Nhiều kết quả tích cực
Chiều 25/1, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương tổ chức gặp mặt và trao đổi thông tin về một số hoạt động của ngành Công Thương với các cơ quan báo chí tại phía Nam.
Tham gia buổi gặp mặt có Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng; ông Phạm Quang Bản - Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng Cơ quan Thường trực khu vực miền Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ Công Thương và phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí tại khu vực phía Nam.
|
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng lãnh đạo Bộ Công Thương chụp hình lưu niệm cùng phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí tại khu vực phía Nam |
Thông tin tại buổi gặp mặt ông Bùi Huy Sơn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Công Thương - cho biết, năm 2023 kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, phức tạp, nhu cầu thị trường chưa phục hồi, song với nền tảng vĩ mô ổn định, cùng với các biện pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ sản xuất, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu nên hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại vẫn đạt được những kết quả tích cực.
|
Ông Bùi Huy Sơn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Công Thương thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại năm 2023, mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024 |
Theo đó, sản xuất công nghiệp phục hồi rõ nét và tăng trưởng trở lại trong những tháng cuối năm. Tính chung cả năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp khu vực chế biến chế tạo tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều địa bàn công nghiệp trọng điểm phục hồi và tăng trưởng hai con số so với năm trước như: Trà Vinh 29,1%, Bắc Giang 20,3%, Phú Thọ 18,3%, Nam Định 14,6%, Hải Phòng 13,2%...
Về xuất nhập khẩu, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức của các thị trường nước ngoài, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2023 đạt 681 tỷ USD, cán cân thương mại nghiêng về xuất siêu 28,3 tỷ USD. Với kết quả này, Việt Nam đã duy trì xuất siêu 8 năm liền.
Hoạt động nhập khẩu được kiểm soát tốt, tập trung ở các nhóm hàng cần thiết phục vụ sản xuất xuất khẩu (chiếm 88,5%) tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Đây là tín hiệu cho thấy hoạt động sản xuất hàng hóa xuất khẩu đang chuyển biến tích cực.
Công tác xúc tiến thương mại, đạt nhiều kết quả tích cực. Bên cạnh các thị trường truyền thống, Bộ Công Thương tích cực mở cửa thêm các thị trường mới nhiều tiềm năng như: châu Phi, Trung Đông, Bắc Âu, Tây Á.
Thị trường trong nước tăng trưởng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 6.231,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm 2022, vượt kế hoạch đề ra, đóng góp lớn vào sự tăng trưởng nền kinh tế trong bối cảnh xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Thị trường trong nước phát triển đã đáp ứng cơ bản nhu cầu hàng hóa thiết yếu của người dân, góp phần quan trọng trong việc kiểm soát lạm phát, trong bối cảnh nhiều quốc gia đang phải đối mặt với lạm phát tăng cao.
Hoạt động thương mại điện tử tiếp tục phát triển và góp phần quan trọng vào việc cung ứng và lưu thông hàng hóa. Năm 2023, thị trường thương mại điện tử Việt Nam ước đạt 20,5 tỷ, tăng 25% so với cùng kỳ, chiếm 8% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Với kết quả này, Việt Nam được xếp vào nhóm quốc giá có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.
Công tác hoàn thiện thể chế, góp phần xây dựng Luật quốc gia được tập trung đẩy mạnh. Công tác quản lý nhà nước cũng được triển khai đồng bộ, kịp thời đóng góp vào mục tiêu chung của cả nước.
Mặc dù vậy, theo ông Sơn, bên cạnh những thành tựu, năm 2023 ngành Công Thương vẫn còn tồn tại một số hạn chế khi một số chỉ tiêu của ngành chưa đạt kế hoạch đề ra. Giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp và ngành công nghiệp chế biến chế tạo mặc dù tăng nhưng còn ở mức thấp. Mức độ liên kết sản xuất trong cùng ngành và giữa các ngành còn hạn chế, liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn yếu… tốc độ tăng trưởng thương mại nội địa tuy vượt nhưng có dấu hiệu chững lại trong những tháng cuối năm.
Năm 2024, bối cảnh thế giới được dự báo tiếp tục có những chuyển biến khó lường với những cơ hội, thách thức đan xen. Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương sẽ tập trung thực hiện một sô các nhiệm vụ. Theo đó, Bộ sẽ nghiên cứu, quán triệt nghiêm túc các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội; chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế; khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, triển khai đồng bộ, quyết liệt hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01; đẩy mạnh các giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành Công Thương dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết, triển khai các hiệp định mới để đa dạng hóa thị trường; phát triển mạnh thương mại nội địa, tăng cường chất lượng công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường…
Tăng cường phối hợp thông tin, tuyên truyền
Đánh giá cao những kết quả những kết quả mà ngành Công Thương đã được trong năm 2023, ông Phạm Quang Bản cho rằng thời gian qua, ngành Công Thương đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh. Chỉ đạo đảm bảo cung ứng vật tư, nguyên liệu, hàng hóa thiết yếu. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa, khai thác có hiệu quả các hình thức thương mại, các loại thị trường; Đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng thúc đẩy xuất khẩu, đóng góp quan trọng, tích cực vào phát triển kinh tế của đất nước. “Chúng tôi luôn có niềm tin, với quyết tâm của toàn ngành, bên cạnh sự phối hợp hỗ trợ của các bộ, ban, ngành dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, ngành Công Thương sẽ tiếp tục triển khai thành công mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch năm 2024”, ông Phạm Quang Bản nhấn mạnh.
|
Ông Phạm Quang Bản - Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng Cơ quan Thường trực khu vực miền Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao những kết quả mà ngành Công Thương đã đạt được trong năm 2023 |
Ông Phạm Quang Bản cũng cho rằng, việc Bộ Công Thương duy trì tổ chức giao lưu, gặp mặt với các cơ quan báo chí có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần tăng cương mối quan hệ giao lưu, gắn kết giữa Bộ Công Thương và các cơ quan báo chí nhằm hỗ trợ nha hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình.
Ông Bản đề nghị trong thời gian tới, các đơn vị của Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với cơ quan tuyên truyền khu vực phía Nam nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, kịp thời cung cấp thông tin hoạt động của ngành để các cơ quan báo chí tuyên truyền.
Về phía các cơ quan báo chí, ông Bản đề nghị các cơ quan báo chí trên cơ sở tôn chỉ, mục đích, thực hiện đúng quy định của Nhà nước, định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương, các cơ quan báo chí sẽ đảm bảo thông tin chính xác, kịp thời, khách quan, mang tính xây dựng. Chú trọng đề xuất giải pháp, thông tin có kiểm chứng thông qua Bộ Công Thương với những vấn đề chưa rõ, nhạy cảm, được dự luận quan tâm góp phần để ngành Công Thương thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ giao.
Theo Nhà báo Phạm Hùng - Phó Tổng biên tập Tạp chí Diễn Đàn doanh nghiệp, những kết quả kinh tế tích cực mà Việt Nam đạt được trong năm 2023 có sự đóng góp lớn của ngành Công Thương. Năm 2023 dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, các đơn vị của Bộ đã chủ động cung cấp kịp thời các thông tin để các cơ quan báo chí thực hiện tuyên truyền đúng định hướng, chủ trương, đường lối của Đảng, của Chính phủ cũng như Bộ Công Thương. “Hi vọng năm 2024, báo chí sẽ tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa để tuyên truyền những thông tin của ngành đúng với chủ trương, đường lối của Đảng”, ông Hùng bày tỏ.
Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, năm 2023 là năm đặc biệt khó khăn với kinh tế đất nước, bởi sự đứt gãy nguồn cung, khủng hoảng, lạm phát do chiến tranh, xung đột, bất ổn địa chính trị .. nhưng ngành Công Thương đã cùng cả nước vượt qua khó khăn, thách thức.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, mặc dù mục tiêu đặt ra của cả nước và ngành còn một số chỉ tiêu chưa đạt, nhưng nếu so với bối cảnh kinh tế và một số nước trong khu vực và thế giới, Việt Nam vẫn là một trong số ít quốc gia đạt tăng trưởng GDP cao.
“Trong lúc tổng cầu giảm mạnh, xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn đạt mức cao, là một trong 20 quốc gia có quy mô nền kinh tế cao. Duy trì xuất siêu trong 8 năm liền. Kết quả trên là nhờ sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, sự nỗ lực của Bộ Công Thương và các cấp, ngành, sự đóng góp của các cơ quan báo chí từ trung ương đến địa phương. Bởi những khó khăn vất vả của ngành Công Thương đã được các cơ quan báo chí thể hiện để nhân dân chia sẻ với ngành Công Thương nói riêng và cả nước nói chung. Thông qua báo chí, ngành cũng có cơ hội lan tỏa những thông tin cần thiết để ngành vượt qua những khó khăn và đạt kết quả đề ra”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, năm 2024 sẽ còn rất nhiều khó khăn vì chiến tranh, cạnh tranh địa chính trị chưa có hồi kết. Điều này sẽ tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh đó ngành Công Thương vừa phải tham mưu Chính phủ, vừa phải thực hiện các nhiệm vụ được giao để hoàn thành các chỉ tiêu mà Đảng và Nhà nước giao, nhiệm vụ.
|
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại buổi gặp mặt |
“Trong bối cảnh đứt gãy, khủng hoảng toàn cầu, để giữ ổn định của đất nước, đạt được mục tiêu đề ra là rất khó và với ngành Công Thương còn khó hơn, bởi chúng ta phải khắc phục những hạn chế, yếu kém đã xảy ra từ nhiều năm trước. Do đó, ngành rất cần sự nỗ lực, những quyết sách, có những sửa đổi, bổ sung cần thiết. Để làm được điều này, rất cần sự đồng hành của cơ quan báo chí”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ, và khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan của Bộ cung cấp kịp thời các thông tin của ngành để người dân hiểu và chia sẻ những nhiệm vụ của ngành, qua đó giúp ngành hoàn thành được những nhiệm vụ được giao.