Ngày 6/6, tại Singapore, trong chuyến công tác tới Singapore tham dự Hội nghị Bộ trưởng (IPEF), Diễn đàn Đầu tư Kinh tế sạch, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có bài phát biểu.
Bài phát biểu kéo dài trong khoảng 10 phút, tập trung vào các ưu tiên chính sách hướng tới thúc đẩy các ngành bền vững thông qua thương mại và đầu tư.
|
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu trong khuôn khổ Diễn đàn Đầu tư Kinh tế sạch bên lề Hội nghị Bộ trưởng IPEF |
|
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Việt Nam ưu tiên những hoạt động liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng mô hình bền vững gắn với nghiên cứu, đổi mới ứng dụng công nghệ khí hậu, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp sinh thái tại các Chương trình về sản xuất – tiêu dùng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cũng như kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh ngành Công Thương. |
Báo Công Thương trân trọng giới thiệu bài phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trong chuyến công tác tại Singapore:
"Hôm nay tôi rất vui được có mặt tại đây và được chia sẻ với các quý vị đại biểu về một số ưu tiên chính sách nổi bật của Việt Nam hướng tới thúc đẩy phát triển bền vững thông qua thương mại, đầu tư. Tôi muốn cảm ơn Chính phủ Singapore vì sự đón tiếp nồng hậu, cảm ơn Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ bà Gina Raimondo và các đồng nghiệp của bà đã đưa ra đề xuất tổ chức sự kiện đặc biệt này.
Thưa các Bộ trưởng và quý vị,
Thế giới đang phải đối mặt với các thách thức lớn về suy giảm, cạn kiệt tài nguyên, thiếu hụt năng lượng, ô nhiễm môi trường và phát thải nhà kính ngày càng tăng, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống con người. Trong bối cảnh đó, thúc đẩy kinh tế xanh, sạch có ý nghĩa rất lớn đối với mọi quốc gia, góp phần thực hiện cam kết quốc tế về biến đối khí hậu và đạt các mục tiêu theo Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Tại Việt Nam, khung chính sách về phát triển bền vững và biến đối khí hậu về cơ bản được hình thành, với các trụ cột chính về môi trường; dịch chuyển năng lượng gắn với thúc đẩy năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả; sản xuất tiêu dùng bền vững; và kinh tế tuần hoàn. Các định hướng, nội dung về phát triển bền vững đã được chú trọng, gắn kết và cụ thể hóa trong nhiều chính sách pháp luật của nhà nước và trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế như dịch vụ môi trường, công nghiệp môi trường; sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường với nhãn sinh thái Việt Nam; ưu tiên thực hiệ mua sắm xanh đối với các dự án, nhiệm vụ sử dụng ngân sách nhà nước; thúc đẩy tín dụng xanh, trái phiếu xanh…
Để trở thành nền kinh tế sạch, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 40% vào năm 2030, lên đến 70% vào năm 2050. Đồng thời, Việt Nam cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng tái tạo và sản xuất năng lượng mới phục vụ xuất khẩu, phấn đấu đến năm 2030, quy mô công suất xuất khẩu điện khoảng 5.000-10.000 MW.
Theo Quy hoạch điện quốc gia, Việt Nam dự kiến phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo, cụ thể sẽ hình thành 2 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng tại Bắc Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Bộ bao gồm các nhà máy điện công suất 2.000 - 4.000 MW (chủ yếu là điện gió ngoài khơi); các nhà máy sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo, thiết bị sản xuất năng lượng mới; thiết bị và phương tiện vận chuyển, xây dựng, lắp đặt thiết bị năng lượng tái tạo; các dịch vụ phụ trợ; khu công nghiệp xanh.
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách về quy hoạch, đầu tư, điều hành giá điện, phát triển thị trường điện cạnh tranh, tạo đột phá khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo; xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà với mục đích phi thương mại.
Thưa các Bộ trưởng và quý vị,
Nhằm đáp ứng yêu cầu về phát triển bền vững và thực hiện các cam kết chống biến đối khí hậu, Việt Nam kêu gọi các hoạt động hợp tác với các nước khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách có liên quan, để phù hợp với các cam kết trong Khuôn khổ IPEF cũng như các cam kết quốc tế liên quan khác.
Chúng tôi ưu tiên những hoạt động liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng mô hình bền vững gắn với nghiên cứu, đổi mới ứng dụng công nghệ khí hậu, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp sinh thái tại các Chương trình về sản xuất – tiêu dùng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cũng như kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh ngành Công Thương. Đặc biệt, tại Diễn đàn này, tôi kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm và thúc đẩy các dự án đầu tư vào Việt Nam trên tinh thần “hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro” như Thủ tướng của chúng tôi đã nhiều lần phát biểu.
Tôi tin rằng, với những chính sách, mục tiêu hiện có của Việt Nam như vừa trình bày, cùng với những hoạt động hợp tác, hỗ trợ của khu vực, chúng ta sẽ cùng nhau đạt được những mục tiêu chung đã đặt ra trong Hiệp định Kinh tế sạch của IPEF.
Xin chân thành cảm ơn sự chú ý lắng nghe của quý vị./".