Sáng 19/4, tại thành phố Nha Trang, Tỉnh ủy Khánh Hòa phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “70 năm Chiến thắng Vườn Gòn-Đá Bàn (20/4/1953-20/4/2023)-Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao; các Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; tướng lĩnh, sỹ quan quân đội, lão thành cách mạng, nhân chứng lịch sử, cựu chiến binh, nhà khoa học trong, ngoài quân đội cùng các nhà nghiên cứu tham dự hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa nhấn mạnh Chiến thắng Vườn Gòn-Đá Bàn đã đi vào trang sử hào hùng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên chiến trường Khánh Hòa, minh chứng tiêu biểu cho ý chí quyết chiến, quyết thắng, tinh thần cách mạng tiến công của quân và dân toàn tỉnh.
Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Vườn Gòn-Đá Bàn cũng là mốc thời gian để chúng ta cùng nhìn lại, tìm hiểu, nghiên cứu đầy đủ hơn, sâu sắc hơn, làm sáng tỏ những vấn đề lý luận, thực tiễn; qua đó khẳng định chủ trương đúng đắn trong xây dựng lực lượng vũ trang địa phương trên chiến trường Nam Trung Bộ và vai trò xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Ngày 18/4/1953, địch huy động một đội binh hỗn hợp Âu-Phi và ngụy quân với hơn 4.000 quân có đầy đủ hỏa lực yểm trợ tiến vào chiến khu Đá Bàn - căn cứ kháng chiến của tỉnh Khánh Hòa (xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa) nhằm phá căn cứ, tiêu diệt lực lượng chủ lực của ta.
Do nắm được ý định của địch, ta đã chủ động có kế hoạch từ trước. Tại căn cứ chiến khu, ta sử dụng một lực lượng nhỏ ngăn chặn địch, lực lượng còn lại vòng ra ngoài phục kích tại khu vực từ “Sở Thằng Lô” (đồn điền cũ của người Pháp) đến Vườn Gòn (xã Ninh Sơn) làm điểm quyết chiến.
Bên trong chiến khu Đá Bàn, ta đánh địch từ xa bằng hầm chông, mìn gài sẵn, gây cho địch nhiều tổn thất.
Kết quả trận này, ta diệt gọn khoảng hơn 400 tên địch, thu hơn 100 súng các loại cùng các trang bị khác.
Đến khoảng 17 giờ ngày 20/4, trận Vườn Gòn kết thúc, tướng Le Blance thất trận, ta làm chủ hoàn toàn trận địa.
Chiến thắng Vườn Gòn-Đá Bàn đã vinh danh những chiến sỹ anh hùng, trong đó có ông Nguyễn Lựu, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 59 - nguyên chiến sỹ du kích Ba Tơ anh hùng.
Ông là người chỉ huy mưu trí, sáng tạo, anh dũng, gan dạ trong chiến đấu, gần gũi thương yêu cấp dưới, gắn bó máu thịt với nhân dân và tôn trọng sự lãnh đạo của tổ chức Đảng.
Ông đã chỉ huy Tiểu đoàn 59 đánh thắng hàng trăm trận, có những chiến công đã đi vào lịch sử quân sự Việt Nam và lịch sử Đảng bộ các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.
Trao đổi tại hội thảo, Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết Chiến thắng Vườn Gòn-Đá Bàn là sự kết hợp chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương cùng dân quân du kích; là sự nắm chắc địa bàn, tận dụng địa hình có lợi, bố trí trận địa phục kích. Đó là sự phát huy sức mạnh của cách đánh Việt Nam kết hợp giữa con người và vũ khí, nhất là dựng nên thế trận chông mìn, cạm bẫy, tạo thành "thiên la địa võng" chiến tranh nhân dân đánh địch hiệu quả.
Thượng tướng, Phó giáo sư, tiến sỹ Võ Tiến Trung - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Quân ủy Trung ương, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng cho rằng Chiến thắng Vườn Gòn-Đá Bàn và việc tiêu diệt nhiều lực lượng địch đã giáng một đòn mạnh mẽ, làm thất bại kế hoạch bình định, chiêu an dồn dân, tập trung lúa gạo của địch; đánh bại cuộc hành quân càn quét của địch với quy mô lớn, hiệp đồng quân binh chủng, vũ khí, trang bị hiện đại… Thắng lợi của trận đánh có hiệu quả lớn, phá tan ý định càn quét của địch cho đến khi Hiệp định Geneva được ký kết.
Nhiều tham luận trực tiếp, các ý kiến thảo luận của nhà khoa học và các chuyên gia tại hội thảo, trong đó có nhiều ý kiến sâu sắc, ý nghĩa, bảo đảm tính Đảng, tính lịch sử, khách quan, khoa học, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề, sự kiện mới, đúc kết truyền thống đấu tranh anh dũng và những bài học kinh nghiệm được rút ra qua Chiến thắng Vườn Gòn-Đá Bàn, từ đó, vận dụng vào thực tế xây dựng “thế trận lòng dân,” thế trận chiến tranh nhân dân, nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.
Đặng Anh Tuấn (TTXVN/Vietnam+)