và người dân đặc biệt quan tâm đối với các thông tin được đăng tải công khai trên các phương tiện, loại hình báo chí của cơ quan, ngành tư pháp bởi tính toàn diện, đầy đủ, trực tiếp (tin nguồn), độ chân thực của thông tin được cung cấp(17).
5.2. Truyền thông, báo chí về trách nhiệm giải trình trong hoạt tư pháp được thực hiện bởi cộng đồng báo chí và truyền thông của các tổ chức, cá nhân trong xã hội (đây là hoạt động thông tin về trách nhiệm giải trình trong hoạt động tư pháp do các cơ quan báo chí, truyền thông không thuộc hệ thống cơ quan tư pháp thực hiện). Đơn cử, các
chương trình truyền hình, phát song trên VTV, VOV, TTXVN, truyền hình Quốc hội,… về các phiên chất vấn, báo cáo giải trình của lãnh đạo các ngành tòa án, Viện kiểm sát tại các kỳ họp của Quốc hội; Chương trình tọa đàm chính sách trên VTV, VOV, truyền hình Quốc hội; Các chuyên mục về phổ biến, giải đáp chính sách, pháp luật,… trên nhiều phương tiện báo chí của các cơ quan trung ương và địa phương;…
Có thể nói, phương thức truyền thông, báo chí như nêu trên hiện đang chiếm một tỷ lệ lớn về số lượng, tần suất và nhất là sự quan tâm của công luận. Nếu như các thông tin hoạt động tư pháp do các cơ quan tư pháp đăng tải trên các phương tiện truyền thông, báo chí theo quy định của pháp luật thường mang tính công bố, giải thích chính sách, quyết định tư pháp của cơ quan hữu quan thì thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng hoặc của các cơ quan, tổ chức ngoài hệ thống cơ quan tư pháp, tố tụng thường có xu hướng khách quan, tiếp cận đa chiều và nhất là luôn có các phân tích, đánh giá, góp ý đối với các chính sách, quyết định tư pháp mà các cơ quan tư pháp, tố tụng hoàn toàn có thể nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện chính sách hoặc góp phần tăng cường tính đúng đắn của các quyết định tư pháp. Về vấn đề này, PGS. TS. Nguyễn Hòa Bình, Chánh án tòa án nhân dân tối cao có nhận định: “Trong điều kiện truyền thông và internet phát triển mạnh mẽ cũng hỗ trợ tích cực cho đoán định tư pháp, cung cấp kịp thời nhiều thông tin về vụ án, thậm chí đăng tải các ý kiến nhiều chiều từ các nhà chuyên môn… đã đóng góp tiếng nói chuyên môn bổ ích, có giá trị tham khảo không chỉ đối với những người dân tham gia đoán định tư pháp, mà còn đối với những người đang được giao trách nhiệm giải quyết vụ án”(18).
Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, các thông tin hoạt động tư pháp do các cơ quan tư pháp đăng tải trên các phương tiện báo chí và truyền thông của các tổ chức, cá nhân trong xã hội luôn ẩn chứa các hệ lụy bởi tính thiếu toàn diện, xác thực và nhất là tính khách quan, đúng đắn trong truyền thông về các hoạt động tư pháp. Do đó, từ phía các cơ quan tư pháp (là cơ quan thực hiện trách nhiệm giải trình), các cơ quan quản lý báo chí, truyền thông, các cơ quan báo chí, các tổ chức quản trị các mạng xã hội và công chúng luôn cần có sự phối hợp nhằm kiểm soát thông tin, sớm để có các biện pháp chấn chỉnh, khắc phục, xử lý theo quy định của pháp luật.
(1) James Madison Jr. (1751-1836): tổng thống thứ tư của Hoa Kỳ, từ năm 1809 đến năm 1817. Madison được ca ngợi là “Cha đẻ của Hiến pháp” vì vai trò then chốt trong việc soạn thảo và thúc đẩy Hiến pháp Hoa Kỳ và tuyên ngôn Nhân quyền.
(2) Nguồn: http://vienphapluat.vn/giai-phap-dam-bao-cong-khai-minh-bach-va-trach-nhiem-giai-trinh-cua-coquan-hanh-chinh-nha-nuoc-nd114613.html.
(3) Luật Báo chí năm 2016 quy định, báo chí: “Là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp” (Khoản 1, Điều 4).
(4) trên phương diện này, có quan niệm cho rằng báo chí là “quyền lực thứ tư” (the Fourth Estate). Học giả Alexis de tocqueville, trong tác phẩm De la démocratie en Amérique (1833), xác định bốn quyền lực trong xã hội gồm: 1. Quyền lực trung ương (pouvoir fédéral, cấp liên bang), với sự phân nhiệm thành quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp; 2. Quyền lực địa phương (pouvoirs fédérées, cấp tiểu bang); 3. Quyền lực vận động hành lang (lobbies, tranh thủ lá phiếu); 4. Quyền lực của báo chí, truyền thông (presse).
(5) tháng 6/1925, Việt Nam Cách mạng thanh niên - tổ chức yêu nước đầu tiên đi theo con đường cách mạng vô sản ra đời, đồng thời xuất bản Báo thanh niên làm cơ quan ngôn luận. Ngày 21/6/1925, số báo đầu tiên ra đời. Tiếp đó, trong năm 1929, đã có 4 tờ báo lần lượt ra đời (Báo Búa liềm, Báo Lao động, tạp chí Công hội đỏ và Báo Đỏ) là cơ quan ngôn luận của các tổ chức cách mạng tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 05/8/1930, trung ương Đảng cho xuất bản tạp chí Đỏ, đây là tạp chí đầu tiên của Đảng và là tờ báo đầu tiên trong hệ thống báo chí của Đảng sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Chỉ 10 ngày sau đó, Báo Đấu tranh được xuất bản, làm cơ quan ngôn luận của trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1931, Đảng xuất bản Báo Cờ vô sản và tạp chí Cộng sản. Báo chí trong giai đoạn này đóng vai trò quan trọng trong việc phát động cao trào cách mạng chống thực dân, phong kiến, mà đỉnh điểm là cao trào Xô viết Nghệ tĩnh 1930-1931. trong những năm 1936-1939, trung ương Đảng thành lập tờ Dân chúng. Ngày 01/8/1941 Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam, thành lập Mặt trận Việt Minh, đồng thời, sáng lập ra Báo Việt Nam độc lập. tháng 01/1942 thành Báo Cứu quốc và tháng 10/1942 thành lập Báo Cờ giải phóng.
(6) Ngày 06/9/1945 thành lập ttXVN (lúc đó mang tên Việt Nam thông tấn xã). Ngày 07/9/1945, Đài tiếng nói Việt Nam chính thức ra đời. Báo “Sự thật” (tiền thân Báo Nhân Dân ngày nay) là tờ báo thay thế tờ “Cờ giải phóng”, phát hành ngày 05/12/1945. Ngày 05/12/1945, Báo Sự thật (tiền thân của tờ báo Nhân dân ngày nay) ra đời. trong thời kỳ toàn quốc kháng chiến, báo chí trung ương cũng như địa phương tập trung tuyên truyền, đăng tải các văn kiện của Đảng, các bài nói và viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng. Hoạt động tích cực nhất là các báo Nhân dân, tạp chí Cộng sản, tạp chí sinh hoạt nội bộ, Quân đội nhân dân…
(7) tác phẩm do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết năm 1947, lấy bút danh X.Y.Z, được Nxb. Sự thật in lần đầu năm 1948.
(8) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. CtQG, H. 2011, t.5, tr.309.
(9) theo PGS. tS. trần Văn Độ: “Hoạt động tư pháp thuộc lĩnh vực khép kín, ít phải đối mặt với sự giám sát của người dân so với các lĩnh vực khác. Pháp luật hiện nay chưa có những quy định cơ chế cụ thể về giám sát từ bên ngoài của quần chúng nhân dân đối với hoạt động tư pháp”, Nguồn: https://tapchitoaan.vn/doi-moi-tochuc-toa-an-va-co-che-kiem-tra-giam-sat-tu-ben-ngoai-doi-voi-hoat-dong-tu-phap.
(10) theo thS. Lê thị thúy: “Chỉ nên quan niệm quyền tư pháp là quyền có nội dung cốt lõi là xét xử, đưa ra phán quyết đối với các tranh chấp và các hành vi vi phạm. Từ đó, có thể xác định nội dung căn bản của hoạt động tư pháp chính là hoạt động xét xử của tòa án và khi đề cập đến cơ quan tư pháp tức là đang đề cập đến tòa án và các thẩm phán thực hiện chức năng xét xử… Hoạt động tư pháp được hiểu là hoạt động xét xử của tòa án”. Nguồn: http://www.issi.gov.vn/trach-nhiem-giai-trinh-cua-co-quan-tu-phap_t164c2716n3162tn.aspx?currentpage=1 Hoặc theo Quyết định số 08-/2007/QĐ-BtP, ngày 16/7/2007 của Bộ tư pháp về ban hành Quy tắc công khai, minh bạch trong các lĩnh vực hoạt động của ngành tư pháp, thì khái niệm hoạt động tư pháp được sử dụng để chỉ các hoạt động trong lĩnh vực của ngành tư pháp.
(11) Hiến pháp năm 2013: “thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm” (Điều 103, Khoản 3). Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015: “thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm. Cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm dưới bất kỳ hình thức nào thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phaṃ hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật” (Điều 23).
(12) F.K.Zenmans: Public access: Ultimate Guardian of Fainenss in Our Justice System, Judicature 4, 1996, 173-175.
(13) Hiện tại đang tồn tại song song hai thuật ngữ là truyền thông xã hội và mạng xã hội. Về mặt nội hàm, thuật ngữ social media được vận dụng trong thực tế rộng hơn social network, song nhìn chung hai thuật ngữ trên đề cùng bản chất về mặt công nghệ và có thể được dùng thay thế trong lĩnh vực nghiên cứu và hoạt động truyền thông. Điều 3, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng quy định: Mạng xã hội là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác”.
(14) theo một số liệu thống kê đến tháng 01/2021 cho thấy: Facebook (2,74 tỷ người dùng); Youtube (2,29 tỷ người dùng); WhatsApp (2 tỷ người dùng); Facebook Messenger (1,3 tỷ người dùng; Instagram (1,22 tỷ người dùng); Whatsapp (1,21 tỷ người dùng); tiktok (689 triệu người dùng); QQ (617 triệu người dùng); Douyin (600 triệu người dùng); Weibo trung Quốc (511 triệu người dùng) - (Nguồn: https://luatduonggia.vn/truyen-thong-xa-hoi-la-gi-giam-sat-truyen-thong-xa-hoi/). Ở Việt Nam, tính đến đầu năm 2021, có 68,72 triệu người sử dụng internet, chiếm 70,3% dân số. từ cuối năm 2020 đến tháng 10/2021, lưu lượng internet tại Việt Nam tăng hơn 30% (Nguồn: https://vnexpress.net/internet-viet-nam-dang-o-dauso-voi-the-gioi-4405005.html).
(15) Luật An ninh mạng năm 2018, Luật tiếp cận thông tin năm 2016, Luật Bí mật nhà nước năm 2018,…
(16) Viện kiểm sát nhân dân tối cao có các cơ quan báo chí: tạp chí Kiểm sát, Báo Bảo vệ pháp luật, trang thông tin điện tử. Tòa án nhân dân tối cao có các cơ quan báo chí: Báo Công lý, tạp chí tòa án nhân dân, truyền hình tòa án nhân dân, Cổng thông tin điện tử.
(17) Theo số liệu của tS. Nguyễn thị thu thủy, Viện Nhà nước pháp luật cung cấp: “tòa án nhân dân tối cao đã thực hiện công bố bản án trên Cổng thông tin điện tử, xây dựng trang thông tin điện tử của tòa án nhân dân tối cao bằng tiếng Việt và tiếng Anh, trang tin tương trợ tư pháp giao diện tiếng Việt và tiếng Anh; 66 trang thông tin điện tử của các tòa án nhân dân cấp cao và tòa án nhân dân cấp tỉnh cũng đã được xây dựng; tạp chí tòa án nhân dân, Báo Công lý, Cổng thông tin điện tử tòa án nhân dân tối cao”; “từ ngày 01/7/2017, tòa án nhân dân các cấp đã thực hiện việc công bố các bản án, quyết định của tòa án mình trên cổng thông tin điện tử của tòa án. tính đến ngày 19/11/2021, đã có 769.062 bản án, quyết định của tòa án được công bố, trong đó dân sự (127.910), hôn nhân và gia đình (392.234), kinh doanh, thương mại (13.665), lao động (3.103), quyết định tuyên bố phá sản (69). Nguồn: tạp chí Công thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 26, tháng 11/2021.
(18) Nguồn: https://tapchitoaan.vn/quyet-dinh-tu-phap-va-doan-dinh-tu-phap-cua-nguoi-dan-pham-tru-phap-lymoi-can-quan-tam-trong-thuc-tien-phap-ly-nuoc-ta?fbclid=IwAR0rzi1H5bWz2BSHCizZnxKI3WBhdSprd83sUkC4VRXSCOmPKcBchElk9TQ
|
(Bài 2: Thực trạng thể chế và hoạt động của truyền thông, báo chí với trách nhiệm giải trình trong hoạt động tư pháp và một số giải pháp kiến nghị).
TS. Trương Hồng Hải
(Ban Nội chính Trung ương)