Sign In

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp

14:42 16/10/2024
Ngày 15/10, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy, triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án).


Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai đề án phát triển bền vững một triệu hecta lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; Bí thư Tỉnh ủy, lãnh đạo 12 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.

Sau gần 1 năm kể từ khi ra Quyết định số 1490/QĐ-TTg (ngày 27/11/2023) phê duyệt Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao, hoan nghênh các tỉnh, thành ĐBSCL và Bộ NN-PTNT đã cố gắng vươn lên từ khó khăn, làm hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng, giảm lạm phát, xây dựng quảng bá văn hóa thương hiệu. Theo Thủ tướng, đây là Đề án hết sức ý nghĩa với người nông dân vùng ĐBSCL, với ngành hàng lúa gạo và với nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu an toàn trước thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính, đưa mức phát thải ròng về "0" theo đúng cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã rất nỗ lực cùng 12 địa phương vùng ĐBSCL triển khai Đề án và đạt được một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai Đề án còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong cả nhận thức và hành động; quy hoạch và xác định vùng trồng lúa; cơ chế, chính sách, về việc huy động, bố trí nguồn lực triển khai Đề án…

Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tại Hội nghị, các bộ, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương báo cáo cụ thể, chi tiết tình hình triển khai Đề án; nêu rõ những vướng mắc, đề xuất, kiến nghị, trong đó nêu rõ các kết quả đạt được sau một năm thực hiện; xác định rõ, cụ thể các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, trách nhiệm để các bộ, ngành, địa phương cùng trao đổi, thống nhất các phương án, giải pháp và thẩm quyền xử lý để thúc đẩy triển khai có hiệu quả và đạt mục tiêu Đề án đề ra.

Từ đó, phân công cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành, các địa phương với phương châm "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ sản phẩm, rõ kết quả", đồng thời thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá, tinh thần là "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm", đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, mang lại sản phẩm, hiệu quả cụ thể, cân đong đo đếm được.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao và biểu dương Bộ NN-PTNT, các bộ, ngành và 12 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đã có nhiều cố gắng trong triển khai Đề án và tích cực chuẩn bị tốt cho việc tổ chức Hội nghị ý nghĩa, quan trọng này.

Toàn cảnh hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá kết quả và những thuận lợi, khó khăn trong triển khai thực hiện Đề án. Theo đó, qua gần 01 năm triển khai 07 mô hình thí điểm trên địa bàn 05 tỉnh: Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng. Đến nay, có 04/07 mô hình thí điểm vụ Hè Thu năm 2024 đã báo cáo kết quả đạt rất tích cực, cụ thể: Giảm chi phí 20 - 30%; tăng năng suất 10%; tăng thu nhập cho nông dân thêm 20 - 25%; giảm trung bình 05- 06 tấn CO2 tương đương trên 01 ha. Đặc biệt, tất cả sản lượng lúa thu hoạch đều được các doanh nghiệp đăng ký bao tiêu với giá mua cao hơn 200-300 đồng/kg. Kết quả đạt được từ các mô hình thí điểm đã tạo khích lệ lớn cho các hộ nông dân và HTX tin tưởng và tiếp tục tích cực tham gia Đề án.

Bên cạnh những thuận lợi, trong triển khai Đề án còn những khó khăn như: Người nông dân đã quen với phương thức canh tác lúa thiếu bền vững, thiếu liên kết; kết cấu hạ tầng, đặc biệt hạ tầng cho tưới tiêu chủ động, cơ giới hóa đồng bộ phục vụ sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp chưa được đảm bảo đồng bộ trên quy mô vùng; việc huy động nguồn lực đầu tư hiện nay không theo kịp tiến độ triển khai Đề án v.v..  

Qua đó, các đại biểu và chuyên gia đã đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp để thúc đẩy triển khai Đề án trong thời gian tới, trong đó cho rằng cần triển khai chính sách tín dụng phù hợp cho các Hợp tác xã vay vốn; đầu tư hệ thống hạ tầng, kỹ thuật để sản xuất lúa; triển khai, tổ chức, quản lý đồng bộ trong thẩm định lượng phát thải trong sản xuất và cơ sở để cấp tín chỉ carbon v.v..

BBT tổng hợp

Tag:

File đính kèm