Sign In

Thúc đẩy quan hệ đối tác trong phát triển nông nghiệp Việt Nam – EU

16:04 31/05/2024
Ngày 30/5, tại Hà Nội, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã có buổi tiếp và làm việc với Phó Tổng Vụ trưởng, Tổng vụ Đối tác quốc tế, Ủy ban Châu Âu (EC) bà Myriam Ferran. Hai bên đã bàn thảo về việc thúc đẩy quan hệ đối tác trong phát triển nông nghiệp Việt Nam – EU.


Toàn cảnh buổi làm việc

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Không nằm ngoài các xu hướng định hình tương lai của thế giới, hiện nay, Việt Nam đang trong tiến trình chuyển đổi mạnh mẽ, sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, Việt Nam cam kết mạnh mẽ và tích cực triển khai chuyển đổi xanh gồm chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi công nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững và kinh tế tuần hoàn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi làm việc

Đối với ngành nông nghiệp, Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi hướng đến nền nông nghiệp “Minh bạch, trách nhiệm, bền vững và tăng trưởng xanh”. Trong quá trình xây dựng chiến lược chuyển đổi cho ngành, Việt Nam đã tham khảo một số chính sách tiên phong của EU như: Thỏa thuận xanh; Chiến lược chuỗi thực phẩm an toàn sức khỏe và thân thiện môi trường; Kinh tế tuần hoàn; Đa dạng sinh thái; Bảo tồn thiên nhiên. EU hiện đang dẫn đầu thế giới trong việc thúc đẩy và áp dụng các sáng kiến về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Việt Nam mong muốn hợp tác với EU trong các lĩnh vực EU có thế mạnh này để góp phần thực hiện các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP 26 và tiến trình chuyển đổi ngành nông nghiệp theo định hướng trên.

Về phát triển rừng bền vững, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: Bộ đánh giá cao EU đã hỗ trợ ngành nông nghiệp trong thực thi VPA/FLEGT với mục tiêu cải thiện quản trị rừng và khung pháp lý quy định các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Việt Nam cảm ơn EU đang xây dựng Chương trình hỗ trợ cho ngành lâm nghiệp giai đoạn 2024 -2028 với mục tiêu giảm hoặc ngăn chặn nạn phá rừng và chống suy thoái rừng.

Về Quy định EUDR, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ: Ngay sau khi EUDR được EC thông qua vào tháng cuối tháng 5/2023, ngay đầu tháng 7/2023, Việt Nam đã ban hành Khung kế hoạch hành động thích ứng với EUDR; Việt Nam cũng đã dự thảo Kế hoạch hành động chi tiết trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Đến nay, chúng tôi đã tổ chức 6 Hội nghị/họp với các tỉnh/thành phố có rừng, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp để thảo luận và thống nhất định hướng, khung kế hoạch hành động và triển khai các hoạt động cụ thể để thích ứng với Quy định EUDR; ký kết biên bản ghi nhớ với 5 tỉnh Tây Nguyên.

Về phát triển ngành thủy sản bền vững, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: Bộ trưởng cũng đã trao đổi với Ngài Đại sứ nhân dịp Ngài đến thăm và làm việc với Bộ vào tháng 10/2023 và tháng 4/2024. Hai bên đã trao đổi về tăng cường hợp tác để thúc đẩy phát triển bền vững ngành thủy sản Việt Nam không chỉ vì xóa thẻ vàng IUU mà còn vì tương lai của Việt Nam. Việt Nam đã xây dựng Chương trình quốc gia Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản đến năm 2030 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào đầu năm 2024. Chương trình nhằm mục tiêu phục hồi và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái thủy sinh góp phần phát triển thủy sản bền vững, giữ gìn tính đa dạng sinh học, giá trị tài nguyên sinh vật của Việt Nam. Hiện nay, Bộ đang triển khai thực hiện chương trình này.

Vào ngày 31/3 và 1/4 vừa rồi Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh, một tỉnh có thế mạnh nuôi biển tại Quảng Ninh tổ chức Hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển, nhìn từ Quảng Ninh với chủ đề “Nuôi biển, vì nguồn sống xanh cho thế hệ mai sau”. Việt Nam định hướng và triển khai phát triển nuôi biển để giảm khai thác, đồng thời tạo sinh kế cho ngư dân, tháo gỡ những xung đột lợi ích trong không gian biển.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết thêm: Từ ngày 22-24 tháng 4 vừa qua, Bộ NN&PTNT đã cử một Đoàn công tác do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu sang làm việc với EC về phát triển thủy sản bền vững và thẻ vàng IUU. Các cơ quan chuyên môn của EC ghi nhận đánh giá cao các kết quả đạt được của Việt Nam trong việc tập trung, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các khuyến nghị của EC.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Việt Nam hiện nay đang hết sức nỗ lực để khắc phục các tồn tại, hạn chế trong chống khai thác IUU. Thứ trưởng Tiến cũng đang có chuyến công tác tại tỉnh Bình Thuận để kiểm tra công tác phòng chống khai thác IUU.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, và nguy cơ mất an ninh lương thực toàn cầu do chính sách và xung đột giữa các nước; đồng thời, nhằm góp phần thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp mới và cam kết cấp cao của Việt Nam tại COP 26, Việt Nam mong muốn mở rộng cơ hội hợp tác về nông nghiệp đặc biệt là thương mại và đầu tư, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, đầu tư nông nghiệp xanh. Đồng thời, Việt Nam đề nghị hai Bên xem xét thúc đẩy ký kết thỏa thuận hợp tác với EU về phát triển xanh, bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bà Myriam Ferran cho biết: Trong thời gian 3 ngày vừa qua, bà Myriam Ferran đã chứng kiến việc triển khai thực hiện chuyển đổi xanh như chuyển đổi năng lượng xanh tại tỉnh Ninh Thuận để thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP 26. Một trong những mục tiêu chính của chuyến công tác lần này là chia sẻ về việc triển khai Chiến lược cửa ngõ toàn cầu, với trọng tâm tập trung vào kết nối toàn cầu, kết nối bền vững, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.

Và Myriam Ferran, Phó Tổng Vụ trưởng, Tổng vụ Đối tác quốc tế, Ủy ban Châu Âu EC

Bà Myriam Ferran chia sẻ: Một trong những mục tiêu EC quan tâm là chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững, giảm phát thải và giảm tác động của biến đổi khí hậu. EC có 2 dự án đang phối hợp với Bộ NN&PTNT để triển khai là dự án lâm nghiệp và chuyển đổi sinh thái nông nghiệp thông minh.

Bà Myriam Ferran bày tỏ mong muốn có thể đạt được mục tiêu tạo được tác động của các dự án triển khai tại Việt Nam và mời các đối tác là ngân hàng trong khối cấp vốn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị EU hỗ trợ ngành nông nghiệp Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như Phát triển kinh tế tuần hoàn; Phát triển nền kinh tế xanh dương (Blue economy), trong đó đặc biệt quan tâm đến nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững, có trách nhiệm, thân thiện với môi trường, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản; Triển khai các chương trình chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái, chuyển đổi sinh kế cho cộng đồng ngư dân ven biển; Nâng cao năng lực quản lý rác thải nhựa đại dương cho tàu cá, cảng cá; Cải thiện cảnh quan, môi trường các khu bảo tồn biển dựa vào cộng đồng

Bộ trưởng cũng đề nghị EU hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm bền vững; hỗ trợ người nông dân quy mô nhỏ chuyển đổi sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững và có khả năng chống chịu và phục hồi để đảm bảo sinh kế.

HNN (mard.gov.vn)

Tag:

File đính kèm