Trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Kim ngạch xuất khẩu NLTS tháng 8/2024 ước đạt 5,55 tỷ USD, tăng 12,3% so với tháng 8/2023; đưa tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS 8 tháng đầu năm 2024 đạt 40,08 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 21,31 tỷ USD, tăng 24%; giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 324,2 triệu USD, tăng 0,3%; giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 6,23 tỷ USD, tăng 7,6%; giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 10,97 tỷ USD, tăng 19,7%; giá trị xuất khẩu đầu vào sản xuất đạt 1,23 tỷ USD, giảm 6,8%; giá trị xuất khẩu muối đạt 3,5 triệu USD, giảm 4,2%.
Trong tháng, giá thu mua lúa tăng tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); giá thu mua cà phê vẫn tiếp tục tăng do nhu cầu trên thế giới tăng, trong khi nguồn cung cạn kiệt; giá chè giữ ở mức ổn định; giá thịt lợn hơi bình quân ở hầu hết các vùng trên cả nước giảm do nhu cầu tiêu thụ thấp; giá tôm tiếp tục giảm do nhu cầu tiêu thụ tôm ở các thị trường chính đều sụt giảm, giá xoài ở các tỉnh ĐBSCL tăng do nguồn cung hạn hẹp.
Tình hình chăn nuôi trong tháng ổn định, đàn gia súc, gia cầm chủ yếu phát triển tốt; các địa phương kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Ước tính tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 8 tăng khoảng 1% so với cùng thời điểm năm 2023; đàn gia cầm tăng khoảng 3,4% so với cùng thời điểm năm 2023.
Ngày 19/8/2024, Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư cho phép xuất khẩu các mặt hàng: sầu riêng đông lạnh, dừa tươi và cá sấu sang thị trường Trung Quốc. Cục Bảo vệ thực vật cũng đã hoàn thiện các điều kiện nhập khẩu để mở cửa thị trường cho các sản phẩm chanh leo xuất khẩu vào Úc và Mỹ, gạo xuất khẩu sang Venezuela. Trong tháng tới sẽ có lô hàng đầu tiên xuất khẩu thịt sống sang thị trường Trung Quốc.
Hiện giá sản phẩm chăn nuôi đang ở mức cao, người nuôi có động lực sản xuất và tái đàn. Trong thời gian tới, Cục Chăn nuôi sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp đảm bảo nguồn cung từ nay đến cuối năm, dự báo hoàn toàn có thể đảm bảo nhu cầu trong nước dịp Tết nguyên đán, với sản lượng thịt hơi các loại ước đạt trên 8 triệu tấn; 19,7 tỉ quả trứng; sữa tươi trên 1,2 triệu tấn.
Về lĩnh vực chuyển đổi số, Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp phối hợp cùng Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) và Cục Trồng trọt hoàn thiện Hệ thống theo dõi báo cáo sản xuất lúa Rice More, hệ thống sẽ giúp các tỉnh ĐBSCL theo dõi sản xuất lúa theo thời gian thực.
Về Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao giảm phát thải tại ĐBSCL, Thứ trưởng Trần Thanh Nam thông tin, khảo sát bước đầu cho thấy Đề án có nhiều tín hiệu khả quan. Thứ trưởng nhấn mạnh đến mục tiêu chính của đề án là giảm chi phí sản xuất lúa, tăng năng suất lúa và giảm phát thải chứ không phải là bán tín chỉ các-bon. Việc xây dựng vùng nguyên liệu các ngành hàng cà phê, trái cây, lúa gạo và rừng bắt đầu phát huy hiệu quả. Đặc biệt ngành hàng rau, củ, quả cần tiếp tục đầu tư vào vùng nguyên liệu và nâng cao giá trị.
Trong bối cảnh cơn bão Yagi đang di chuyển nhanh hướng vào các tỉnh miền Bắc, được dự báo là cơn bão mạnh nhất trong lịch sử, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặc biệt yêu cầu các Cục Thủy sản, Trồng trọt và Chăn nuôi theo dõi sát thông tin, dự báo của Cục Đê điều và Phòng chống thiên tai, Cục Thủy lợi để kiểm tra, phát hiện và xây dựng kế hoạch rủi ro để thông báo sớm cho bà con nông dân chủ động phòng, chống bão, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho sản xuất trồng trọt và chăn nuôi. Các đơn vị có liên quan cần kết nối ngay với các Sở NN&PTNT chỉ đạo sâu sát hơn nữa 3 vùng chiêm trũng bị ngập trong đợt mưa lớn vừa qua.