Sign In

"Lửa nghề" ở nơi đầu ngành về huấn luyện và sử dụng cảnh khuyển

09:50 13/04/2024

Chỉ còn ít ngày nữa là đến Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ hai, CBCS và chó nghiệp vụ của Trung tâm Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ, Bộ Tư lệnh CSCĐ vẫn miệt mài luyện tập phục vụ diễu binh, diễu hành. Những chú chó tinh nghịch đang chạy nhảy, khi nghe khẩu lệnh và tiếng vỗ tay của cán bộ huấn luyện lập tức vào hàng, ngồi trật tự bên chủ nhân...

Những người bạn đồng hành đặc biệt

Trung tâm Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ (Trung tâm) là đơn vị nghiệp vụ đặc thù của Bộ Công an, có trách nhiệm giúp Tư lệnh CSCĐ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ; tổ chức huấn luyện động vật nghiệp vụ; tổ chức chăn nuôi, bảo vệ sức khỏe động vật nghiệp vụ; trang bị động vật nghiệp vụ cho Công an các đơn vị, địa phương; trực tiếp sử dụng động vật nghiệp vụ tham gia đấu tranh, phòng, chống tội phạm theo quy định của Bộ Công an.

CBCS Trung tâm huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ cùng chó nghiệp vụ huấn luyện kỹ chiến thuật truy bắt tội phạm.

Thượng tá Dương Đình Đoàn, Giám đốc Trung tâm cho biết, ra đời cách đây 65 năm, từ một tổ C thuộc trường Công an Trung ương, trải qua nhiều giai đoạn lớn mạnh và trưởng thành, hiện Trung tâm gồm 7 đầu mối trực thuộc, trong đó 5 Đội (Tham mưu, tổng hợp; Huấn luyện; Sử dụng động vật nghiệp vụ; Chăn nuôi, thú y; Hậu cần), Cơ sở II tại TP Hồ Chí Minh, Cơ sở III tại TP Đà Nẵng, thực sự trở thành đơn vị đầu ngành của lực lượng CAND trong công tác huấn luyện, sử dụng chó  nghiệp vụ tham gia đấu tranh, trấn áp tội phạm và hỗ trợ điều tra truy xét tội phạm.

Trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc lực lượng huấn luyện phục vụ lễ kỷ niệm sắp tới, Thượng tá Hoàng Đức Thân, Phó Giám đốc Trung tâm, người gắn bó với đơn vị hơn 20 năm qua cho rằng, chó nghiệp vụ là công cụ hỗ trợ quan trọng nên CBCS làm công tác huấn luyện phải kiên trì, tỉ mỉ để xây dựng phản xạ cho loài động vật này, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống. "Trước bối cảnh xây dựng lực lượng CSCĐ tiến thẳng lên hiện đại vào năm 2025, Đảng uỷ, Ban Giám đốc Trung tâm luôn xác định phải nâng cao vị trí, tầm quan trọng của lực lượng này trong các mặt công tác Công an; anh em CBCS luôn yêu ngành, mến nghề; về phía động vật nghiệp vụ cần có giống tốt, có tố chất để có thể huấn luyện nên những chú chó tinh khôn, làm việc có chủ đích, phục vụ nhiệm vụ được giao", anh chia sẻ.

Tham gia tại lễ kỷ niệm, CBCS và chó nghiệp vụ chỉ huấn luyện đơn giản, ngồi trên xe chuyên dụng diễu hành qua khán đài, tuy nhiên, những năm qua, đơn vị đã chủ động khắc phục khó khăn, từng bước xây dựng lực lượng và trang bị động vật nghiệp vụ theo từng chuyên khoa, cơ cấu phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, như: hỗ trợ lực lượng CAND phát hiện, ngăn chặn, truy lùng, bắt giữ, dẫn giải người phạm tội, can phạm, phạm nhân; hỗ trợ tuần tra, canh gác, bảo vệ mục tiêu, giữ gìn trật tự công cộng, bảo vệ phiên tòa, thi hành án, tìm thi thể người, tìm vật chứng, giám biệt mùi hơi người, phát hiện các chất ma túy, thuốc nổ, tìm kiếm cứu nạn và phục vụ các hoạt động nghiệp vụ khác...

"Mục sở thị" chú chó tên Bi, giống Manlinois của Thượng uý Nguyễn Văn Linh, cán bộ Đội Sử dụng động vật nghiệp vụ phát hiện chất ma tuý trong những vali giả định mới thấy những chú chó ở đây đã được rèn phản xạ rất nhanh nhạy, chính xác. "Khó nhất là những bước đầu tiên xây dựng phản xạ để Bi bắt đầu hình thành biểu hiện, phản ứng khi phát hiện ra ma tuý và báo cho mình. Nên đầu tiên cần những bài tập cơ bản để rèn bổ trợ cho các chuyên khoa nghiệp vụ, sau đó mới tiến hành rèn luyện tập chuyên khoa, các tình huống sát với thực tế", anh nói. Thượng uý Nguyễn Văn Linh đã gắn bó với Bi 7 năm trời, đây là một chú chó có thần kinh cân bằng, linh hoạt, từng tham gia lập chiến công xuất sắc trong nhiều chuyên án ma tuý của Công an các địa phương như Nghệ An, Lạng Sơn, Sơn La...

Đối với Thượng uý Nguyễn Hoàng Thìn, Tổ trưởng Tổ Tìm kiếm cứu nạn, Đội Sử dụng động vật nghiệp vụ thì chú chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn tên Bin của mình có vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong những trường hợp cứu nạn ở khu vực đổ nát, các vụ cháy nổ, khu vực sạt lở, CBCS có thể không tiếp cận được trực tiếp các vị trí, nhưng những người bạn đồng hành là chó tìm kiếm cứu nạn có thể lùng sục được tất cả vị trí khó khăn, báo cho cán bộ huấn luyện nơi có người bị nạn để công tác tìm kiếm cứu nạn diễn ra nhanh chóng, hiệu quả.

Đại úy Hà Thị Phượng (bên trái) cùng đồng đội khám, điều trị bệnh cho chó nghiệp vụ tại Trung tâm.

"Chó tìm kiếm cứu nạn cần có thể chất khoẻ mạnh, khứu giác tốt. Do đó, ngoài huấn luyện chuyên khoa, chúng tôi còn rèn thể lực để những chú chó có đủ khả năng tìm kiếm dài ngày, làm việc ở những nơi có địa hình hiểm trở", Thượng uý Nguyễn Hoàng Thìn lý giải. Gắn bó gần 4 năm trời, giữa anh và Bin như hai người bạn thân thiết, nhiều hôm mùa hè nắng nóng dậy từ sáng sớm để tranh thủ tập lúc thời tiết mát mẻ, có khi thức đêm thức hôm khi Bin bị ốm. "Có hôm vợ dỗi bảo, "anh ở bên Bin còn nhiều hơn với em", vì ngày làm việc 8 tiếng thì 8 tiếng song hành cùng Bin, chưa kể thời gian ngoài giờ tắm chải, bầu bạn...", anh tếu táo.

Theo anh, quá trình huấn luyện chó nghiệp vụ phải làm quen, thân hoà, vừa có tình cảm nhưng cũng vừa có sự hài hoà để chú chó trung thành, quấn chủ, nhưng lúc chó làm sai cũng phải thật nghiêm để rèn kỷ luật. Bin đã từng tham gia cùng Công an TP Hà Nội đi lùng sục nhiều nơi trong vụ tìm kiếm cô gái Hải Như mất tích, và mặc dù hiện tại tung tích nạn nhân đang là một ẩn số, song chú chó Bin đã giúp cơ quan điều tra khoanh vùng khu vực không phát hiện thi thể nạn nhân để chuyển sang hướng điều tra khác...

Tận tình chăm sóc, cứu sống nhiều cảnh khuyển

Ở Trung tâm, ngoài đội ngũ cán bộ huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ thì có một bộ phận quan trọng không thể thiếu là Đội Chăn nuôi thú y. Đang thăm khám cho một chú chó bị ốm, Đại uý Hà Thị Phượng thông tin, mỗi chú chó ở đây đều được quan tâm về khẩu phần ăn đảm bảo chất dinh dưỡng, công tác phòng bệnh; hàng tháng đều có các lịch kiểm tra sức khoẻ định kỳ, đặc biệt trước các đợt tập luyện cao điểm hay xuất quân làm nhiệm vụ để đảm bảo mỗi chú chó ra quân đều đáp ứng yêu cầu cấp trên giao.

"Quá trình khám bệnh đối với những chú chó bị ốm có khó khăn không?" - Tôi hỏi. Đại uý Hà Thị Phượng chia sẻ, đối với những con chó chuyên khoa bảo vệ khả năng phòng thủ cao thì khi người không phải chủ động vào nó sẽ gầm gừ. Nhưng do có cán bộ huấn luyện cạnh bên, họ sẽ có cách thức, hiệu lệnh để kiềm chế lại. "Làm lâu thành quen, với lại, mình cũng cần tỏ thái độ mạnh mẽ để lấn át, buộc chú chó hợp tác", chị kể kinh nghiệm.

Quê Nghệ An, ông bà nội ngoại ở xa, trong khi chồng công tác tại một đơn vị Quân đội ở tận Cần Thơ, thi thoảng mới về nhà nên chị Phượng cáng đáng hết việc nhà và lo cho hai con 8 tuổi và 4 tuổi. Song, Đại uý Hà Thị Phượng đã khéo vun vén, sắp xếp công việc để vừa chăm con, vừa hoàn thành nhiệm vụ. "Có những khi theo đoàn huấn luyện, 5h sáng đã ra khỏi nhà, mình đành nhờ người quen 6h đến gọi con dậy đi học. Khi bận ca trực thì nhờ hàng xóm trông con giúp, gần đây đã huấn luyện chị gái lớp 2 chăm em trai khi mẹ vắng nhà".

Kể về kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình khám và điều trị bệnh cho những cảnh khuyển tại Trung tâm, Đại uý Hà Thị Phượng cho rằng, đó là những lần chó nghiệp vụ ở các địa phương bị ốm, được thú y địa phương điều trị nhưng không tiến triển, khi đưa lên đây do đường sá xa xôi nên lúc đến nơi thì đã quá yếu. "Có con đến nơi lúc 6h chiều, thậm chí 8-9h tối, chúng tôi cho truyền dịch, nhưng do sức khoẻ chó rất yếu nên phải truyền chậm từng giọt, từng giọt, có khi phải chờ đến 12h đêm, 1h sáng. Dù muộn chúng tôi cũng phải chờ, vì mình chịu khó một chút thì chú chó lại có thêm phần trăm hy vọng được cứu sống", chị trải lòng.

Với những trường hợp như vậy, các cán bộ thú y như chị phải theo dõi từng tý một, căn ke từng biểu hiện của chú chó để điều chỉnh thuốc cho phù hợp. Có chú chó khi đưa bát cháo lên, cảm giác muốn liếm ăn nhưng không còn tý sức lực nào, chị lại phải làm một cái phễu, xay cháo nhuyễn gần như nước để bón từng tý một, dù cháo và nước dãi có thể trào ra ướt cả tay vẫn không nề hà. "Cứ cố gắng từng bước, vài ba ngày sau khi nhìn chú chó mắt long lanh, tỉnh táo hơn, cảm giác hồi phục phần nào là chúng tôi đã rất vui, có thêm động lực với nghề", nữ Đại uý bộc bạch. 10 năm ở Trung tâm, chị đã cùng đồng đội cứu sống rất nhiều chú chó trong tình cảnh "ngàn cân treo sợi tóc" như vậy, và đó là niềm vui, là phần thưởng giúp CBCS nơi đây giữ mãi "lửa nghề".

Quỳnh Vinh - Chiến Thắng

Tag:

File đính kèm