Sign In

Nâng cao tiềm lực nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và làm chủ công nghệ sinh học hiện đại của khu vực và thế giới

17:04 24/05/2024
Ngày 24/5, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức cuộc họp Ban Điều hành Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2030. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì cuộc họp.


Toàn cảnh cuộc họp

Tại cuộc họp, Bà Nguyễn Giang Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ NN&PTNT đã báo cáo các kết quả chính của Đề án đến năm 2023. Cụ thể, về Kết quả thực hiện nhiệm vụ “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp”, đến năm 2023, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổ chức xác định, tuyển chọn, giao trực tiếp các nhiệm vụ KHCN và trình Bộ phê duyệt thực hiện 22 nhiệm vụ KHCN. Các nhiệm vụ KHCN được phê duyệt là các đề tài theo hướng tiếp cận, làm chủ công nghệ thế hệ mới như công nghệ chỉnh sửa gen, công nghệ protein, enzyme … phục vụ chọn tao giống cây trồng, vật nuôi, động vật thủy sản có năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh hoặc chống chịu tốt với điều kiện môi trường bất thuận, cac sản phẩm sinh học phục vụ quản lý bệnh dịch hại cây trồng vật nuổi, sơ chế bảo quản sau thu hoạch hoặc chế biến nông sản thực phẩm có giá trị gia tăng cao và các dự án sản xuất thử nghiệm nhằm hoàn thiện công nghệ sản phẩm kế thừa từ giai đoạn trước tạo sản phẩm công nghệ đưa vào thương mại.

Nhiệm vụ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghệ sinh học của Đề án đã bắt đầu được được triển khai dưới dạng hợp tác, trao đổi thông tin và chuyển giao KHCN của các đề tài dự án. Nhiều chủ nhiệm đề tài, dự án triển khai trong khuôn khổ của Chương trình đều có quan hệ với các đối tác nước ngoài và tranh thủ sự giúp đỡ của đối tác trong việc nâng cao trình độ cho các cán bộ khoa học. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã  chủ trì và phối hợp với Crop life Asia tổ chức một số Hội thảo giới thiệu các thành tựu của công nghệ sinh học hiện đại, đặc biệt về công nghệ chỉnh sửa gen và quản lý an toàn sinh học đối với sản phẩm của công nghệ chỉnh sửa gen.

Bên cạnh trang tin điện tử agrobiotech.gov.vn thường xuyên cung cấp các thông tin về hoạt động của Đề án, năm 2023 Vụ KHCNMT đã phối hợp với Tổ chức Croplife Asia tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị quốc tế về các thành tựu của CNSH hiện đại, đặc biệt về phát triển và ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gen, công nghệ chuyển gen sử dụng cho cây trồng, vật nuôi.

Bà Nguyễn Giang Thu cho biết: Một số nhiệm vụ của Đề án chưa được thực hiện hoặc thực hiện với qui mô nhỏ. Sản phẩm trên một số đối tượng cũng còn nhiều hạn chế, mới tạo ra chủ yếu là các sản phẩm trung gian, sẽ là vật liệu để nghiên cứu, sản xuất tạo ra các sản phẩm cuối cùng, phát triển vào sản xuất. Lĩnh vực mà các đề tài dự án triển khai còn dàn trải trên nhiều đối tượng, chưa tập trung nguồn lực vào giải quyết một số vấn đề cấp bách trên một số đối tượng cây trồng hay giống thủy sản chủ lực mà cần có công nghệ cao, công nghệ sinh học mới có thể giải quyết được. Việc hợp tác, đồng hành với doanh nghiệp còn thấp.

Đề án chưa thực hiện nội dung đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ  và mới bắt đầu triển khai nội dung xây dựng, đầu tư tăng cường trang thiết bị cho các phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ sinh học.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: CNSH đóng góp lớn vào sự phát triển của ngành nông nghiệp. Ví dụ như trong nghiên cứu sản xuất giống lúa, CNSH đã giúp nghiên cứu chọn tạo ra  các giống lúa năng suất cao, nhiều tính vượt trội và tạo ra các sản phẩm gạo ngon. Phát triển CNSH tạo ra giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại cuộc họp

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, trong thời gian tới, cần nâng cao tiềm lực nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và làm chủ CNSH hiện đại của khu vực và thế giới, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ CNSH ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực.

HNN (mard.gov.vn)

Tag:

File đính kèm