Sign In

Thứ trưởng Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn Nghị sỹ Iran

14:52 03/11/2023

Ngày 2/11, tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn Nghị sỹ I-ran do Tiến sỹ Jalil Rahimi Juhan Abadi làm trưởng đoàn.


Thứ trưởng Trần Thanh Nam và đoàn Nghị sỹ Iran

Page Content

Tiến sỹ Jalil Rahimi Juhan Abadi tự hào cho biết, I-ran là một cường quốc trên thế giới, là 1 trong 5 nước đứng đầu thế giới về dầu, 1 trong 6 nước đứng đầu về khí đốt và 1 trong 7 nước đứng đầu về mỏ. Trong khi đó, quan hệ thương mại của Việt Nam và Iran lại vô cùng bé nhỏ so với kim ngạch xuất khẩu xấp xỉ 700 tỷ USD của Iran. Tiến sỹ Juhan Abadi cho biết, quốc hội Iran đang xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm lần thứ 7, trong đó dành một phần quan trong cho việc thúc đẩy hợp tác với Việt Nam.

Nhân chuyến thăm Bộ NN&PTNT lần này, Tiến sỹ Jalil Rahimi Juhan Abadi đã đề xuất một số lĩnh vực hợp tác như tổ chức các hội nghị để gặp gỡ, trao đổi thông tin giữa hai nước để lựa chọn các mặt hàng nông sản mà Iran có thể cung cấp cho Việt Nam và ngược lại. Qua đó có thể tổ chức hội chợ để giao lưu hàng hóa, vấn đề kiểm dịch động, thực vật cũng được quan tâm hợp tác.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam và Tiến sỹ Jalil Rahimi Juhan Abadi, trưởng đoàn Nghị sỹ Iran

Là một nước có thế mạnh về nông nghiệp, Iran có trung tâm sản xuất gạo và xuất khẩu gạo ra thế giới. Tuy nhiên, Tiến sỹ Jalil Rahimi Juhan Abadi đánh giá cao ngành lúa gạo Việt Nam, với sản lượng hàng năm rất cao, chất lượng gạo ngon, không những đảm bảo an ninh lương thực trong nước mà còn là một nhà xuất khẩu gạo lớn nhất nhì thế giới.

 “Chúng tôi quan tâm và muốn tìm hiểu ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam, từ thời vụ đến kỹ thuật chăm sóc, các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ về vật tư nông nghiệp để người nông dân yên tâm sản xuất và sản lượng đạt cao như vậy”, Tiến sỹ cho biết.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cảm ơn sự chia sẻ chân thành và sự đồng cảm với người nông dân của Tiến sỹ Jalil Rahimi Juhan Abadi. Với lợi thế của Iran, Thứ trưởng bày tỏ tin tưởng hai nước có thể thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp trong thời gian tới, nhất là trong xuất khẩu gạo.

“Sản lượng trên 43 triệu tấn lúa, tương đương 20 triệu tấn gạo, sau đại dịch Covid các nước đang gặp khó khăn về lương thực song Việt Nam vẫn đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu. Việt Nam đang xây dựng đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh. Đây là đề án đầu tiên trên thế giới về lúa giảm phát thải và chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng và đề án này”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam chia sẻ.

Thứ trưởng đồng tình với các đề xuất phía Iran đưa ra và đề nghị các đơn vị chuyên môn đưa vào chương trình nghị sự tại Cuộc họp lần thứ 10 UBHH liên Chính phủ vào tháng 12 tới. Về lĩnh vực kiểm dịch động, thực vật, Bộ NN&PTNT sẵn sàng kết nối với cơ quan liên quan của Việt Nam để trao đổi thảo luận, hiểu rõ hơn về quy định của hai nước, trên cơ sở bản ghi nhớ đã ký giữa hai nước. Mong muốn hợp tác để trao đổi nghiên cứu chuyển giao công nghệ để sản xuất nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu. Như ngài Tiến sỹ nói Iran có nền nông nghiệp bán khô hạn, nên Việt Nam muốn tìm hiểu và học hỏi cách ứng phó để áp dụng cho một số vùng sản xuất lúa gạo ở Việt Nam bởi trong bối cảnh biến đổi khí hậu thì hạn hán đang là thách thức rất lớn đối với ngành lúa gạo Việt Nam.

Trao đổi chuyên gia hỗ trợ nhau trong lĩnh vực công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Việt Nam sẵn sàng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với Iran, doanh nghiệp Việt Nam cũng sẵn lòng học hỏi, người dân cũng sẵn sàng đón nhận trái cây của Iran như lựu, táo, kiwi và cũng hy vọng xoài, chuối, dứa, thanh long của Việt Nam đã xuất khẩu sang 180 nước trên thế giới sẽ sớm có mặt tại Iran.

Với lợi thế nông nghiệp của hai nước đều rất lớn nhưng kim ngạch thương mại không tương xứng, chỉ khoảng 100 triệu USD trong năm 2022. Chính vì thế, trong thời gian tới, hai nước cần thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường tổ chức hội nghị hội thảo giữa các doanh nghiệp.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng tán thành đề xuất hợp tác đầu tư nông nghiệp trong lĩnh vực chế biến thực phẩm xuất khẩu sang các nước thứ ba, đặc biệt là lĩnh vực sản phẩm Halal. Các doanh nghiệp Việt Nam có năng lực trong sản xuất sản phẩm Halal nhưng quy trình sản xuất, tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa tiếp cận được với các nước tiêu thụ sản phẩm Halal.

Tiến sỹ thông tin thêm, hiện nay có 57 quốc gia Hồi giáo, trong số 27 quốc gia châu Âu có 22 quốc gia dân số phần lớn theo đạo Hồi. Hiện nay Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông có quan hệ chặt chẽ với Trung tâm công nghiệp Halal tại Iran, qua đó nếu Việt Nam và Iran có thể hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp Halal sẽ có cơ hội nâng cao kim ngạch thương mại lên hàng tỷ USD trong tương lai…

NLA (Mard.gov.vn)

Tag:

File đính kèm