Sign In

Giao ban đánh giá tình hình văn học, nghệ thuật quý I/2023

01:00 19/04/2023
(TG) - Sáng 19/4, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội nghị Giao ban quý I/2023 với Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam và các Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương.

Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm phát biểu.

Chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam.

CÁC ĐƠN VỊ NGHỆ THUẬT TỪNG BƯỚC ĐƯỢC PHỤC HỒI, SÂN KHẤU TRUYỀN THỐNG CÓ NHIỀU KHỞI SẮC

Báo cáo tình hình công tác văn học, nghệ thuật (VHNT) và hoạt động của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (Liên hiệp Hội), các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương (Hội chuyên ngành) quý I/2023, đồng chí Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho biết: Quý I/2023, trên cả nước, các hoạt động sáng tạo, biểu diễn, quảng bá các tác phẩm VHNT diễn ra sôi nổi, với các hình thức phong phú, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ đa dạng của công chúng. Những cuộc liên hoan, triển lãm toàn quốc và từng khu vực do Liên hiệp và các Hội VHNT tổ chức đã góp phần quan trọng vào thúc đẩy sáng tạo và xây dựng phong trào. Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phối hợp với Cục Điện ảnh, Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức thành công chuỗi các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Nhiếp ảnh và Điện ảnh cách mạng Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2023), tạo ấn tượng sâu đậm trong hội viên và công chúng yêu nhiếp ảnh, điện ảnh cả nước.

Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ Nguyễn Minh Nhựt báo cáo tình hình công tác VHNT và hoạt động của Liên hiệp Hội và các Hội chuyên ngành Trung ương quý I/2023.

Các đơn vị nghệ thuật từng bước được phục hồi, các loại hình nghệ thuật đã có những tìm tòi, đổi mới đáng trân trọng, sân khấu truyền thống, điển hình là cải lương, có nhiều khởi sắc. Nhiều tác phẩm được in ấn, triển lãm, biểu diễn, nhiều chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp được dàn dựng công phu, có chất lượng. Phong trào VHNT quần chúng ở cơ sở cũng được quan tâm, đầu tư, góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, nghệ thuật truyền thống của các dân tộc.

Trong thời gian qua, Liên hiệp Hội và các Hội chuyên ngành đã xây dựng các chương trình, kế hoạch đưa tác phẩm VHNT đến với công chúng, nhất là công chúng trẻ, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm về đề tài “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tiếp tục được Liên hiệp Hội và các Hội chuyên ngành, các đơn vị nghệ thuật hưởng ứng,tham gia tích cực. Báo chí, truyền thông, mạng internet tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo, tạo lập diễn đàn, góp phần đa dạng hóa các kênh thông tin, truyền tải VHNT đến với đông đảo công chúng. Công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực VHNT cũng được các Hội chuyên ngành đầu tư triển khai với những chương trình, đề án cụ thể.

Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú phát biểu.

Hoạt động lý luận, phê bình VHNT tiếp tục được Liên hiệp Hội và các Hội chuyên ngành quan tâm, chú trọng. Hội đồng Lý luận phê bình do Liên hiệp Hội thành lập đi vào hoạt động ổn định, tham gia tích cực, hiệu quả vào công tác phản biện, xét giải thưởng, triển khai các đề tài, hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt chuyên môn. Công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế được tăng cường, thúc đẩy với những sáng kiến thiết thực. Nhiều hội tổ chức thành công các cuộc thi, giao lưu, liên hoan nghệ thuật quốc tế và khu vực tại Việt Nam, tích cực cử đoàn, gửi tác phẩm  tham dự các hoạt động VHNT tại nước ngoài, góp phần quảng bá VHNT Việt Nam ra thế giới.

TĂNG CƯỜNG QUẢNG BÁ, GIỚI THIỆU VHNT VIỆT NAM RA NƯỚC NGOÀI

Báo cáo chuyên đề “Tăng cường quảng bá, giới thiệu VHNT Việt Nam ra nước ngoài” đồng chí Trần Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Giai đoạn từ năm 2015 đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức hơn 20 chương trình văn hóa, nghệ thuật phục vụ các chuyến thăm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến các nước; tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại nước ngoài với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; thiết kế trang phục cho lãnh đạo cấp cao; xây dựng bộ nhận diện hình ảnh, triển khai công tác quảng bá trực quan.... tại các sự kiện quốc tế lớn tổ chức tại Việt Nam, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thân thiện, mến khách, nêu bật được tinh thần chủ động, thể hiện vai trò của Việt Nam là đối tác tin cậy, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Phó cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Trần Hải Vân báo cáo chuyên đề “Tăng cường quảng bá, giới thiệu VHNT Việt Nam ra nước ngoài”.

Thời gian qua, chúng ta cũng đã tổ chức 60 sự kiện Tuần/Ngày Văn hóa Việt Nam, các hoạt động văn hóa đối ngoại của Việt Nam… với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, được đầu tư tổ chức quy mô, có trọng tâm, trọng điểm nhân dịp kỷ niệm năm chẵn, năm tròn quan hệ ngoại giao với các nước, tiêu biểu như Năm chéo Pháp - Việt (2013-2014), Năm chéo Việt - Nga, Năm Đoàn kết hữu nghị Việt - Lào 2022, Việt Nam - Campuchia 2022, chuỗi chương trình văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Tây Ban Nha... Nhờ vậy đã gắn kết chặt chẽ và thu hút hàng trăm nghìn khán giả tham dự tại mỗi lễ hội hàng năm, tạo thành thương hiệu đặc biệt của văn hóa Việt Nam với khán giả, công chúng tại các quốc gia này, góp phần quan trọng tăng trưởng thu hút khách du lịch...

Công tác trưng bày, bảo tàng thời gian qua đã được quan tâm, tạo nhiều dấu ấn lớn thông qua triển lãm cổ vật tại Bảo tàng Guimet, Pháp, “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” tại Đức trong gần 2 năm, hay trưng bày tại Bảo tàng Hermitage danh tiếng của Nga, triển lãm cổ vật Việt Nam tại Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc… Qua những sự kiện đó, hình ảnh đất nước Việt Nam hòa bình, có chiều sâu văn hóa, phát triển năng động, thân thiện, mến khách dần trở nên quen thuộc với bạn bè quốc tế, góp phần thu hút đầu tư, tăng trưởng khách du lịch.

Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Trần Ly Ly phát biểu.

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương, Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương… đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm nhằm làm rõ hơn những nội dung, kết quả và những hạn chế vướng mắc chưa làm được của Liên hiệp Hội cũng như các Hội chuyên ngành trong thời gian vừa qua, đồng thời đề ra những phương hướng, nhiệm vụ quý II và các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động VHNT trong thời gian tới…

SỚM XÂY DỰNG KẾ HOẠCH TỔNG THỂ 50 NĂM NỀN VHNT VIỆT NAM SAU NGÀY THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC

Kết luận Hội nghị, thay mặt Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Phó trưởng ban Trần Thanh Lâm ghi nhận, trân trọng và biểu dương những kết quả mà Liên hiệp Hội và các Hội chuyên ngành đã đạt được trong thời gian qua. Để tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, từng bước khắc phục những khó khăn, hạn chế, Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị thời gian tới, Liên hiệp Hội và các Hội chuyên ngành cùng các đơn vị liên quan bám sát tình hình thực tiễn, tiếp tục tập trung, phối hợp triển khai thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc, đầy đủ các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về văn hóa, VHNT đến đông đảo đội ngũ văn nghệ sĩ; đặc biệt là kết quả Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và bài phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị, từ đó vận dụng, cụ thể hóa sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng thành các chương trình, đề án, kế hoạch hoạt động của đơn vị; nghiên cứu, quán triệt và thực hiện có hiệu quả các nội dung của Hướng dẫn 66-HD/BTGTW, ngày 8/8/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc triển khai thực hiện Kết luận của Ban Bí thư Trung ương về việc phân công theo dõi, chỉ đạo các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.

Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm phát biểu kết luận Hội nghị.

Hai là, Liên hiệp Hội và các Hội chuyên ngành cần tích cực, chủ động, thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 215-KH/BTGTW, ngày 10/11/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới, coi đây là đợt sinh hoạt chính trị, chuyên môn quan trọng của Liên hiệp Hội, các Hội chuyên ngành và các tổ chức thành viên, qua đó tổng kết, đánh giá để kiến nghị với Đảng, Nhà nước về những vấn đề lớn, trọng tâm trong phát triển VHNT thời gian tới. Đặc biệt, Liên hiệp Hội và các Hội chuyên ngành cần bám sát các hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương, sớm xây dựng kế hoạch tổng thể để tổng kết 50 năm nền VHNT Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước, phân công trách nhiệm, xác định rõ nhiệm vụ, nội dung, sản phẩm của Liên hiệp Hội và từng Hội chuyên ngành cần thực hiện; tăng cường công tác thông tin, truyền thông, thông qua các hình thức phù hợp, thiết thực, hiệu quả; phát động phong trào thi đua sáng tác trong toàn khối để hưởng ứng sự kiện quan trọng này.

Ba là, trên cơ sở các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, hướng dẫn của Trung ương, các thông báo kết luận của Ban Tuyên giáo Trung ương về công tác văn hóa, VHNT, Liên hiệp Hội và các Hội chuyên ngành tiếp tục rà soát lại nội dung hoạt động, bổ sung, hoàn thiện chương trình công tác năm 2023; kiện toàn tổ chức nhân sự các đơn vị trực thuộc theo đúng quy định; xây dựng, hoàn thiện quy chế, quy định làm việc, quy chế phối hợp trong hoạt động; quan tâm, chú trọng công tác bồi dưỡng cán bộ, có đề án cụ thể để chuẩn bị tốt công tác quy hoạch cán bộ chủ chốt của hội chuyên ngành (giai đoạn 2025-2030); từng bước đổi mới mô hình, phương thức hoạt động của các hội, khơi dậy mọi tiềm năng, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các hội theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông phát biểu.

Bốn là, Liên hiệp Hội cần chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị tốt lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (25/7/1948 - 25/7/2023); hướng dẫn, đôn đốc các hội VHNT địa phương, các chi hội trực thuộc tổ chức các hoạt động chào mừng các sự kiện chính trị, ngày lễ lớn của đất nước; động viên văn nghệ sĩ tích cực tham gia hưởng ứng sáng tạo các tác phẩm VHNT nhân dịp kỷ niệm 50 năm nền VHNT Việt Nam sau thống nhất; cổ vũ sáng tạo các tác phẩm về đề tài thông tin đối ngoại, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…

Năm là, phát huy tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ văn nghệ sĩ, Liên hiệp Hội và các Hội chuyên ngành tiếp tục tăng cường vai trò tư vấn, phản biện xã hội, tham gia tích cực cùng các bộ, ngành liên quan trong xây dựng các văn bản hướng dẫn thực thi pháp luật, kiến nghị các cơ chế, chính sách, từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo hành lang pháp lý cho VHNT phát triển. Liên hiệp Hội và các Hội chuyên ngành tiếp tục quan tâm, đầu tư có chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm cho hoạt động thông tin, tuyên truyền; cho công tác lý luận, phê bình; tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ động đấu tranh, phản các các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực VHNT.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam Đỗ Hồng Quân phát biểu.

Sáu là, giao Vụ Văn hóa - Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) làm đầu mối, phối hợp chặt chẽ với Liên hiệp Hội và Hội chuyên ngành Trung ương cùng các cơ quan có liên quan để tiếp nhận và xử lý các đề xuất, kiến nghị của Liên hiệp Hội và các Hội chuyên ngành, báo cáo Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương về những khó khăn, vướng mắc; sớm hoàn thiện Quy chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong xử lý những vấn đề phức tạp, nhạy cảm trong lĩnh văn hóa, VHNT trình Lãnh đạo Ban cho ý kiến; tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng công tác giao ban hàng Quý với Liên hiệp Hội, các Hội chuyên ngành Trung ương 03 tháng/lần./.

Tin, ảnh: THẾ HOÀNG

Tag:

File đính kèm