Sign In

Thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Canada trong các lĩnh vực liên quan đến biến đổi khí hậu

14:05 14/03/2024
Sáng 14/3, tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Thứ trưởng Phùng Đức Tiến có buổi tiếp và làm việc với Bà Catherine Stewart, Đại sứ Biến đổi khí hậu Canada. Nội dung của buổi làm việc nhằm thảo luận các lĩnh vực hợp tác hiện tại và tiềm năng giữa Canada và Việt Nam, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu.


Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tiếp bà Catherine Stewart, Đại sứ Biến đổi khí hậu Canada

Phát biểu tại buổi tiếp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Canada những năm gần đây rất được coi trọng và thúc đẩy. Chính phủ Canada trong thời gian qua đã ủng hộ mạnh mẽ cho ngành NN&PTNT Việt Nam thông qua dự án về An toàn thực phẩm và dự án Cộng đồng ven biển thích ứng với biển đổi khí hậu thông minh. Theo Thứ trưởng Phùng Đức tiến, ngành nông nghiệp Việt Nam chiếm tỉ trọng rất cao trong GDP, với khoảng 12%, đảm bảo tốt về an ninh lương thực thực phẩm trong những năm vừa qua cho cả người dân trong nước và xuất khẩu ra nhiều thị trường trên thế giới. Năm 2023, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt trên 53 tỉ USD, thặng dư 12,7 tỉ USD, chiếm khoảng 50% thặng dư của cả nền kinh tế. Hai tháng đầu năm 2024, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã đạt 9,84 tỉ USD. Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam còn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức rất lớn như quy mô sản xuất nhỏ, hạ tầng yếu, ô nhiễm môi trường, nguồn nhân lực chất lượng cao, chế biến thương mại còn hạn chế. Đặc biệt, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu rất nặng nề. Việt Nam hướng tới phát triển nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh, đặc biệt tập trung cho chuyển đổi số, kinh tế xanh, nông nghiệp xanh, giảm phát thải khí nhà kính theo đúng cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26 và COP28. Trên cơ sở đó, Bộ NN&PTNT cũng như Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt rất nhiều đề án liên quan đến lĩnh vực này. Canada có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và công nghệ cao, Việt Nam rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ hợp tác của Canada về các lĩnh vực nghiên cứu như kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần sự giúp đỡ của Canada trong công tác phòng chống lũ, chống cháy rừng và đa dạng sinh học ở tất cả các lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp. Ngoài ra,, một trong những nội dung Việt Nam rất quan tâm đó là chọn giống cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là giống cây trồng ứng phó với biến đổi khí hậu. Để triển khai những kế hoạch này, Việt Nam rất mong muốn có nguồn đầu tư từ các tổ chức tài chính, phát triển của Canada.Bà Catherine Stewart, Đại sứ Biến đổi khí hậu Canada đánh giá cao mối quan hệ chặt chẽ với Bộ NN&PTNT trong vòng 50 năm hợp tác quan hệ ngoại giao và 30 năm quan hệ hợp tác phát triển. Bà mong muốn tiếp tục củng cố mối quan hệ đó, đồng thời cũng để thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Canada tại Việt Nam. Canada cảm nhận rất rõ tác động của biến đổi khí hậu, khi trong năm 2023, Canada đã phải hứng chịu 4 trận cháy rừng, tiêu hủy diện tích lên tới 18,5 triệu ha rừng, cũng như hiểu rất rõ tác động của biến đổi khí hậu đối với đời sống con người, tự nhiên và nền kinh tế nói chung và cần phải có hành động để chống lại biến đổi khí hậu. Bà Catherine Stewart đánh giá cao cam kết của Chính phủ Việt Nam đạt được phát thải ròng bằng 0 vào năm 2030 tại COP26. Canada đã áp dụng nhiều biện pháp để chống lại biến đổi khí hậu, trong lĩnh vực nông nghiệp Canada tập trung vào những biện pháp chính như giảm phát thải, tăng cường năng suất nông nghiệp đồng thời đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu. Hiện nay, Canada có chiến lược sản xuất nông nghiệp bền vững và có dòng ngân sách lên đến 1,5 tỉ CAD để thực hiện chiến lược này. Bà mong chờ được tiếp tục hợp tác với Việt Nam ở dự án An toàn thực phẩm và nhiều dự án khác trong các lĩnh vực hợp tác giữa hai bên. Canada cũng sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng hệ thống hạ tầng tốt hơn để có thể ứng phó với biến đổi khí hậu ở các lĩnh vực như phòng chống lũ lụt, chống cháy rừng, đa dạng sinh học. Bà cũng mong muốn Việt Nam sẽ tham dự “Thách thức định giá các-bon toàn cầu”, một sáng kiến của Canada. Theo bà Catherine Stewart, việc định giá các-bon và phát triển thị trường các-bon sẽ có tác dụng rất lớn trong giảm phát thải khí nhà kính và việc hai bên hợp tác trên cơ sở đối tác để có thể chia sẻ kinh nghiệm cùng nhau trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, Bà Catherine Stewart cho biết Canada sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong triển khai thực hiện đề án "Phát triển bền vững một triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cám ơn những đề xuất của Bà Catherine Stewart cho sự hợp tác của hai bên trong thời gian tới. Thứ trưởng hy vọng sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ, hợp tác và đầu tư từ phía Canada, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững trong tương lai.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tặng quà lưu niệm cho Bà Catherine Stewart 

V.A (mard.gov.vn)

Tag:

File đính kèm