Đến tham dự lễ khai mạc có ông Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội; ông Lê Minh Hoan - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; ông Trần Sỹ Thanh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ ngành, lãnh đạo các tỉnh, thành phố và địa phương, các nghệ nhân, thợ giỏi được vinh danh.
Về phía đại biểu quốc tế có Đại sứ Mexico, Phó chủ tịch Hội đồng Thủ công Thế giới…
Trước giờ khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước, lãnh đạo các Bộ ngành làm lễ dâng hương tại Điện Kính Thiên và tham quan các không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP tiêu biểu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham quan gian hàng giày thủ công của Làng nghề Hải Dương
Lần đầu tiên Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 được tổ chức nhằm bảo tồn, giữ gìn, tái hiện và phát huy bản sắc các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, hình thành các nét văn hóa đương đại của làng nghề Việt Nam, trong đó lấy các làng nghề của thành phố Hà Nội làm trung tâm để lan tỏa sang các địa phương khác. Thông qua đó tạo môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức sản xuất kinh doanh sản phẩm làng nghề; tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi, người lao động trong các làng nghề; quảng bá, giới thiệu các làng nghề, phố nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội và cả nước; từng bước thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển du lịch trong các làng nghề.Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu khai mạc Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023
Phát biểu tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan xúc động cho biết, Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 chọn địa điểm tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long, quần thể di tích lưu dấu vàng son với nhiều kiệt tác tinh xảo. Sự hiện diện của Chủ tịch Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan quốc hội, trung ương và địa phương thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước dành cho sự phát triển bền vững của làng nghề gắn với kinh tế nông thôn.
Tái hiện lễ rước Tổ nghề tại một số làng nghề truyền thống Việt Nam
Tài hoa kết tinh thành giá trị làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam trải qua lịch sử phát triển hàng nghìn năm. Bàn tay khéo léo, trí óc sáng tạo của bao thế hệ nghệ nhân, thợ giỏi đã dày công thổi hồn vào các tác phẩm độc đáo, tinh tế chyển tải di sản văn hóa, nét đẹp truyền thống của cộng đồng, dân tộc vừa có tính ứng dụng, gần gũi vừa có tính thẩm mỹ và nghệ thuật cao.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Các tác phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề chính là nét tinh hoa khi tài nguyên bản địa được kết tinh thành giá trị văn hóa đậm đà bản sắc của mỗi quốc gia, dân tộc. Hàng nghìn làng nghề nông thôn trải khắp đất nước, những di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình thủ công truyền thống đã đóng góp giá trị to lớn về kinh tế, văn hóa và xã hội.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu khai mạc Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề 2023
Thời gian tới, Bộ NN&PTNT cam kết sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành địa phương tạo điều kiện thuận lợi để các nghệ nhân, thợ giỏi, các nhà thiết kế thủ công mỹ nghệ gắn bó với nghề, với làng nghề nhằm lan tỏa giá trị tích cực đến cộng đồng, cùng bảo tồn phát huy giá trị làng nghề thủ công truyền thống, đóng góp vào chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng sống trong cộng đồng cư dân nông thôn.
"Tôi tin rằng đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi, các nhà thiết kế thủ công mỹ nghệ Việt Nam và mỗi người chúng ta, nhất là thế hệ trẻ sẽ luôn tự tin và tự hào tìm kiếm, chăm chút, tạo dựng những giá trị vô tận từ tài nguyên bản địa đa dạng, bản sắc văn hóa xã hội độc đáo, với đôi tay khéo léo, óc sáng tạo, cảm nhận tinh tế, chúng ta nhất định không để cho người phụ nghề, chúng ta có trách nhiệm làm cho nghề Việt, tinh hoa Việt bay cao, bay xa...", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắn nhủ.