Tại Lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp thông tin, bên cạnh kết quả đạt được, chúng ta đang đối mặt với nhiều hơn các thách thức cần giải quyết. Trong đó, biến đổi khí hậu là một vấn đề lớn, không thể lường trước và ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Đến nay, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh khoảng 92%. Trong đó, tỷ lệ sử dụng nước đạt quy chuẩn là 57%; hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu đạt 94% (trong đó có 80% có nhà tiêu hợp vệ sinh); 96% trường học, trạm y tế có công trình cấp nước và vệ sinh.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết dù đã rất nỗ lực nhưng hiện vẫn còn 43% người dân nông thôn chưa có nguồn nước hợp quy chuẩn quốc gia sử dụng. Giảm tỷ lệ này không những là mục tiêu mà còn là áp lực rất lớn.
Ông cũng cho biết thêm 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long đang có khoảng 50.000 hộ thiếu nước sạch, phải sử dụng nhiều giải pháp khác nhau đảm bảo có nước sạch sinh hoạt.
Điển hình tại Cà Mau, hiện khoảng 4.000 hộ phải dùng biện pháp khẩn cấp để có nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt.
Ủy ban Nhân dân tỉnh có nhiều giải pháp kể cả vận động doanh nghiệp, lực lượng vũ trang vận chuyển nước sạch cho người dân nhưng thách thức hiện còn rất lớn.
Trước những vấn đề đang đặt ra, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị, cần thống nhất lại nhận thức rằng, Việt Nam là quốc gia thiếu nước, nước không phải là nguồn tài nguyên vô hạn, vậy nên cần có hành động tương xứng.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị, cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục có sự đầu tư và hành động cụ thể hơn nữa, đảm bảo mọi người dân, đặc biệt là người dân nông thôn đều được tiếp cận một cách bình đẳng, công bằng về nước sạch cũng như vệ sinh môi trường.
Nhân dịp này, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF hỗ trợ 50 bình lọc và 10 bồn chứa nước Tân Á Đại Thành cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi thiếu nước và xâm nhập mặn để bà con sử dụng nước sạch, đảm bảo vệ sinh. Ngoài ra, Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau ủng hộ 1 tỷ đồng hỗ trợ người dân tỉnh Cà Mau chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp trao tặng máy lọc nước cho người dân ở Cà Mau.
Cũng trong ngày 9/4/2024, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cùng đoàn đại diện của Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO) tại Việt Nam đã kích hoạt gói hỗ trợ cho người dân chịu ảnh hưởng hạn mặn.
Nhân dịp này, Thứ trưởng cùng đoàn đại diện của FAO đến thăm và cấp phát tiền mặt cho người dân chịu ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn tại xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.
Chương trình này nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường năng lực và mở rộng quy mô triển khai hành động sớm cùng với việc kết nối với hệ thống bảo trợ xã hội”, do Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai phối hợp với tổ chức FAO.
Hoạt động cấp phát tiền mặt cho người dân được chia làm 2 đợt (tháng 4 và tháng 5/2024), với tổng kinh phí hơn 5,4 tỷ đồng. Định mức hưởng lợi đối với hộ 1 nhân khẩu là 1 triệu đồng; hộ 2 nhân khẩu 2 triệu đồng; hộ 3 nhân khẩu trở lên 3 triệu đồng mỗi đợt. Hơn 1.000 hộ gia đình tại 4 xã (Khánh An, Khánh Thuận - huyện U Minh; Khánh Hưng - huyện Trần Văn Thời; Biển Bạch - huyện Thới Bình) sẽ được hỗ trợ tiền mặt.
Ông Rémi Nono Womdim, Trưởng Đại diện FAO tại Việt Nam cho rằng: "Đây là hoạt động đầu tiên ở Việt Nam, kích hoạt hành động sớm ứng phó hạn hán thể hiện cam kết mang tính bước ngoặt của Chính phủ Việt Nam và FAO nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự và tiên phong áp dụng phương pháp này ở Đông Nam Á".
Theo đại diện Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, từ năm 2022 Cục đã phối hợp chặt chẽ với Tổ chức FAO tại Việt Nam thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật "Tăng cường năng lực và quy mô triển khai Hành động sớm cùng với việc kết nối với hệ thống Bảo trợ xã hội". Đây là một dự án vùng gồm 5 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Hợp phần Dự án ở Việt Nam có Tổng ngân sách dự kiến khoảng 1,7 triệu USD từ nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại của Cơ quan Hoạt động Viện trợ Nhân đạo và Bảo vệ dân sự châu Âu (DG ECHO) thông qua FAO.
Tại Việt Nam, FAO phối hợp cùng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai các cấp, các tỉnh nhằm xây dựng Kế hoạch Hành động sớm và thúc đẩy việc lồng ghép vào hệ thống Phòng chống thiên tai của Việt Nam.