Sign In

Thứ trưởng Trần Quốc Phương trả lời vấn đề được nhà báo nêu liên quan đến tình hình đăng ký doanh nghiệp

18:56 03/06/2024
(MPI) - Chiều ngày 01/6/2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tham dự Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2024 và phát biểu làm rõ vấn đề được nhà báo nêu liên quan đến tình hình đăng ký doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 5 đã có những tín hiệu tích cực so với cùng kỳ năm trước.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương phá biểu tại họp báo. Ảnh: Chinhphu.vn

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, tình hình đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp là vấn đề nóng hổi được xã hội và dư luận quan tâm. Đặc biệt trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội vừa qua tại Quốc hội, rất nhiều đại biểu Quốc hội cũng quan tâm đến tình hình doanh nghiệp. Đồng thời nhấn mạnh, những chuyển biến tích cực về đăng ký doanh nghiệp được thể hiện qua các con số như tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và tái gia nhập thị trường đạt gần 20 nghìn doanh nghiệp, gấp 1,7 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (11,4 nghìn doanh nghiệp) và tăng 10,6% so với cùng kỳ.

Phải nhìn nhận tổng thể hơn khi tính chung cả 5 tháng, xu hướng cho thấy số lượng doanh nghiệp thành lập mới, tái gia nhập thị trường nhiều hơn so với doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Cụ thể doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập là 98.800 doanh nghiệp, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 97.300 doanh nghiệp, tuy có cao hơn nhưng không đáng kể khoảng hơn 1.000 doanh nghiệp. Điều này cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn.

Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Quốc hội đã chỉ ra nhiều nguyên nhân cũng như những yếu tố tác động đến quá trình kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, đối với tình hình đăng ký doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn theo dõi chặt chẽ và báo cáo định kỳ với Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trên tinh thần các tín hiệu tích cực về sự phục hồi của nền kinh tế, về đăng ký doanh nghiệp mới tăng thêm. Tuy nhiên cũng không tránh khỏi bối cảnh còn rất nhiều khó khăn.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu các có chỉ đạo các giải pháp cụ thể. Thứ nhất là, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là về thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp gia nhập thị trường, kinh doanh thuận lợi.

Thứ hai là, cải thiện yếu tố đầu vào, đặc biệt là hỗ trợ thông qua chính sách tài khóa, tiền tệ, bao gồm tiếp tục duy trì và bảo đảm tính chất ổn định, hỗ trợ cho doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận tín dụng; kiến nghị các cấp thẩm quyền tiếp tục xem xét các chính sách giảm thuế; giảm, hoãn phí, lệ phí… để tăng khoản tiền cho doanh nghiệp, hỗ trợ yếu tố đầu vào và các giải pháp cho các yếu tố đầu ra.

Thứ ba là, liên quan đến thị trường xuất khẩu của nước ta, bên cạnh các FTA thúc đẩy các giải pháp để các doanh nghiệp sớm có các đơn hàng mới tăng thêm để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Toàn cảnh họp báo. Ảnh: Chinhphu.vn

Buổi họp báo diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông. Tại Họp báo, ông Trần Văn Sơn đã cung cấp thông tin cho báo chí về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024.

Theo đó, trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá triển vọng kinh tế, thương mại thế giới có dấu hiệu khả quan, song tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; bất ổn chính trị ở một số khu vực leo thang; giá đô la Mỹ, giá vàng tăng cao; chính sách tiền tệ ở nhiều nước vẫn thắt chặt và chưa rõ xu hướng thời gian tới; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh tác động nặng nề... Ở trong nước, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ, trong đó tập trung: Chuẩn bị chu đáo, bảo đảm tiến độ, chất lượng các tài liệu cho Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV; Đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, thực thi pháp luật; (iii) Phê duyệt toàn bộ Quy hoạch 06 vùng kinh tế - xã hội; Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới; Xử lý linh hoạt các vấn đề tồn đọng và những vấn đề mới phát sinh; Ứng xử linh hoạt, hiệu quả trong các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển... Đồng thời, tổ chức nhiều cuộc họp, hội nghị về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các công trình, dự án quan trọng quốc gia, phát triển nhà ở xã hội, tín dụng./.

Tag:

File đính kèm