Sign In

Kinh tế vĩ mô 5 tháng cơ bản ổn định, nền kinh tế tiếp tục phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước

11:06 01/06/2024
(MPI) - Phát biểu tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2024 diễn ra ngày 01/6/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh tế vĩ mô 5 tháng cơ bản ổn định, nền kinh tế tiếp tục phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ, được các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đánh giá cao. Các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương, quyết liệt triển khai công việc. Đây là nền tảng để chúng ta phấn đấu hoàn thành thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: Chinhphu.vn

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát cơ bản được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 5 tháng tăng 4,03% so với cùng kỳ. Tỷ giá được điều hành linh hoạt, kịp thời, hài hòa với điều hành lãi suất. Thu NSNN 5 tháng ước đạt 52,8% dự toán, tăng 14,8% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu 5 tháng tăng lần lượt là 16,6%, 15,2% và 18,2% so với cùng kỳ; ước xuất siêu 8,01 tỷ USD; xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc… đều tăng trưởng cao . Các cân đối lớn được bảo đảm, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của người dân.

Tổng vốn FDI đăng ký 5 tháng đạt hơn 11 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ, trong đó FDI đăng ký mới đạt hơn 7,9 tỷ USD, tăng 50,8%; vốn thực hiện đạt khoảng 8,25 tỷ USD, tăng 7,8%. Nhiều dự án lớn về sản xuất pin, tế bào quang điện, linh kiện, sản phẩm điện tử… đầu tư mới và tăng vốn.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực. Sản xuất, xuất khẩu nông nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 tăng 8,9% so với cùng kỳ; tính chung 5 tháng tăng 6,8%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,3%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 tăng 9,5% so với cùng kỳ, tính chung 5 tháng tăng 8,7%; khách quốc tế 5 tháng đạt gần 7,6 triệu lượt người, tăng 64,9% so với cùng kỳ.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp chuyển biến tích cực hơn. Trong tháng 5, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là gần 20 nghìn doanh nghiệp, tăng 10,6% so với cùng kỳ, gấp 1,7 lần số rút lui khỏi thị trường (11,4 nghìn doanh nghiệp). Tính chung 5 tháng, có 98,8 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 4,1%, cao hơn số rút lui khỏi thị trường (97,3 nghìn doanh nghiệp).

Quyết liệt tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xử lý tồn đọng, vướng mắc; đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các công trình, dự án trọng điểm; xử lý các vấn đề tồn đọng, doanh nghiệp, ngân hàng yếu kém, ngân hàng “0 đồng”, dự án chậm tiến độ; triển khai Đề án đầu tư 01 triệu căn nhà ở xã hội; đẩy nhanh tiến độ công tác quy hoạch , đã phê duyệt và công bố 6/6 quy hoạch vùng gắn với các Hội nghị điều phối vùng; thúc đẩy phát triển kinh tế số, chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, triển khai Đề án 06, cung cấp dịch vụ công trực tuyến ...

An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người dân tiếp tục được nâng lên. Việc làm, sinh kế cho người dân tiếp tục được quan tâm. Các lĩnh vực văn hóa tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh. Ổn định chính trị, độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường. Công tác đối ngoại, ngoại giao kinh tế, nhất là đối ngoại cấp cao tiếp tục được triển khai chủ động, tích cực và hiệu quả. Lãnh đạo Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo của nhiều nước, tổ chức quốc tế, tập đoàn lớn , góp phần củng cố niềm tin, tạo thuận lợi cho tăng trưởng, sản xuất kinh doanh. Vị thế, uy tín của Việt Nam tiếp tục được nâng lên, mở ra các cơ hội hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…

Tuy nhiên, khó khăn, thách thức còn rất lớn. Các cấp, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, tiếp tục thực hiện nhất quán, kiên định với mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; khai thác tối đa các yếu tố thuận lợi, thời cơ mới, chủ động tham mưu, điều hành linh hoạt, thận trọng, chắc chắn trước các vấn đề phát sinh; bảo đảm tiến độ công việc được giao, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Về dự báo tình hình thế giới, trong nước, Bộ trưởng cho biết, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tạo áp lực lớn lên điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển KTXH nước ta. Tuy nhiên, cũng có những cơ hội, thuận lợi, thời cơ đan xen từ cả bên ngoài và bên trong, nhất là nhờ xu hướng phục hồi tăng trưởng tích cực; các quy định pháp luật mới chuẩn bị có hiệu lực; chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đây là điều kiện để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện các mục tiêu phát triển năm 2024 đã đề ra.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 6 và Quý III, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, các bộ, ngành, địa phương tổ chức quán triệt nghiêm, thực hiện hiệu quả, toàn diện các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chủ động tham mưu, đề xuất và xử lý công việc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền. Trong đó, lưu ý các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính như chuẩn bị tốt các nội dung tiếp thu, giải trình và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.

Khẩn trương hoàn thành công việc để thực hiện chính sách tiền lương mới kể từ ngày 01/7/2024.

Khẩn trương ban hành, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn ở cả trung ương và địa phương để áp dụng các Luật Đất đai, Kinh doanh bất động sản, Nhà ở sau khi được Quốc hội cho phép thi hành từ ngày 01/8/2024.

Cùng với đó, tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; khai thác tối đa các động lực tăng trưởng mới từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh... Theo đó, các bộ, ngành, địa phương nâng cao hơn nữa tính chủ động, đồng hành cùng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ; coi khó khăn của doanh nghiệp cũng là khó khăn của mình để tập trung tháo gỡ.

Đẩy mạnh xuất khẩu, khai thác tối đa hiệu quả các FTA đã ký kết, thúc đẩy ký kết các FTA mới. Tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp trong thông quan hàng hóa, hoàn thuế VAT và đáp ứng các tiêu chuẩn mới của thị trường xuất khẩu. Tập trung thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, Hydrogen...; kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp FDI để đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Tập trung xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đẩy mạnh đầu tư trong các ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính. Tháo gỡ vướng mắc, nhất là về pháp lý, thủ tục để đẩy nhanh tiến độ cấp phép, triển khai các dự án nhà ở xã hội; rà soát, sửa đổi các quy định còn bất cập về điều kiện mua nhà ở xã hội của người dân; thúc đẩy tiến độ gói tín dụng nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng, Đề án đầu tư 01 triệu căn nhà ở xã hội.

- Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia; nghiên cứu phát hành thêm 100 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ để đầu tư các dự án trọng điểm theo kết luận tại Thông báo số 231/TB-VPCP ngày 18/5/2024.

Theo dõi chặt chẽ lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách kinh tế vĩ mô, chủ động phương án ứng phó với các tình huống mới có thể phát sinh.

Đồng thời, tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hơn nữa. Khẩn trương tổng kết, đánh giá, trình cấp có thẩm quyền cho phép mở rộng áp dụng các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã phát huy hiệu quả, các dự án đã được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố. Đẩy nhanh sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; đẩy mạnh cải cách hành chính, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấn chỉnh, khắc phục việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; thực hiện hiệu quả quy định về bảo vệ cán bộ, dám nghĩ, dám làm.

Cụ thể hóa, khai thác có hiệu quả các điều ước quốc tế, thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao; khai thác tối đa thời cơ, cơ hội mới cho tăng trưởng và phát triển. Tập trung hoàn thành phê duyệt các quy hoạch; ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch thực hiện các quy hoạch.

Bảo đảm chất lượng, tiến độ xây dựng Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư, Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam, Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao, Đề án phát triển nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030.

Chú trọng làm tốt công tác an sinh xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường; phòng cháy, chữa cháy, nhất là ở khu vực đông dân cư, tập trung nhiều hàng hóa; phòng chống thiên tai, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn... Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, tiếp tục củng cố và không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, nhất là công tác truyền thông chính sách, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội./.

 

Tag:

File đính kèm