Sign In

Thứ trưởng Trần Duy Đông chủ trì cuộc họp về xây dựng báo cáo tình hình rà soát, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long

14:14 18/03/2024
(MPI) - Ngày18/3/2024, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Trần Duy Đông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức cuộc họp xin ý kiến các bộ, ngành liên quan và các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long về dự thảo báo cáo tình hình rà soát, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển Vùng này.

Thứ trưởng Trần Duy Đông chủ trì cuộc họp. Ảnh: MPI

Cuộc họp diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tại điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư có sự tham dự của 11 bộ, ngành liên quan đến các chính sách chuyên ngành cùng đại diện của các đơn vị liên quan thuộc Bộ. Tại điểm cầu 13 địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long có sự tham dự của đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ban, ngành liên quan.

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó tập trung đánh giá các kết quả đạt được, xác định những tồn tại, hạn chế và chỉ rõ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để phát huy hết các tiềm năng, lợi thế của Vùng. Để tổ chức thực hiện Nghị quyết này, ngày 18/6/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 78/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, trong đó giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp các Bộ, ngành, địa phương liên quan báo cáo điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ đã ban hành Quyết định số 1409/QĐ-BKHĐT ngày 29/9/2022 về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ với 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, 26 nhiệm vụ, đề án, 07 dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, kết nối, trong đó có nhiệm vụ báo cáo điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng đề cương gửi các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long đề nghị rà soát và đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc thù đối với Vùng.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của cả nước về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của cả nước. Trong những năm vừa qua, kinh tế - xã hội của Vùng đạt được kết quả khá toàn diện, trở thành vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước với nhiều sản phẩm chủ lực, nhất là lúa, tôm, cá tra, trái cây. Kinh tế tăng trưởng khá với chất lượng được cải thiện; quy mô kinh tế được mở rộng; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, nhiều dự án công nghiệp trọng điểm về năng lượng đi vào hoạt động. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư bằng nhiều nguồn lực, góp phần thay đổi diện mạo của vùng. Nhiều hình thức liên kết, hợp tác vùng được hình thành…

Mặc dù luôn được Đảng, Chính phủ quan tâm nhưng kinh tế - xã hội của Vùng còn những hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao phát triển chậm; khu công nghiệp được thành lập so với số được quy hoạch thấp nhất cả nước; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hạn chế; khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa trở thành động lực tăng năng suất và nâng cao năng lực cạnh tranh của vùng; hạ tầng giao thông vận tải chậm phát triển, thiếu đồng bộ, chưa phát triển đồng đều và liên kết giữa các phương thức vận tải, quy mô và năng lực vận tải thuỷ thấp nhiều so với tiềm năng, lợi thế, quy hoạch cảng biển còn nhiều bất cập, chưa có cảng đầu mối; các trung tâm logistics lớn chưa được hình thành. Vùng cũng đang phải đối mặt với những vấn đề như tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, xậm nhập mặn, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối các địa phương trong Vùng.

Xuất phát từ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng và thực trạng phát triển nêu trên của Vùng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện đại, sinh thái, văn minh, phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước; là trung tâm kinh tế nông nghiệp xanh, sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng và giá trị gia tăng cao của quốc gia, khu vực và thế giới. Phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tế và các đô thị động lực, tập trung các dịch vụ và công nghiệp đa dạng, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh kinh tế biển, kinh tế du lịch; tăng cường kết nối nội vùng, liên vùng, trong nước và quốc tế; chú trọng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo dựng môi trường sống bền vững, chất lượng sống tốt cho người dân gắn với bảo tồn các tài nguyên, hệ sinh thái; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc; củng cố quốc phòng và an ninh; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; xây dựng tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc; đóng góp ngày càng lớn cho đất nước.

Tham gia ý kiến tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo UBND, Sở Kế hoạch và Đầu tư 13 địa phương của vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Thành phố Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang bày tỏ thống nhất cao với các nội dung của dự thảo Báo cáo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo; cho rằng, báo cáo được xây dựng công phu, đánh giá khá toàn diện, khách quan những khó khăn, vướng mắc của Vùng; từ đó đưa ra các nhóm chính sách vượt trội, nhiều đổi mới nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực trạng phát triển để xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh, sinh thái, văn minh và bền vững. 

Các nội dung đề xuất của Dự thảo đã bám sát các đề xuất của 13 địa phương trong Vùng; các mục tiêu chủ yếu phát triển Vùng đã được Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết số 13-NQ/TW cũng như các tồn tại, hạn chế ‘nút thắt’ của vùng; Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và đang trong quá trình xây dựng. 

Bên cạnh bày tỏ thống nhất cao với đề xuất cơ chế đặc thù chung cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm 04 nhóm: Nhóm cơ chế, chính sách về nông nghiệp; Nhóm cơ chế, chính sách về đầu tư, tài chính; Nhóm cơ chế, chính sách về thích ứng biến đổi khí hậu; Nhóm cơ chế, chính sách về đào tạo nguồn nhân lực, đại diện các địa phương trong Vùng cũng đã thông tin về việc triển khai các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 13-NQ/TW, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và bổ sung, đề xuất thêm các cơ chế, chính sách cụ thể liên quan đến phát triển nông nghiệp; phát triển dịch vụ logistics; cơ chế liên kết kinh tế biển, kinh tế sông; phát triển doanh nghiệp; đào tạo nhân lực chất lượng cao; đầu tư đường bộ đi qua địa bàn khác; chính sách đào tạo nghề; phát triển đô thị; phân cấp thẩm quyền các khu chức năng, khu đô thị, khu công nghiệp; chính sách về nguồn nước; phát triển hệ sinh thái nông nghiệp; cơ chế, chính sách nuôi trồng thủy sản phù hợp; chính sách đầu tư hạ tầng giao thông nói chung, kết nối giao thông vùng; chính sách hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm nông thủy sản;…

Đại diện các bộ, ngành, gồm các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Nội vụ, Tư pháp cơ bản thống nhất với nội dung Dự thảo; làm rõ thêm các cơ chế, chính sách chuyên ngành theo đề xuất của các địa phương, khẳng định tiếp tục nghiên cứu và sớm có ý kiến bằng văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, hoàn thiện báo cáo.

Ảnh: MPI

Đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã cung cấp, làm rõ thêm các thông tin được đại biểu nêu. Ông Lê Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ - đơn vị được giao chủ trì xây dựng báo cáo cho biết, đây là nội dung khó; mong muốn, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đưa ra các đề xuất cụ thể, trong đó phải làm rõ được các nội hàm và bám sát với các quy định pháp luật hiện hành.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Trần Duy Đông đánh giá cao các ý kiến phát biểu thẳng thắn, trách nhiệm của các địa phương, các bộ, ngành cũng như của các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Các ý kiến thống nhất cho rằng, với định hướng của Bộ Chính trị về đổi mới tư duy phát triển, nhất là về liên kết vùng, tiểu vùng; về cơ chế, chính sách đặc thù; về phân bổ nguồn lực; về nguồn nhân lực và tiềm năng, lợi thế nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng, các tiểu vùng và từng tỉnh trong vùng, tiểu vùng; giải quyết các vấn đề trọng điểm quốc gia tại vùng; các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tiểu vùng thì việc xây dựng Báo cáo rà soát các cơ chế, chính sách hiện hành của Vùng nhằm điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù cho Vùng là cần thiết và có ý nghĩa thiết thực nhằm thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Bộ Chính trị đã đề ra tại Nghị quyết số 13-NQ/TW.

Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định, trên cơ sở các ý kiến, Bộ Kế hoạch và Đầu với tinh thần cầu thị cao sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo báo cáo để báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định; đồng thời đề nghị các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là 13 địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngay sau cuộc họp có ý kiến bằng văn bản gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong đó có đánh giá cụ thể quá trình triển khai các chính sách đã ban hành, đánh giá tác động và đưa ra các đề xuất cụ thể. Đồng thời đề nghị các bộ, ngành cung cấp thông tin các các cơ chế, chính sách tại Dự thảo so với các cơ cơ chế, chính sách đã được ban hành, đảm bảo tránh sự trùng lắp.

Bên cạnh 5 nhóm cơ chế, chính sách với 22 cơ chế, chính sách cụ thể được nêu tại Dự thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp các cơ chế, chính sách được đại biểu nêu như tổng mức đầu tư của dự án đầu tư; tăng tỷ trọng đóng góp của nhà nước vào dự án PPP; về ODA, tỷ lệ cấp vốn của Trung ương. Sau đó, Bộ sẽ phân loại các nhóm cơ chế, chính sách để báo cáo cấp thẩm quyền theo quy định, đảm bảo các cơ chế, chính sách trúng, đúng, hiệu quả, khắc phục được những tồn tại, hạn chế và phát huy những tiềm năng, lợi thế riêng có của Vùng; đảm bảo tính khả thi về pháp lý và nguồn lực.

Đối với các chính sách liên quan đến đất đai, ưu đãi thuế, đặc biệt liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp, ODA, hỗ trợ cho các lĩnh vực cụ thể, chính sách về biến đổi khí hậu, hỗ trợ nguồn nhân lực, tiền lương trong lĩnh vực giáo dục, y tế… tiếp tục đánh giá rõ tác động và phải theo quy định của pháp luật hiện hành. Cùng với đó, tiếp tục rà soát thêm nhóm chính sách cảng biển gắn với logictics; phát triển kinh tế biển, kinh tế sông; năng lượng tái tạo (điện gió, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời), cung cấp nước sạch cho tưới tiêu do bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, nước sạch cho người dân;...

Quan điểm, định hướng của việc xây dựng Báo cáo là thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng về phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ; bảo đảm phù hợp với chủ trương và đặt trong tổng thể và phải đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, không thay thế toàn bộ hệ thống pháp luật hiện hành để áp dụng riêng cho Vùng; các chính sách đề xuất là những chính sách cụ thể, thực sự mang tính đặc thù, nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng, thế mạnh của Vùng, tháo gỡ những điểm nghẽn trong phát triển của Vùng để đạt được mục tiêu Bộ Chính trị đã đề ra./.

Tag:

File đính kèm