Sign In

Khánh Hòa: Sơ kết Chương trình phối hợp tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên

09:22 19/04/2024
Ngày 17/4, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Tỉnh Đoàn Khánh Hòa tổ chức Hội nghị Sơ kết Chương trình phối hợp tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện... thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Thanh niên) giai đoạn 2021-2023.

Ông Tạ Hồng Quang-Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Khánh Hòa phát biểu tại hội nghị.

Theo báo cáo tại Hội nghị, giai đoạn 2021-2023, tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện đào tạo nghề cho 2.332 thanh niên. Trong đó, 1.088 thanh niên được hỗ trợ đào tạo nghề từ ngân sách tỉnh. 1.244 thanh niên được đào tạo từ nguồn kinh phí của Bộ Quốc phòng bố trí cho Trường Trung cấp Kỹ thuật Miền Trung tổ chức thực hiện.

Qua triển khai thực hiện nhiều giải pháp trong tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp cho thanh niên, trong giai đoạn 2021-2023, công tác tuyển sinh đào tạo nghề cho thanh niên đã có nhiều chuyển biến tích cực so với giai đoạn 2016-2020. Sau đào tạo 100% thanh niên đều có việc làm hoặc tự tạo việc làm ổn định.

Để giải quyết việc làm cho thanh niên, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa thực hiện cung cấp thông tin thị trường lao động; Thực hiện hỗ trợ kết nối với doanh nghiệp để giới thiệu việc làm cho thanh niên.

Hàng năm, trung tâm thực hiện xây dựng kế hoạch tổ chức các phiên giao dịch việc làm trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ kết nối, giới thiệu việc làm trong nước và thực hiện tư vấn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho người lao động, trong đó ưu tiên cho các đối tượng là thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an. 

Qua báo cáo của các địa phương, tổng số thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự về địa phường năm 2023 trên địa bàn tỉnh là 1.669 thanh niên. Trong đó, đã có việc làm 1.340 thanh niên, có nhu cầu tìm việc làm 304 thanh niên (đa số thanh niên đang tham gia học nghề) và không có nhu cầu tìm việc làm là 25 thanh niên ở địa bàn huyện Cam Lâm. 

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng nêu các ý kiến tháo gỡ khó khăn trong công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề cho thanh niên vừa mới xuất ngũ.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng-Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Nha Trang, cho rằng, việc tư vấn cho bộ đội xuất ngũ ở thời điểm ra quân không đạt hiệu quả cao.

Vì thanh niên lúc này có tâm trạng muốn về nhà gặp gỡ cha mẹ, người thân nên không còn tâm trạng để lắng nghe định hướng nghề nghiệp.

“Vì vậy cần tổ chức tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm ở thời điểm trước ra quân khoảng 6 tháng. Khi tổ chức tư vấn phải chuẩn bị kỹ phiếu khảo sát nhu cầu học nghề, việc làm và thông tin thị trường lao động, ngành nghề các cơ sở đào tạo để thanh niên nắm bắt và định hướng nghề nghiệp đúng với sở trường và phù hợp với điều kiện gia đình, địa phương”, ông Hùng đề xuất.

Ban tổ chức khen thưởng cho các đơn vị thực hiện tốt công tác tư vấn, giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho bộ đối xuất ngũ

Theo thượng tá Nguyễn Văn Hải, Phó tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khánh Hòa, từ năm 2021-2023 đến nay, các trường, các trung tâm, cơ sở dạy nghề trong tỉnh đã tiếp nhận và đào tạo nghề cho 1.076/5.261 quân nhân xuất ngũ đạt 19,88% so với tổng số quân nhân xuất ngũ về địa phương.

Sau khi học nghề xong, số được giới thiệu và xin được việc làm đạt bình quân từ 65% trở lên trong số 1.076 quân nhân xuất ngũ tham gia học nghề. 

Nhìn chung, số quân nhân xuất ngũ sau khi được đào tạo nghề đều đã được tư vấn và tìm được việc làm phù hợp với nghề đào tạo, có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, theo thượng tá Nguyễn Văn Hải, còn đến 4.185/5.261 (80,12%) được cấp thẻ học nghề nhưng không học hoặc đăng ký học nghề ở tỉnh khác.

 Nguyên nhân là do hệ thống các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung ở khu vực thành phố Nha Trang, cơ chế ngành nghề đào tạo chưa phong phú.

Mặt khác, đa số quân nhân xuất ngũ thuộc vùng nông thôn, trình độ dân trí thấp, điều kiện giao thông đi lại khó khăn, một số ngành nghề chưa được phát triển, chủ yếu là làm nông nghiệp và đánh bắt hải sản nên sau khi xuất ngũ phải tham gia công việc gia đình mà chưa mặn mà với việc học nghề. 

Nâng cao hiệu quả của chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm 

Theo ông Tạ Hồng Quang-Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Khánh Hòa, để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp trong công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2024-2025, cần thực hiện các giải pháp hiệu quả trong thời gian tới. 

Đó là, đổi mới công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp và khảo sát nhu cầu học nghề, việc làm của thanh niên, đảm bảo 100% thanh niên được tư vấn hướng nghiệp, học nghề và việc làm trước khi ra quân.

Hình thức tuyên truyền phải đa dạng hoá sản phẩm như các tờ rơi tuyên truyền; video clip quảng bá hình ảnh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, mô tả ngành nghề, vị trí việc làm của các ngành nghề.

Truyền tải đến thanh niên qua nhiều hình thức như tại các hội nghị tuyên truyền, tư vấn; gửi đến các đơn vị đóng quân ngoài tỉnh để cung cấp thông tin đến các thanh niên; đăng tải lên mạng xã hội thông qua các ứng dụng: facebook, zalo, tiktok...

Đổi mới phương pháp khảo sát nhu cầu học nghề và nhu cầu việc làm của thanh niên; thời điểm khảo sát vào tháng 11 hàng năm và thực hiện trước khi tổ chức các hội nghị tuyên truyền tư vấn hướng nghiệp cho thanh niên; kết nối việc làm cho thanh viên với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng...

Ngoài ra, các địa phương thường xuyên nắm bắt tình hình việc làm của thanh niên, cung cấp danh sách về Trung tâm Dịch vụ việc làm để hỗ trợ giới thiệu việc làm cho thanh niên.

Ngân hàng chính sách xã hội tuyên truyền, phổ biến các chính sách cho vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm; hỗ trợ thanh niên có nhu cầu vay vốn để giải quyết việc làm.



Tag:

File đính kèm