Sign In

Gặp mặt các doanh nghiệp trước thềm Festival Quốc tế ngành hàng Lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang năm 2023

14:27 24/11/2023

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức Festival Quốc tế ngành hàng Lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang năm 2023 (Festival), chiều 23/11, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức buổi gặp mặt các Doanh nghiệp về việc tham gia Festival.


Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi gặp mặt các Doanh nghiệp về việc tham gia Festival

Page Content

Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Hoàng Trung chủ trì buổi gặp mặt tại đầu cầu Hà Nội. UBND tỉnh Hậu Giang dự trực tuyến tại đầu cầu Hậu Giang. Tham gia trực tiếp buổi gặp mặt còn có lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, các Hiệp hội, tổ chức, tổng công ty hoạt động và kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, sau gần 10 năm Việt Nam tổ chức Festival Quốc tế về ngành hàng lúa gạo nhân kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh Hậu Giang. Festival được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trực tiếp, với sự nhấn mạnh đặc biệt bối cảnh Quốc tế. Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về lương thực, các nhà nhập khẩu đến Việt Nam thường xuyên hơn trong năm 2023, cũng là một năm mà các tổ chức, đối tác quốc đến làm việc với Bộ với mong muốn hỗ trợ Việt Nam trở thành một quốc gia xuất khẩu gạo trong bối cảnh thế giới đầy bất trắc hiện nay.

Bộ trưởng chia sẻ, Festival không phải hội chợ thương mại, Festival nơi là trình làng cấu trúc của một chuỗi ngành hàng lúa gạo từ nghiên cứu giống, KHCN, cơ giới hóa trên đồng ruộng, ứng dụng công nghệ thông minh vào sản xuất và những sản phẩm, chế phẩm sinh học đang được sản xuất trên đồng ruộng.

Quang cảnh buổi gặp mặt các Doanh nghiệp về việc tham gia Festival Quốc tế về ngành hàng lúa gạo Hậu Giang 2023

Bộ trưởng bày tỏ mong muốn cộng đồng doanh nghiệp sẽ đồng hành, tham gia cùng với Bộ để làm tốt Festival này. Từ đó, thương mại gạo sẽ được đẩy nhanh, đẩy mạnh hơn nữa. Thay đổi hình ảnh lúa gạo theo hướng chuyển từ số lượng sang chất lượng cao, phát thải thấp. Chính phủ đặt kỳ vọng Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trên thế giới phát triển ngành hàng lúa gạo theo hướng phù hợp với xu thế tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Theo ông Ngô Thế Hiên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã tích cực phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang và các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai, đến nay các nội dung của Festival đã cơ bản hoàn thành.

Đây là Festival Quốc tế đầu tiên về ngành hàng lúa gạo Việt Nam trong bối cảnh ngành nông nghiệp nói chung và ngành hàng lúa gạo Việt Nam đã tạo được hình ảnh và dấu ấn rõ nét cùng nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Không những đảm bảo an ninh lương thực, Việt Nam là một quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với khoảng 6 triệu tấn gạo mỗi năm. Trong bối cảnh khủng hoảng lương thực thực phẩm toàn cầu hiện nay, thành tựu này càng trở nên có ý nghĩa.

Trong 10 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu 7,3 triệu tấn, đạt kim ngạch 3,97 tỉ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là thời điểm phù hợp để tổ chức Festival nhằm giới thiệu thành tựu của ngành hàng lúa gạo, sự đóng góp của nông dân, nhà khoa học, hợp tác xã, cộng đồng doanh nghiệp, vai trò quản lý của Trung ương và địa phương. Từ đó truyền thông cam kết của lãnh đạo cấp cao Việt Nam với thế giới rằng Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm khi tham gia hệ thống lương thực thực phẩm toàn cầu minh bạch, trách nhiệm, bền vững. Thông qua đó vận động quốc tế ủng hộ Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo về lương thực thực phẩm của khu vực.

Ngoài ra, Festival sẽ đưa ra tầm nhìn liên kết giữa Hậu Giang trong vùng Tứ giác Long xuyên, ĐBSCL cùng sự chuyển đổi tư duy từ sản xuất lúa gạo sang tư duy kinh tế ngành hàng lúa gạo.

Dự kiến Festival sẽ đón hơn 1.000 đại biểu với khoảng 200 khách đến từ các quốc gia, tổ chức quốc tế, 200 nhà báo trong và ngoài nước, các Bộ ngành, 63 tỉnh, thành phố cả nước, các viện, trường, hiệp hội, doanh nghiệp trong ngành và liên quan đến ngành lúa gạo, các cơ quan ban ngành trong tỉnh Hậu Giang và các tỉnh lân cận.

Lễ khai mạc Festival diễn ra tại quảng trường Hòa Bình, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang vào tối 11/12. Chuỗi sự kiện Festival gồm các nội dung như Triển lãm Con đường lúa gạo Việt Nam từ ngày 11-15/12; Triển lãm Thành tựu kinh tế - xã hội với các sản phẩm OCOP và các sản phẩm của các tỉnh, thành cả nước; Triển lãm Chuỗi giá trị ngành hàng Lúa gạo; Trình diễn cơ giới hóa gieo xạ và mô hình nông nghiệp tuần hoàn từ rơm vào ngày 12/12; Hội thi Nhà nông trẻ chuyên nghiệp tỉnh Hậu Giang; Tổ chức xác lập kỷ lục Việt Nam; các hội thảo quốc tế về lương thực thực phẩm, thị trường lúa gạo, KHCN đổi mới sáng tạo…

Ông Ngô Thế Hiên nhấn mạnh: Thông điệp của Festival là sự độc đáo, chuyên nghiệp, hiệu quả, nêu bật giá trị ngành hàng lúa gạo, thương hiệu gạo Việt với chủ đề "Hành trình trăm năm lúa gạo Việt", qua đó hình ảnh văn hóa, con người của miền sông nước nói riêng và đất nước, con người Việt Nam gắn với nền văn minh lúa nước nói chung sẽ được thể hiện rõ nét.

Thông qua Festival Quốc tế về ngành hàng Lúa gạo Việt Nam 2023, Ban tổ chức mong muốn quảng bá hạt gạo Việt với bạn bè thế giới, tổ chức ký kết các thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp, ký kết các biên bản ghi nhớ giữa các nước với doanh nghiệp lúa gạo Việt Nam. Đặc biệt, tại Festival sẽ diễn ra lễ ký kết giữa Bộ NN&PTNT với Ngân hàng Thế giới (WB) về triển khai Chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải tại ĐBSCL. Kết quả cuối cùng là từng bước hình thành hiệp hội lúa gạo Việt Nam trong thời gian tới./.

NLA (Mard.gov.vn)

Tag:

File đính kèm