Theo ông Đào Quốc Luân, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch, năm 2023, kết quả thực hiện của dự án đã góp phần tăng nhanh tỷ lệ sử dụng giống đúng tiêu chuẩn cho sản xuất, tạo ra đột phá mới về năng suất, chất lượng sản phẩm; góp phần thực hiện thành công định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Với 03 nhiệm vụ chính là Phát triển khoa học công nghệ về giống, bao gồm bảo tồn, lưu giữ nguồn gen, nuôi giữ giống gốc và nghiên cứu chọn tạo giống; Phát triển sản xuất giống; Hoàn thiện hệ thống giống, công tác chỉ đạo điều hành chung giữa các Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các địa phương đã ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách thực hiện Chương trình giống của tỉnh Tiền Giang, Quảng Nam, Sơn La, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Quảng Trị, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Long An, Gia Lai, Cà Mau, Vĩnh Long. Các tỉnh Quảng Bình, Tuyên Quang, Đồng Nai, Quảng Trị, Bình Định, Đắk Nông, Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình.
Trong đó, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định phê duyệt đề án giống. Một số địa phương thực hiện lồng ghép các nhiệm vụ thuộc Chương trình giống vào các Nghị quyết, Kế hoạch chung của tỉnh.
Toàn cảnh hội nghị tổng kết kết quả thực hiện Chương trình giống giai đoạn 2021 - 2023
Về tiến độ thực hiện các nhiệm vụ do Bộ NN&PTNT quản lý, trong ba năm qua, nhiệm vụ lưu trữ nguồn gen đã cấp 38,5 tỷ đồng thực hiện 44 nhiệm vụ ; nhiệm vụ nuôi giữ giống gốc đã cấp 269,9 tỷ đồng thực hiện 12 nhiệm vụ; nhiệm vụ nghiên cứu chọn tạo giống đến nay Bộ Khoa học và Công nghệ đang triển khai tuyển chọn 26 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia về nghiên cứu chọn tạo giống thuộc 04 lĩnh vực: trồng trọt; chăn nuôi; thủy sản; lâm nghiệp và cây công nghiệp.
Giai đoạn 2021-2025, Bộ NN&PTNT thực hiện 05 dự án thuộc nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống giống, với tổng kinh phí 1.229,7 tỷ đồng. Đến năm 2023, Vụ Kế hoạch đã phê duyệt được 26/33 dự án; tổng NSNN duyệt là 288,5 tỷ đồng. Trong đó, trồng trọt 15/20 dự án, lâm nghiệp 09/09 dự án, thủy sản 02/04 dự án.
Ông Đào Quốc Luân đánh giá, mặc dù các địa phương, đơn vị quan tâm, tích cực triển khai thực hiện Chương trình, song trình tự lập, thẩm định, phê duyệt các dự án phát triển sản xuất giống chưa được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật nên mất nhiều thời gian triển khai, các nhiệm vụ sử dụng nguồn vốn sự nghiệp gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện nên tiến độ chậm.
Để khắc phục những khó khăn, tồn tại trong giai đoạn vừa qua, ông Luân đề nghị các Chủ đầu tư lưu ý để phối hợp thực hiện trình tự duyệt dự toán chi tiết vốn sự nghiệp năm 2024 thay đổi đáng kể so với năm 2023. Đồng thời, sẽ điều chỉnh lại kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 đối với 01 dự án chăn nuôi, sử dụng vốn kết đầu tư đối với 04 dự án trồng trọt.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, sau 3 năm thực hiện Chương trình đã khẳng định hiệu quả, đặc biệt trong giai đoạn KHCN phát triển mạnh như ngày nay, giống quyết định năng suất chất lượng. Thứ trưởng lưu ý nếu không chú trọng xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ để giải quyết bài toán giải ngân, tạo động lực phát triển thì nông nghiệp sẽ rất khó khăn.
Trong năm 2023, mặc dù còn nhiều khó khăn, ngành nông nghiệp vẫn đạt mức tăng trưởng 3,83%, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước. Để có được kết quả này, Thứ trưởng đánh giá cao công tác giải ngân vốn đầu tư công, đạt 94,63% trong năm nay. Để tạo đà tăng tốc trong năm 2024 và về đích năm 2025, chúng ta cần xác định lại khó khăn, vướng mắc, quyết liệt tháo gỡ, bởi đầu tư cho hạ tầng là một nhiệm vụ quan trọng của nền kinh tế, khi đã chỉ rõ điểm yếu của nông nghiệp là hạ tầng cơ sở, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, chế biến, KHCN, nguồn nhân lực chất lượng cao và dịch bệnh.
“Các đơn vị quản lý của Bộ cần chung tay tháo gỡ khó khăn để nguồn đầu tư đảm bảo đúng pháp luật, đạt tỷ lệ cao nhất, bên cạnh hạ tầng cơ sở vật chất, trang thiết bị, để có giống thực sự chất lượng, phù hợp với đặc điểm sinh lý sinh sản, sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi. Giống chất lượng là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển sản xuất của tất cả lĩnh vực của ngành nông nghiệp”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.