Sign In

Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc lần thứ 3

15:12 24/05/2024
(MPI) - Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc lần thứ 3 đã được diễn ra ngày 24/5/2024 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tham dự và phát biểu tại Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI

Trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra Lễ công bố và trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi phía Bắc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng.

Tham gia ý kiến tại Hội nghị, các đại biểu bày tỏ đồng tình với báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; báo cáo về những kết quả đạt được về kinh tế - xã hội của địa phương cũng như công tác triển khai quy hoạch. Kết quả cho thấy, công tác quy hoạch, thể chế điều phối Vùng, triển khai các dự án quan trọng của Vùng đã được thực hiện tích cực; chuyển đổi mô hình kinh tế bước đầu đạt được kết quả; các nhiệm vụ về xây dựng các đề án, chính sách phát triển Vùng đang từng bước triển khai, nhưng còn chưa đạt so với tiến độ đề ra; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy các động lực phát triển kinh tế, hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối vùng, phát triển nguồn nhân lực là những vấn đề cần tiếp tục được quan tâm, phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế, khó khăn trong điều phối, phát triển Vùng như liên kết hợp tác còn hạn chế, chưa đi vào chiều sâu, nhất là hợp tác qua biên giới và hợp tác liên vùng; chưa hình thành được các cụm sản xuất, dịch vụ liên kết ngành; Hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, hạ tầng kinh tế kỹ thuật cấp Vùng chưa phát triển đồng bộ (như hạ tầng logistic, hạ tầng du lịch, cửa khẩu, thương mại biên giới...); Chất lượng nguồn nhân lực cải thiện chậm, chưa đáp ứng yêu cầu; Cải cách thủ tục hành chính còn chậm, môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự hấp dẫn, vẫn nằm ở mức thấp so với các địa phương trong cả nước.

Trên cơ sở đó, các bộ, ngành địa phương đã đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong thời gian tới, trong đó các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương trong Vùng rà soát, làm việc với các Bộ, ngành, địa phương và đề xuất 04 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển vùng, gồm: Nhóm chính sách về phát triển hạ tầng giao thông kết nối; Nhóm chính sách về phát triển cửa khẩu; Nhóm chính sách về quản lý, phát triển tài nguyên rừng, nguồn nước; Nhóm chính sách về an sinh xã hội.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, tham gia góp ý gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền. Cùng với đó, các địa phương khẩn trương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện các thủ tục cần thiết để sớm khởi công dự án, tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã khởi công. Đối với các dự án đang chuẩn bị đầu tư hoặc nghiên cứu triển khai, lồng ghép đưa vào trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030; Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù để sớm triển khai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh thêm đến các vấn đề được đại biểu nêu, trong đó liên quan nguồn vốn ODA, Bộ trưởng cho rằng, cần phải thống nhất nhận thức chung là nguồn vốn ODA hiện nay không rẻ, ví dụ như lãi suất vay của Ngân hàng Thế giới là 7%, Ngân hàng Phát triển châu Á là 6,4%, do đó chỉ dự án nào địa phương thấy thực sự cần thiết, hiệu quả thì mới xúc tiến vay, đồng thời phải cân nhắc kỹ khả năng trả nợ của địa phương mình.

Về các cơ chế, chính sách đặc thù, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng ngợi ý các địa phương tính toán có thể hình thành một số cây trồng đặc thù của tiểu vùng để từ đó xây dựng trung tâm giống cây trồng của tiểu vùng.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Tham luận tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang đánh giá cao nội dung báo cáo và nhấn mạnh, sau gần hai năm triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị và các nhiệm vụ của Hội đồng điều phối vùng cho thấy, khối lượng công việc rất nhiều; đến nay một số nhiệm vụ đã đạt được những kết quả tích cực.

Về những đề xuất, kiến nghị đối với Hội đồng điều phối vùng, ông Bùi Văn Quang đề nghị Hội đồng điều phối vùng xem xét, rà soát, điều chỉnh bổ sung Nghị quyết 973/2020/UBTVQH14 ngày 08/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước theo hướng tăng điểm tiêu chí, tăng nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho Vùng trong thời gian tới; tăng cường hỗ trợ nguồn vốn ODA cho các địa phương, giảm tỷ lệ vốn vay lại trong tổng nguồn ODA; nâng tỷ lệ dư nợ vay từ ngân sách địa phương theo Điều 7 Luật Ngân sách; tăng tỷ lệ vốn góp Nhà nước tham gia dự án giao thông theo phương thức PPP lên mức 70% tổng mức đầu tư dự án; xem xét điều chỉnh tỷ lệ điều tiết từ nguồn thu xuất nhập khẩu với các địa phương; sớm ban hành một chính sách chung, liên quan đến việc cấp chứng chỉ các-bon, để các địa phương thuận lợi trong triển khai thực hiện; có chính sách ưu tiên triển khai các dự án về giao thông liên vùng; có các quy định cụ thể trong việc cho thuê tài sản công trong lĩnh văn hóa, thể thao;…

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cũng bày tỏ đồng tình với nội dung báo cáo và định hướng kế hoạch hoạt động năm 2024; nhấn mạnh đến nội dung xây dựng, phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; rà soát, cập nhật nội dung các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt; thực hiện quy trình, thủ tục điều chỉnh Quy hoạch tỉnh trong trường hợp có nội dung mâu thuẫn so với quy hoạch cấp cao hơn theo quy định.

Về các kiến nghị, đề xuất cụ thể, ông Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh đến nhóm chính sách về phát triển kinh tế biên mậu, hạ tầng cửa khẩu, đề xuất bổ sung, đưa Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy - tỉnh Hà Giang vào danh mục các khu kinh tế trọng điểm để đầu tư trong giai đoạn 2026-2030; đầu tư, nâng cấp hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy; xem xét nâng mức hỗ trợ theo định mức đầu tư trồng rừng và định mức bảo vệ rừng; bổ sung các quy định về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; sớm trình Quốc hội thông qua Nghị quyết của Quốc hội về phân cấp phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; về chủ trương đầu tư Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, đoạn Tân Quang đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang.

Bí thư tỉnh ủy tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải kiến nghị cần có cổng thông tin/website chung của cả vùng để cập nhật thông tin về thành tựu, khó khăn và định hướng phát triển chung của cả vùng; quan tâm đầu tư cho Đại học Thái Nguyên để xứng đáng là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực của vùng bởi chìa khóa để phát triển là chất lượng nguồn nhân lực.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu Kết luận Hội nghị. Ảnh: MPI

Phát biểu Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang bày tỏ sự đồng tình, đánh giá cao với những ý kiến trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu. Đồng thời nhấn mạnh, vấn đề liên kết vùng đã có từ lâu, có ý nghĩa với sự phát triển của các địa phương. Hội nghị công bố Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cách tiếp cận mới, khoa học, bài bản hơn, đã định hướng, chỉ ra mục tiêu để các địa phương cùng phát triển bền vững; đưa ra khung khái niệm để tính toán kế hoạch cụ thể cho từng năm; đề ra giới hạn kiểm soát sự phát triển của từng tỉnh cho phù hợp với sự phát triển bền vững chung của vùng.

Đối với khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, Phó Thủ tướng cho rằng, đây là khu vực còn nhiều khó khăn, cần rất nhiều nguồn lực, thời gian, giải pháp đặc thù để phát triển bền vững. Vùng còn khó khăn về hạ tầng, nguồn lực, môi trường đầu tư chưa đủ sức cạnh tranh, đặc biệt liên kết vùng còn hạn chế. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy trách nhiệm, tâm huyết của các đồng chí lãnh đạo, của cả hệ thống chính trị của các địa phương trong Vùng, có nhiều cách làm mới, cố gắng khai thác được lợi thế đặc thù của Vùng.

Vai trò của các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc không chỉ thông qua những chỉ số về thu ngân sách, tốc độ phát triển GRDP…. mà còn cả ở khía cạnh giữ rừng, môi trường, nguồn nước cho hạ du, chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số, cho người nghèo và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, phát triển kinh tế biên mậu, là cửa ngõ giao thương với thế giới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về các đề xuất, kiến nghị cũng như các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung triển khai trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2024/NĐ-CP về một số chính sách đầu tư trong nông nghiệp, trong đó quy định mức hỗ trợ bảo vệ rừng, khoán bảo vệ rừng bình quân là 500.000 đồng/ha/năm, tăng 200.000 đồng so với mức hiện hành; về Nghị định sửa đổi Nghị định 156/NĐ-CP dự kiến sẽ được ban hành trong tháng 6, trong đó có phân cấp việc chuyển mục đích sử dụng rừng cho địa phương; Chính phủ cũng đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Nghị định về tín chỉ carbon nhằm tạo nguồn thu cho các địa phương; Luật Đất đai năm 2024 nếu được áp dụng từ ngày 01/7/2024 sẽ giải quyết được những khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thường trực của Hội đồng điều phối vùng, tổng hợp các kiến nghị của địa phương, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đối với các địa phương, Phó Thủ tướng nhấn mạnh các nội dung liên quan đến đầu tư các dự án kết nối giao thông và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài để mỗi địa phương khai thác được tối đa tiềm năng, lợi thế của mình; chú trọng phát triển những sản phẩm du lịch độc đáo để có thể liên kết theo tuyến; quan tâm, đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông; chủ động ban hành chính sách riêng theo thẩm quyền bởi nguồn lực của Trung ương không thể đáp ứng tất cả mong muốn của các địa phương; cần quan tâm đến yếu tố biến đổi khí hậu khi đầu tư các công trình, dự án đầu tư; khai thác triệt để chuyển đổi số, đặc biệt là những nội dung thuộc Đề án 06; tính toán, xem xét kỹ tính khả thi của mỗi đề xuất, kiến nghị./.

Tag:

File đính kèm