Tham dự Hội nghị có lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương; đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Về phía tỉnh Lạng Sơn có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Quốc Đoàn; Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Tiến Thiệu cùng lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố.
|
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thay mặt Thủ tướng trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Chinhphu.vn |
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thay mặt Thủ tướng trao Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 19/3/2024 về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đưa ra mục tiêu xây dựng Lạng Sơn trở thành tỉnh biên giới có kinh tế phát triển, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh, môi trường sinh thái được bảo đảm, là một trong các cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng trung du và miền núi phía Bắc, là “cầu nối” ngày càng quan trọng trong kết nối kinh tế, thương mại giữa Việt Nam, các nước ASEAN, Trung Quốc và châu Âu.
Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Lạng Sơn có quy mô kinh tế và GRDP bình quân đầu người trong nhóm 5 tỉnh dẫn đầu vùng trung du và miền núi phía Bắc. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch mạnh theo hướng các ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, đô thị hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng ngày càng cao và thực hiện chuyển đổi số hiệu quả trên các trụ cột Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, cửa khẩu số...
Quy hoạch đưa ra 08 vụ trọng tâm. Một là, đổi mới và hoàn thiện thể chế, cải tiến mạnh mẽ thủ tục hành chính theo hướng tinh giản, thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, tạo môi trường kinh doanh hiện đại, minh bạch; nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo và điều hành.
Hai là, đầu tư nâng cấp và phát triển cơ sở hạ tầng từng bước đồng bộ, hiện đại, tập trung vào hạ tầng giao thông, công nghiệp, thương mại, viễn thông, công nghệ thông tin, hạ tầng chống thiên tai, xử lý chất thải và nước thải.
Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua phát triển giáo dục, đào tạo nghề cho người lao động và thu hút nhân tài.
Bốn là, phát triển du lịch trở thành một động lực tăng trưởng kinh tế lớn, ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030.
Năm là, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và hợp tác xã, hỗ trợ người dân phát triển du lịch cộng đồng.
Sáu là, tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới.
Bảy là, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp, nâng cao đạo đức xã hội, ý thức pháp luật, xây dựng văn hóa và con người Lạng Sơn.
Tám là, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác; chủ động thực hiện hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Theo quy hoạch, tỉnh Lạng Sơn xác định 04 khâu đột phá phát triển, gồm: Chuyển đổi số và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư và phát triển các thành phần kinh tế; Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông, đô thị, khu, cụm công nghiệp; đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa của tỉnh; Phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, dịch vụ và du lịch là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; Phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, xanh, an toàn và hiện đại để trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Quốc Đoàn cho biết, quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược dựa trên tiềm năng, thế mạnh và lợi thế so sánh của tỉnh sẽ mở ra không gian phát triển và cơ hội mới; thể hiện ý chí và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Lạng Sơn. Đây là cơ sở để tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo hoạch định các cơ chế, chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư, nâng cao vị thế của tỉnh trên chặng đường hội nhập.
Trong thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ Quyết định số 236 ngày 19/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 bằng kế hoạch hành động cụ thể, làm cơ sở triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở.
|
Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công Dự án. Ảnh: Chinhphu.vn |
Sáng cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tham gia đoàn công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi thăm cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, thăm cây đa do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trồng trong khuôn viên cửa khẩu nhân chuyến thăm, làm việc tại tỉnh Lạng Sơn tháng 8/2023; đi kiểm tra thi công dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4B đoạn Km18-Km80 qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn; trao quà của Quỹ Vì người nghèo tỉnh Lạng Sơn hỗ trợ 50 triệu đồng cho người dân có nhà trong khu vực Dự án nâng cấp Quốc lộ 4B.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã tham gia đoàn công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm Khu đô thị Mailand Hoàng Đồng - Lạng Sơn. Với quy mô 193 ha, sở hữu vị trí đắc địa, khu đô thị này hứa hẹn sẽ trở thành trung tâm thành phố mới Lạng Sơn. Đồng thời, thăm trường mầm non song ngữ quốc tế Victoria Mailand Hoàng Đồng - giai đoạn 1 của Hệ thống Victoria school - trường liên cấp song ngữ chuẩn quốc tế Cambridge theo mô hình trường học hạnh phúc với sự đồng hành của UNESCO.
Tiếp đến, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tham gia đoàn công tác của Thủ tướng Tham dự Lễ khởi công dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư hơn 11 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước tham gia dự án là 5.495 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư chịu trách nhiệm thu xếp là 5.529 tỷ đồng; dự kiến được hoàn thành trong năm 2026; thời gian hoàn vốn cho dự án là hơn 25 năm.
Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng được thực hiện trên địa bàn các huyện: Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng và thành phố Lạng Sơn; có tổng chiều dài gần 60 km. Dự án được đầu tư nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; là dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông có quy mô lớn nhất được đầu tư trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư