Sign In

Hoàn thiện chính sách pháp luật xây dựng thương hiệu nông sản

16:02 19/03/2024
Ngày 18/3, tại TP Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn (NN-PTNT) tổ chức “Hội thảo tham vấn về hoàn thiện chính sách pháp luật xây dựng thương hiệu nông sản”.

Ngày 18/3, tại TP Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn (NN-PTNT) tổ chức “Hội thảo tham vấn về hoàn thiện chính sách pháp luật xây dựng thương hiệu nông sản”.


Thứ trưởng Trần Thanh Nam chủ trì hội thảo

Theo báo cáo của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2023 của Việt Nam đạt 53,01 tỉ USD, thặng dư thương mại là 12,07 tỉ USD.

Trong đó, 11 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD. Sáu nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỉ USD. Tuy nhiên, theo ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, mặc dù, đạt được những con số ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu, có đến 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, giá xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác. Nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam có sản lượng xuất khẩu đứng nhóm đầu thế giới nhưng hầu như chưa có một thương hiệu mạnh, được người tiêu dùng biết đến rộng rãi.

Hiện 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều sản phẩm được xuất khẩu và bán ở thị trường nước ngoài dưới thương hiệu không phải của doanh nghiệp Việt Nam.

Mới chỉ có 2 sản phẩm trong tổng số 13 sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam gồm “Cao su Việt Nam” (Hiệp hội Cao su Việt Nam làm chủ sở hữu) và “Gạo Việt Nam” (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ sở hữu). Các sản phẩm còn lại như cà phê, tôm, cá tra... vẫn đang trong quá trình xây dựng.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, nhãn hiệu, thương hiệu của các sản phẩm ở nhiều cấp độ khác nhau. Mỗi một vùng, một địa phương, doanh nghiệp đều xây dựng thương hiệu ở góc độ khác nhau. Tuy nhiên, vấn đề quản lý vẫn đang còn những bất cập, có nhiều nhãn hiệu được cấp sở hữu trí tuệ nhưng vẫn chưa thể định hướng và phát huy giá trị của sản phẩm.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, có nhiều vấn đề đặt ra trong xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu như vấn đề tổng thể quốc gia; cơ chế khuyến khích để phát triển và cơ chế quản lý thương hiệu. Vì vậy, cần phải làm rõ từng vấn đề để xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho nông sản Việt Nam.

Nhận định, phải có thương hiệu để bảo vệ giá trị của sản phẩm nông sản Việt Nam và nên có nghị định để đủ cơ sở pháp lý để quản lý thương hiệu, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Viện chính sách và Cục Chế biến, Chất lượng và Phát triển thị trường cùng với Vụ Pháp chế cùng thảo luận đề xuất với Chính phủ xây dựng nghị định về quản lý và phát triển nhãn hiệu nông sản Việt Nam.

Nhãn hiệu phát triển đến một lúc nào đó sẽ trở thành thương hiệu. Vì thế, khi xây dựng nghị định phải theo chuỗi giá trị nhãn hiệu nông sản (từ giống, gieo sạ đến sản phẩm) và thông qua đơn vị quốc gia quản lý về chất lượng sản phẩm trước khi đăng ký quốc tế. Như vậy, sẽ phân định rõ được cơ chế quản lý của các cơ quan, địa phương, các ngành - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ NNPTNT đề nghị Cục Chế biến, Chất lượng và phát triển thị trường cùng với các hiệp hội ngành hàng, đơn vị có liên quan chọn ra một số sản phẩm chủ lực thí điểm thực hiện trước.

V.A (tổng hợp)

Tag:

File đính kèm