Về thị trường, khu vực thị trường châu Á tiếp tục là thị trường khu vực xuất khẩu lớn nhất trong năm 2023, đạt hơn 6 triệu tấn, chiếm 75% tổng lượng xuất khẩu, tăng 22,8% so với năm 2022; tiếp đến là châu Phi với kết quả xuất khẩu đạt gần 1,34 triệu tấn, chiếm 16,5% tổng lượng gạo xuất khẩu, tăng gần 7,2%. Khu vực thị trường châu Âu tuy chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam (khoảng 1,6%) nhưng vẫn đạt 132,6 nghìn tấn.
Xuất khẩu gạo tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng tại các thị trường truyền thống, cụ thể: tại Philippines - thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 38,7% tổng lượng xuất khẩu, tương đương xuất khẩu đạt 3,14 triệu tấn, giảm 1% so với năm 2022; tại Indonesia - thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm 14,5% trong tổng lượng xuất khẩu gạo của cả nước, tương đương 1,18 triệu tấn, tăng gần 10 lần về lượng so với năm 2022; tại Trung Quốc - thị trường xuất khẩu gạo đứng thứ 3, chiếm trên 11,3% trong tổng lượng xuất khẩu, tương đương 918,3 nghìn tấn, tăng 10,1% so với năm 2022.
Chủng loại gạo xuất khẩu tiếp tục đi đúng định hướng gia tăng giá trị cho hạt gạo. Chủng loại gạo trắng thường vẫn tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt gần 40% tổng lượng xuất khẩu; tiếp đến là chủng loại gạo thơm các loại chiếm khoảng 34,2% tổng lượng xuất khẩu; chủng loại gạo nếp đứng thứ 3, chiếm khoảng 8% tổng lượng xuất khẩu.
Tính đến hết quý I/2024, xuất khẩu gạo tăng 17,6% về lượng, tăng 45,5% về kim ngạch và tăng 23,6% về giá so với quý I năm 2023, đạt trên 2,18 triệu tấn, tương đương gần 1,43 tỷ USD, giá trung bình 653,9 USD/tấn.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý I vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ lớn về sản lượng. Trong đó, Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam chiếm 46,4% trong tổng lượng và chiếm 45,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, đạt trên 1,01 triệu tấn, tương đương gần 649 triệu USD, giá xuất khẩu trung bình đạt 641,7 USD/tấn, tăng 13,2% về lượng, tăng 44% về kim ngạch và tăng 27,3% về giá so với cùng kỳ năm 2023; xuất khẩu gạo sang Indonesia đứng thứ 2 thị trường, tăng mạnh 199,7% về lượng, tăng 308,8% kim ngạch và tăng 36,4% về giá so với cùng kỳ năm 2023, đạt 445.326 tấn, tương đương 285,06 triệu USD, giá 640 USD/tấn, chiếm trên 20% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Tiếp theo, xuất khẩu gạo sang thị trường Malaysia tăng 28,8% về lượng, tăng 60,6% kim ngạch và tăng 24,7% về giá so với quý I năm 2023, đạt 98.917 tấn, tương đương 61,55 triệu USD, giá trung bình 622,3 USD/tấn, chiếm trên 4% trong tổng lượng và tổng kim ngạch.
Một số chủng loại gạo xuất khẩu trong quý I/2024 vẫn được ưa chuộng trên thị trường: gạo thơm các loại (ST24, ST 25, ĐT8, Hàm Châu, Nàng Hoa v.v.), gạo jasmine, gạo japonica, gạo trắng 5% v.v.
Theo Bộ NN&PTNT, sản lượng gạo hàng hóa xuất khẩu chủ yếu tập trung ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); các vùng khác chủ yếu phục vụ cho tiêu thụ nội địa.
Tổng khối lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu tại các tỉnh vùng ĐBSCL năm 2024 ước đạt khoảng 7,6 triệu tấn, trong đó, nhóm gạo chất lượng cao khoảng 3,2 triệu tấn; nhóm gạo thơm, đặc sản đạt 2,5 triệu tấn; nhóm gạo chất lượng trung bình đạt 1,15 triệu tấn; nhóm nếp đạt 0,75 triệu tấn.
Về cân đối lượng gạo hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu năm 2024, tổng khối lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu tại các tỉnh vùng ĐBSCL ước đạt khoảng 7,6 triệu tấn. Trong đó, tổng lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước 4,38 triệu tấn; lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu 6 tháng cuối năm ước 3,22 triệu tấn.