Từ ngày 5-7/6/2024, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên - Trưởng Đoàn công tác của Việt Nam đã có chuyến công tác tới Singapore tham dự Hội nghị Bộ trưởng Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF) và Diễn đàn Đầu tư Kinh tế sạch IPEF.
Tháp tùng Bộ trưởng trong chuyến công tác tại Singapore có Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng cùng đại diện các Bộ, ngành: Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế...
Về phía Bộ Công Thương có đại diện các đơn vị chức năng: Vụ Chính sách thương mại đa biên; Vụ Thị trường châu Á - châu Phi; Vụ Dầu khí và Than; Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương; Cục Phòng vệ thương mại; Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững; Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo; Văn phòng Bộ; Báo Công Thương...
|
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tham dự và phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF) |
Sáng nay 6/6/2024, Hội nghị Bộ trưởng Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF) đã chính thức được khai mạc. Tham dự sự kiện, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có bài phát biểu quan trọng, trong đó, Bộ trưởng khẳng định, khuôn khổ IPEF sẽ đặt nền móng vững chắc cho các hoạt động hợp tác; đồng thời cũng trở thành động lực để các nước thành viên tiếp tục thảo luận, đàm phán các nội dung của các Trụ cột hợp tác.
Báo Công Thương trân trọng giới thiệu bài phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tại Hội nghị Bộ trưởng Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF):
"Thưa ông Gan Kim Yong, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Công Thương Singapore,
Thưa bà Gina Raimondo, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ,
Thưa các Bộ trưởng và quý vị đại biểu,
Hôm nay tôi rất vui mừng được có mặt tại đây và tham dự lễ ký 03 Hiệp định trong Khuôn khổ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF). Đây là một dấu mốc quan trọng đối với Khuôn khổ IPEF và có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc củng cố quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa 14 thành viên.
Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến bà Bộ trưởng Gina Raimondo và các đồng nghiệp mẫn cán, giàu kinh nghiệm của bà trong suốt thời gian qua để hôm nay chúng ta có cơ hội tổ chức sự kiện này. Tôi cũng cảm ơn nước chủ nhà Singapore đã chuẩn bị rất chu đáo cho Hội nghị này và Diễn đàn Đầu tư Kinh tế sạch. Nhân đây, tôi cũng xin chúc mừng ngài Gan Kim Yong ở cương vị mới là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Công thương Singapore.
Thưa các Bộ trưởng và quý vị,
Chúng ta đã đi gần nửa chặng đường của năm 2024. Theo nhận định được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố vào tháng 4 năm 2024, nền kinh tế toàn cầu đã và đang có sức chống chịu một cách đáng ngạc nhiên.1 Tuy nhiên vẫn còn một khoảng cách đáng kể để nền kinh tế thế giới trở về mức tăng trưởng trước thời điểm đại dịch Covid-19. Việc chúng ta họp mặt tại đây để bàn những công việc chung sẽ là một chất xúc tác đóng vai trò quan trọng trong quá trình thúc đẩy sự phục hồi của kinh tế - thương mại toàn cầu cũng như của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đúng như tên gọi của Khuôn khổ “vì sự thịnh vượng” này.
Thời gian vừa qua, chúng ta vui mừng nhận thấy một số hoạt động đầu tiên đã được triển khai để hiện thực hóa những gì đã cam kết trong Hiệp định Trụ cột II, với mục tiêu thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng giữa các nước thành viên IPEF, đẩy mạnh hơn nữa tiến trình cải cách, hiện đại hóa môi trường đầu tư – kinh doanh. Một tín hiệu khác là các nước thành viên đã tích cực trao đổi, thảo luận, đề xuất các sáng kiến để chuẩn bị cho việc hiện thực hóa các cam kết của Trụ cột III, ngay cả khi Hiệp định này chưa được ký. Về phần mình, Việt Nam đã và đang nỗ lực hết mình trong hoàn tất các thủ tục nội bộ để cùng tham gia với các thành viên IPEF.
Tôi tin rằng Khuôn khổ IPEF nói chung và việc tổ chức lễ ký 03 Hiệp định hôm nay sẽ đặt nền móng vững chắc cho các hoạt động hợp tác; đồng thời cũng trở thành động lực để chúng ta tiếp tục thảo luận, đàm phán các nội dung của Trụ cột Thương mại còn lại. Chỉ khi thống nhất được nội dung của cả 04 Trụ cột, lúc đó IPEF mới thực sự toàn vẹn và chúng ta sẽ có được một bộ công cụ đầy đủ, mạnh mẽ để mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.
Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên IPEF trong quá trình thảo luận nội dung của các Hiệp định, cũng như hướng tới hoàn tất các quy trình, thủ tục trong nước trong thời gian sớm nhất.
Xin cảm ơn quý vị đã lắng nghe!